Đầu tư hiệu quả hơn vào xây dựng nguồn vốn nhân lực trong dài hạn
- Tây Y
- 21:36 - 12/09/2019
Thu hút tốt nguồn lực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội
Hội nghị do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD - VCCI), Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan tổ chức.
Mục tiêu của hội nghị nhằm cung cấp thông tin cập nhật về định hướng, kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đang triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.
Theo đó, trong buổi sáng 12/9 diễn ra 3 hội thảo chuyên đề. Nội dung chính của các hội thảo này là những chủ đề trọng điểm được quan tâm hiện nay gồm: Nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, sử dụng tối ưu và hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu, sản phẩm và giá trị được tạo ra từ chúng, giảm thiểu thất thoát và lãng phí cho nền kinh tế;
Trong năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đã, đang vượt lên trong cuộc "đua xanh".
Điều này cho thấy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang gặp khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận thị trường phát triển bền vững; trong khi ước tính đến năm 2030, có tới 12.000 tỷ USD từ thị trường phát triển bền vững và 4.500 tỷ USD/năm từ nền KTTH.
Để tiếp tục thúc đẩy thực hiện KTTH, Hội nghị đề xuất 5 sáng kiến, gồm: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam.
Thúc đẩy mô hình đối tác công tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn, tối đa hóa giá trị nguồn đầu tư, hạn chế rủi ro và thúc đẩy sáng tạo trong thiết kế, thi công, kinh doanh và quản lý;
Xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số Vốn con người, sự tham gia, điều phối của các chính phủ trong việc nâng cấp, cải thiện hạ tầng xã hội nhằm đầu tư hiệu quả hơn vào xây dựng nguồn vốn nhân lực trong dài hạn.
Những chia sẻ từ các bộ, ban, ngành cấp trung ương; đại diện cơ quan quản lý cấp địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế; những sáng kiến từ các doanh nghiệp tiêu biểu cùng sự đối thoại cởi mở với đại diện doanh nghiệp sẽ mở ra những lời giải cho các vấn đề hiện nay cũng như những kiến nghị về chính sách hữu ích cho Chính phủ.
Là năm bản lề cho thập niên 2020 - 2030, năm 2019 được kỳ vọng là thời điểm Việt Nam thừa hưởng những thuận lợi từ kết quả phát triển kinh tế ấn tượng đạt được trong các năm trước, đồng thời tận dụng lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn sắp tới, nhằm bứt tốc cùng các quốc gia trên thế giới hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững.
Những giải pháp này cũng được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực cho nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 với tầm nhìn và chính sách mới nhằm đưa đất nước tiến xa hơn tới một thập kỷ phát triển bền vững hơn.
Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa; cũng như sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới.
Kết nối giữa đào tạo với doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động
Về phía Ngân hàng Thế giới, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình phát triển con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt các chỉ số vốn nhân lực nhưng cũng đang phải đối mặt với 2 thách thức chính trong việc đảm bảm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để vượt qua thách thức này, theo ông Daniel Dulitz, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Theo dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự chủ trì phiên toàn thể của hội nghị diễn ra chiều 12/9.
Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có lễ ký cam kết của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (các sáng kiến giải quyết thách thức từ rác thải nhựa của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới); cam kết thực hiện phong trào năng suất do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 7/8/2019…
Hội nghị năm nay được đặt trong bối cảnh 10 năm tới (2020 - 2030). Đây là thời điểm quan trọng được coi là "nước rút" để Việt Nam hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững - VSDG bao gồm 115 các chỉ tiêu cụ thể trong nhiều lĩnh vực.
Những kiến nghị từ hội nghị được kì vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên phát triển bền vững hơn.
Hội nghị thu hút hơn 800 đại biểu tham dự.