Dấu mốc quan trọng trong hành trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- Văn hóa - Giải trí
- 12:12 - 11/06/2023
Tham dự Lễ kỷ niệm có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; lão thành cách mạng, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động.
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ là hoạt động quan trọng nhằm khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự sắc sảo và sáng tạo trong tư duy lãnh đạo của Đảng. Đây còn là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ và các thế hệ người Việt Nam; đồng thời tri ân sự hy sinh, đóng góp của biết bao lớp người trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cách đây 50 năm, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chuyển trụ sở từ Tây Ninh ra vùng giải phóng Quảng Trị. Đây là một dấu mốc quan trọng trong hành trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Ngày 1/5/1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, đã xóa đi giới tuyến chia cắt đất nước, nối liền với khu căn cứ cách mạng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và vùng giải phóng Hạ Lào. Quảng Trị trở thành địa bàn quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Do đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt Trụ sở tại huyện Cam Lộ để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam được thuận lợi hơn. Đây là quyết định mang tầm chiến lược của Đảng ta.
Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng, ngày 6/6/1973, tại Trụ sở ở Cam Lộ diễn ra lễ mít tinh trọng thể, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có buổi họp đầu tiên, đề ra nhiều quyết sách quan trọng.
Trong khoảng 3 năm (1973-1976), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tham gia các phong trào, tổ chức tiến bộ trên thế giới; cử nhiều đoàn cấp cao thăm các nước, tham dự các hội nghị quốc tế; ra tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định Paris, không ngừng gây tội ác với người dân, đồng thời vận động các nước tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Từ khi ra mắt Trụ sở tại Quảng Trị, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khẳng định đậm nét vai trò trên trường quốc tế; đã đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, thiết lập quan hệ ngoại giao, tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư. Tại đây cũng đã đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước, các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Georges Marchais…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, việc chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nâng cao giá trị biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước; đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam Việt Nam.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khẳng định đậm nét vai trò chính trị của mình trên trường quốc tế, có những đóng góp quan trọng, cùng quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn và Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Nam Bắc.
Năm 1991, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.
Sau khi chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, quyết tâm vươn lên và đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Quảng Trị sau 51 năm đã vươn lên từ hoang tàn, đổ nát, hậu quả nặng nề của chiến tranh. Kinh tế tăng trưởng nhanh. Những địa danh nổi tiếng một thời khói lửa bởi chiến tranh, nay đang là điểm đến của du lịch hòa bình và hữu nghị. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không ngừng được cải thiện.
Đặc biệt, Quảng Trị đã chú trọng tôn tạo, giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng; thực hiện tốt việc chăm sóc hương hồn của hơn 6 vạn anh hùng liệt sĩ, làm ấm lòng những gia đình trên khắp cả nước đang có người thân yên nghỉ tại mảnh đất linh thiêng này.
Phó Thủ tướng mong muốn, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, quá khứ vinh quang, để bứt phá, vươn lên, phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với công lao, sự hy sinh xương máu của các bậc tiền nhân và các thế hệ cha anh.
“Chúng ta tin tưởng rằng, Quảng Trị sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khai thác tốt những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển vượt bậc, toàn diện về mọi mặt, nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng nhận mạnh.
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị khẳng định, với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Quảng Trị ngày càng phát triển đi lên, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại Di tích lịch sử quốc gia Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Một chính phủ vì khát vọng hòa bình”, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và các đoàn nghệ thuật trong cả nước. Bằng nghệ thuật sân khấu thực cảnh, chương trình phục dựng những mốc son lịch sử từ Sự kiện thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Tây Ninh, quá trình lãnh đạo cách mạng miền Nam, những dấu ấn chiến đấu và chiến thắng tại các chiến trường (đặc biệt là chiến trường Đường 9- Nam Lào và 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ), thắng lợi Hiệp định Paris, hình ảnh lãnh tụ Fidel Castro tại Quảng Trị… đến việc ra mắt và hoạt động của Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị năm 1973…
Sân khấu thực cảnh được thiết kế xây dựng với các hạng mục chính như bối cảnh sân khấu lễ, chiến trường Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh, chiến trường Nam Bộ, Tháp Eiffel (Pháp), cầu dây văng-bối cảnh mới của tỉnh Quảng Trị.