CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:05

Đâu rồi khế của ngày xưa

 

Cây khế của cố Chiêm trồng không biết từ bao giờ, nhưng gốc và thân cây to như cổ thụ, tán lá của nó xòe phủ hết cả cái sân rộng và xoãi ra rợp cả một góc vườn. Cây khế rất sai quả, đến nỗi có người ước tính nếu hái hết số quả trên cây phải chất đầy cả vài xe cải tiến. Ngày xưa các loại rau củ quả còn hiếm nên khế là loại quả phổ biến nhất để nấu các món ăn thông thường của người dân quê Nghi Xuân. 

Bởi giá trị của cây khế nhà mình có tầm ảnh hưởng đến bữa ăn của cả vùng nên cố Chiêm luôn cảnh giác đề phòng bọn kẻ gian vào vườn hái trộm. Cố Chiêm chặt những cành gai của cây tre buộc lại thành bó rồi cột áp vào gốc và thân cây. Khi hái khế để bán, cố dùng câu liêm ngoặc cho quả rụng xuống vào cái nong đan bằng tre hứng ở dưới. Người làng kể: Cây khế cho cố Chiêm thu nhập vò loại khá nhất vùng. Số tiền bán quả khế hàng năm cố Chiêm dành dụm nuôi được cậu con trai út học đại học, mua nhà ở thủ đô và làm đến chức thứ trưởng.

Nhưng từ cậu con trai út của cố Chiêm tốt nghiệp đại học, cưới vợ, mua nhà rồi thăng chức người lang không còn thấy cậu về thăm quê lần nào cả. Rồi một ngày kia cố Chiêm qua đời, mảnh vườn của cố bị bỏ hoang nên chẳng mấy ai còn nhắc đến cây khế của cố nữa. Mãi đến những năm đầu thập niên 90, nhà nước cho mua lại vườn nhà cố và các hộ xung quanh để xây đồn Biên phòng. Thế là cây khế của cố Chiêm bị chặt bỏ từ đó. Đồn Biên phòng với những ngôi nhà xây khang trang, khuôn viên trồng cây cảnh rất đẹp.

Những người dân sống gần đồn Biên phòng kể rằng: Trong đồn có ba chú lính trẻ được giao công việc luôn quét dọn vệ sinh, chăm sóc cây cảnh,  và nuôi một đàn chó rất đẹp. Không bù cho  ngày xưa, cây khế của cố Chiêm chỉ có mấy bó gai tre ốp vào gốc để đề phòng kẻ trộm, dĩ nhiên chưa bao giờ cố Chiêm phàn nàn với ai bị mất một quả nào.

Số phận đẩy đưa tôi lấy chồng xa quê, gần cuối đời lại trở về quê mua đất làm nhà. Tôi lại được sống nơi chôn rau cắt rốn của mình với những kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ, trong đó có ảnh hình cây khế cố Chiêm và những món ăn mẹ tôi nấu. Nhớ nhất là ngày mưa của tiết trời tháng Chín, những cánh đồng mênh mông nước, người dân quanh vùng đặt vó, chăng te bắt cá rô, cá quả ... mang ra chợ bán. Mẹ tôi mua cá nấu với khế của cố Chiêm cùng các loại gia vị khác như lá lốt, lá nghệ, hành hoa... Bữa cơm chiều, nhìn đàn con khua môi thìa lanh canh, chan húp bát canh chua sì soạp, cha mẹ tôi luôn tỏ ra vui sướng vô cùng...

Những ngày mới về quê, tôi thèm ăn bữa canh cá đồng nấu khế lăm! Cá đồng không còn nhiều như trước nhưng vẫn có để mua, còn khế thì bói không ra một quả nào Nghĩ bụng: Chắc quê mình giờ không còn người ăn khế nữa.

Tình cờ một lần đi chợ huyện, tôi lướt qua hàng bán cây giống tôi bỗng thấy có những cây khế giống được bày bán rất bắt mắt. Tôi hỏi mua, cô bán hàng nở nụ cười tươi rói giới thiệu: Giống khế này được lai tạo rất quý hiếm, nhà em lấy từ Viện cây trồng của Trường Đại học Nông nghiệp 1 đấy chị ạ. Quả của nó rất to, xanh không chua lắm, chín ngọt lịm như cam sành ... Em đảm bảo, cây vừa bén rễ là cho quả ngay tức khắc... Nghe cô bán hàng quảng cáo kêu như kẻng đánh, tôi ừ: “bán cho chị một cây”. Cô ấy còn khuyến mãi cho tôi một tờ giấy hướng dẫn cách trồng và chăm sóc.

Mùa khế đầu tiên mặc dù cây còn bé nhưng sớm  cho quả rất sai nên tôi phải dùng cả hệ thống cọc tre buộc vào thân cây để chống đỡ. Từng chùm quả phát triển nhanh, rất to, da sáng căng mọng nước. Khi quả còn xanh thì thơm giòn, có vị chua thanh thanh, khi chín thì có màu vàng đậm, ngọt lịm như cam sành.

Có khế nhà trồng, thỉnh thoảng tôi ra chợ mua mớ cá đồng về nấu canh chua. Tôi học cách chế biến của mẹ tôi ngày xưa từng nấu cho anh chị em tôi ăn, nhưng món canh chua tôi nấu cừ nhờ nhợ như thiếu một vị gì đó mà tôi nghĩ mãi không ra.

Vui buồn tôi kể trên là chuyện của những năm tôi mới về lại quê, còn bây giờ đời sống của người dân nơi đây đã đủ đầy nhờ có con em đi xuất khẩu lao động. Những con người ngày xưa chịu thương, chịu khó; láng giềng sớm tối qua lại nhường nhau miếng trầu, mời nhau bát nước chè xanh mới om, ngồi quanh bàn chuyện trò rôm rả. Chủ đề chính của họ là giá gạo, ngô, khoai ... giờ họ là chủ của những ngôi nhà cao tầng, cửa đóng then cài. Thỉnh thoảng họ có ngồi lại với nhau thì cũng chỉ ở những đám giỗ, đám cưới, tân gia ...câu chuyện bàn luận của họ là giá đô la, uôn Hàn Quốc, yên Nhật, lãi suất Ngân hàng xuống, lên ... Tôi mừng cho họ nhưng đắng lòng xót xa tiếc nuối một thứ gì quý giá đã mất.

Cây khế nhà tôi vẫn thủy chung đến mùa ra hoa, kết quả. Quả xanh thì thơm giòn, vị chua thanh thanh, chín thì vàng đậm ngọt lịm như cam sành. Chỉ có khác là người làng giờ không còn ai ăn khế nữa. Thay cho khế, họ nấu canh chua bằng quả me đóng gói sẵn hoặc dứa thơm, kim chi ... Nghe họ khoe những thứ đó được mua ở siêu thị lớn. Trẻ con làng tôi ngày trước được cho quả khế chín thì mừng mắt sáng long lanh, nhưng giờ thấy tôi gọi cho khế chúng nó lắc đầu, khoát tay ... no ... no...

Cuối làng tôi, có cái chợ cóc bán những thứ như thịt, rau, củ quả… Một lần đi chợ gặp mấy bà tuổi xồn xồn trưng diện ngất trời, nào vòng tai, vòng tay, xuyến đeo cổ vàng chóe. Họ kể chuyện hài vui lắm. Tôi cũng góp vào mấy mẩu tin thú vị, rồi có người phàn nàn muốn ăn canh chua mà thức nấu ở nhà đã hết, chưa đi siêu thị mua được. Những thứ họ cần thì chợ này không có, chán thật. Tôi nhanh miệng khoe: “các chị đến nhà em hái khế chua mà nấu. Trong đám có người cười nhạt: Bây giờ còn ai ăn ba cái thứ vớ vẩn ấy nữa.

Tôi chưa biết trả lời thế nào, chợt có tiếng reng... reng... phát ra từ chiếc điện thoại  trong túi áo. Tôi vội mở ra, bỗng nghe đứa con trai tôi gọi báo tin, mấy hôm nữa  sẽ đưa vợ con  về quê nghỉ phép. Nó dặn tôi mua cho nó mớ cá đồng, hái khế trong vườn để nấu canh chua!

QUỲNH HOA (Thôn 8 Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh