THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:36

Nếu được thông qua, 3 năm tới sẽ có hơn 650 km cao tốc Bắc - Nam

Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ 

Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Bộ trưởng GTVT cho biết, tổng đầu tư cho giai đoạn 1 (2017 - 2020) của tuyến cao tốc Bắc - Nam là 118.716 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình 

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành, và được đầu tư theo ba giai đoạn. Quy mô từ 4 - 6 làn xe. Khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn thì 8 làn xe. Tốc độ từ 80 - 120km/h.

Giai đoạn 1 (2017 - 2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh, thành. Trong giai đoạn này, ngành giao thông sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Dầu Giây (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa) và cầu Mỹ Thuận 2.

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 gần 128.716 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn phải huy động đầu tư gần 64.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (2021 - 2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.

Giai đoạn 3 sau năm 2025 sẽ đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.

Việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo tờ trình của Chính phủ là vô cùng cần thiết. Sự cần thiết không thể trì hoãn của dự án được Chính phủ nêu tại tờ trình, trước hết để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, song Chính phủ cho biết hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ các công trình hiện đại như hệ thống đường cao tốc còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, đây chính là điểm nghẽn của phát triển. Nguy cơ này cũng đã được phản ánh trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Theo tờ trình của Chính phủ, hiện còn nhiều khó khăn trong đấu thầu dự án. Cụ thể, Chính phủ cho rằng trong việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), để triển khai các dự án này thành công thì không phụ thuộc vào Nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường, mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, sự ổn định chính sách, sự đồng thuận của nhân dân...

Các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư, giá dịch vụ, quản lý thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, dự án này chỉ có thể khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020.

Ngoài ra, khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng khó khăn. Việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ...

Cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra 

 

Theo ông Vũ Hồng Thanh, cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt, dự án này cũng kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về phương án đầu tư, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ phân chia Dự án thành các dự án thành phần. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.

Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra số liệu sơ bộ về chiếm dụng đất khoảng 3.689 ha, số hộ bị ảnh hưởng khi triển khai công tác GPMB khoảng 7.700 hộ; dự kiến số hộ phải tái định cư khoảng 1.900 hộ; phương án GPMB theo quy mô quy hoạch được phê duyệt các đoạn đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020. 

Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước tiếp theo cần rà soát, xác định chi tiết khối lượng GPMB, xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của Luật Đất đai, trong đó lưu ý đơn giá bồi thường khu vực giáp ranh giữa các địa phương để bảo đảm phương án tái định cư phù hợp với quy định và nguyện vọng của người dân, tránh lãng phí, khiếu kiện.

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 08 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).

Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

Về phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho Dự án, dự kiến khoảng 63.716 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh