CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:02

Đau đáu Thiên Cầm!

Thiên Cầm nghĩa là “trời giam” hay “đàn trời”… đó chỉ theo cách suy luận khác nhau. Nhưng đã tới đây, Thiên Cầm luôn gợi đến cho ta cái cảm giác mang mang nhớ về một thủa đất nước loạn li. Nhất là chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống phía biển khơi, ngọn núi Cầm Sơn càng tựa hồ một con chiến mã khổng lồ bị trúng thương, rủ bờm nằm phủ phục bên mép sóng. Có ai hay rằng, đã hơn 6 thế kỷ đi qua rồi mà con chiến mã ấy vẫn thủy chung nằm đó ngóng đợi chủ tướng của mình trở về, để rồi hóa thành ngọn núi mồ côi.

Núi Cầm Sơn linh thiêng luôn hút hồn du khách thập phương chính là điểm nhấn của Khu du lịch nghỉ dưỡng Thiên Cầm. Trên đỉnh núi còn đó bao dấu tích của chùa chiền, đền, miếu và hang động … tất cả những dấu tích này dường như đều liên quan đến một giai đoạn được coi là bi ai nhất của lịch sử dân tộc, cùng với cảnh tượng Hồ Quý Ly thất trận bị lưu đày sang phương Bắc, đành ngậm ngùi số phận mà đoái trông sông, núi điêu tàn!

Chuyện kể rằng: Sau khi soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly ra nhiều đạo luật hết sức hà khắc khiến cho bàn dân thiên hạ muôn nơi ta oán! Lợi dụng điểm yếu đó, giặc Minh đem quân sang đánh chiếm nước ta. Thế giặc Minh mạnh, chúng đánh tới đâu, quân nhà Hồ bị thua to tới đó. Trong một trận chiến sinh tử tướng sĩ nhà Hồ bị tổn thất quá lớn. Cuối cùng cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương phải dẫn đám tàn quân chạy  trốn vào xứ đằng trong theo đường biển, hòng củng cố lực lượng lập căn cứ chống giặc lâu dài.

Tới cửa Kỳ La,  tức vùng Cẩm Xuyên và Kỳ Anh ngày nay, quan quân nhà Hồ gặp phải một ngọn núi sừng sững nhô ra biển chắn lại.  Trong lúc vô vọng  bỗng xuất hiện một tiếng nổ chuyển đất, chuyển trời phát ra từ chính ngọn núi ấy. Giữa khói bụi mịt mùng, thấy một vết nứt  dưới chân núi hiện ra vừa đủ cho người ngựa chui lọt, Hồ Quý Ly lập tức bái vọng hồn thiêng sông núi, rồi nhanh chóng dẫn đám tàn binh vào hang lánh nạn. Lạ thay, khi tất cả quan quân nhà Hồ vừa chui qua thì cửa hang từ từ khép lại.

Không bắt sống được cha con họ Hồ, tướng giặc tức giận cho phóng hỏa đốt cháy cả ngọn núi hòng thiêu sống tất cả. Vậy nhưng, giữa lúc khói lửa đang cháy ngút trời thì giông bão bỗng nổi lên, sấm sét đùng  đùng, mưa như cả một đại dương nước của trời trút xuống, trong khoảnh khắc cả ngọn núi lửa nghi ngút  được dập tắt.

Khi trời quang, mây tạnh, Hồ Quý Ly  giật mình thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện về đứng trên một phiến đá màu rực rỡ sắc hào quang, tay cầm lọ nước Cam Lồ rưới lên vương miện nhà vua bảo rằng: Đất nước đã mệt mỏi binh đao, dẫu anh hùng, nhà ngươi cũng không giải thoát được nỗi đau chết chóc của thần dân.

Như thấu được ý trời, Hồ Quý Ly ngửa mặt quay về tứ phương rồi than lên: Vận của nhà Hồ từ đây coi như đã kết thúc.  Thật kỳ lạ, nhà vua vừa bái vọng xong thì cửa hang bỗng được mở toang ra, một luồng gió lạnh buốt thịt da từ phía biển ùa vào. Hồ Quý Ly bình thản bước ra khỏi cửa hang giơ tay cho giặc cùm lại, chịu thân lưu đày.

Để tưởng nhớ nhà vua, người dân địa phương đã cho xây đền thờ Hồ Quý Ly, và xây ngôi chùa Cầm Sơn trên ngọn núi, để muôn dân thiên hạ đời đời cầu siêu cho linh hồn của nhà vua cùng vong linh của các tướng sỹ nhà Hồ siêu thoát về cõi Niết Bàn.

Ngày nay, đứng trên là ngọn Cầm Sơn phóng tầm mắt ra cửa biển Thiên Cầm, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hòn Én, hòn Bớc, hòn đảo Cá… như những hòn ngọc khổng lồ lấp lánh giữa mênh mang biển, trời! Ngoài vẽ đẹp mê hoặc, quần đảo này còn có tác dụng như những chiếc bình phong che chắn gió bão, nên dù ngoài biển khơi giông tố lớn tới đâu thì bãi biển Thiên Cầm vẫn bình yên sóng lặng.

 Bãi biển Thiên Cầm vạch nên một đường cong tuyệt mỹ giữa sắc nước mây trời, với bãi cát mịn như làn da tiên nữ, trải dài từ chân núi Cầm Sơn đến tận cữa Nhượng; nước biển vừa độ nồng mặn  vừa trong vắt như pha lê. Từ bãi tắm, du khách có thể lên thuyền rồng ra ngoài khơi hàng chục hải lý  tham quan hết đảo này sang đảo khác và được  nếm đủ các món đặc sản ở đó như sò đá, ốc mỡ, ghẹ vàng, mực ống…

Thiên Cầm từng được người Pháp khám phá và khai thác từ những năm cuối thế kỷ mười chín. Trải qua bao biến đổi của của thời gian, Thiên Cầm tưởng chừng như bị lãng quyên. Mãi cho đến cuối thế kỷ hai mươi, nơi này mới bắt đầu được chú ý đến. Và cho tới năm 2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mới bắt đầu chính thức phê duyệt Quy hoạch Khu Du lịch nghỉ dưỡng Thiên Cầm với diện tích tổng thể 1.557 héc ta, dự định xây dựng nơi này trở thành một “khu công nghiệp không khói” lớn nhất ở Hà Tĩnh trong tương lai.

Để thu hút  đầu tư, Hà Tĩnh đã  “rải thảm đỏ” chào đón bằng nhiều cơ chế chính sách tỏ ra thông thoáng. Điển hình là ngày 18 tháng 11 năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thiên Cầm,  đầu tư vào Dự án  Khu du lịch sinh thái Bắc Thiên Cầm với quy mô gần 270 héc ta và tổng kinh phí lên tới gần 2.000 tỷ đồng.  Mục tiêu của dự án là quy hoạch, xây dựng vùng Bắc Thiên Cầm thành Khu Du lịch đạt chuẩn Quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh; Tạo ra các hình thức dịch vụ du lịch đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách; Nâng cao nguồn thu ngân sách, đồng thời giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân…

Dự kiến, đến năm 2017, sau bảy năm triển khai các công trình sẽ đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay đã hơn ba năm dự án vẫn chỉ mới “nằm trên giấy”. Chưa biết tính khả thi đến đâu? Nhưng hệ lụy nhãn tiền đã rõ. Cụ thể là có  147 hộ dân trong vùng ảnh hưởng dự án đang  lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi các điều kiện sinh hoạt thiết yếu nhất như:  Điện, nước,  giao thông, công trình nhà ở của dân bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng. Ngược lại, trong lúc đó theo cam kết giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương không cho ai được phép sửa chữa, nâng cấp hoặc làm mới ; Con cái dựng vợ, gả chồng cũng không được tách hộ, không được làm nhà ở riêng và không được phát triển các mô hình kinh tế làm ăn sinh sống trên vùng đất quy hoạch.

Ngoài dự án Dự án Khu Du lịch sinh thái Bắc Thiên Cầm, trước đó Hà Tĩnh còn cấp giấy phép cho phép một Công ty khác xây dựng khác sạn mang tên Sông La ngay trên một khu bãi tắm đẹp nhất vùng. Khi cấp đất cho xây dựng công trình này, không những người dân mà còn có nhiều chuyên gia ngành du lịch đã phản đối mạnh mẽ, vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn bỏ ngoài tai. Khách sạn Sông La mọc lên vô hình dung chia cắt tuyến  ven biển từ dãy Cầm Sơn, huyện Cẩm Xuyên vào dãy núi  Bằng Sơn, huyện Kỳ Anh, che khuất tầm nhìn của bãi tắm Thiên Cầm và phá hủy hoàn toàn quần thể du lịch.

Đặc biệt, trong điều kiện vì không phát huy được tiềm năng lợi thế của khu du lịch, nên lượng khách đến với Thiên Cầm ngày càng giảm. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến việc  các dịch vụ nhà hàng ở đây đưa ra một quy ước “ngầm” với nhau là “mài dao chín tháng chặt chém chín mươi ngày”. Có nghĩa là ở Thiên Cầm chỉ có chín mươi ngày mùa hè mới có khách du lịch,  nên họ phải tranh thủ móc túi của khách bằng cách đội giá lân thật cao  để bù lại những thiếu hụt của mùa khác, càng làm cho hình ảnh của Thiên Cầm xấu đi trong con mắt du khách.

Ông Nguyễn Văn Hoa ( 62 tuổi) quê ở xã Cẩm Nhượng làm nghề lái thuyền du lịch phục vụ khách du lịch tham quan tỏ ra hết sức buồn chán tâm sự rằng: Trước đây khách khứa lúc nào cũng đông, nhưng do cách phục vụ theo kiểu “chặt chém” của các nhà hàng dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi đã tác động đến tâm lý của họ, nên hầu hết khách chỉ đến đây tắm xong rồi ra về chứ không mặn mà gì đi du thuyền tham quan ngoài đảo nữa. Ông Hoa từng là ngư phủ đánh bắt ở cửa Nhượng, khi phong trào du lịch ở Thiên Cầm bắt đầu phát triển, ông đã bán đi toàn bộ lưới thuyền ngư cụ, đầu tư đóng mới thuyền du lịch với hy vọng ổn định việc làm, tăng nguồn thu nhập, nhưng niềm ước mơ đó đang bắt đầu tiêu tan.

 

Nhớ lại thời kỳ Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh mở trại sáng tác đầu tiên ở Thiên Cầm vào năm 1996. Thời ấy, ở đây chỉ lác đác một vài dịch vụ nhà hàng,  anh chị em văn nghệ sỹ gần hai mươi Hội viên được nghỉ tại nhà nghỉ Công Đoàn vẫn thường ngày ra bãi biển dạo chơi, uống rượu và đọc thơ rất vui. Vẫn có người thắc mắc là tại sao trại sáng tác mở tại khu du lịch biển mà không mở vào mùa hè, lại mở vào mùa mưa bão. Cũng phải thông cảm cho khó khăn của Hội văn nghệ thời đó, bởi nếu mở trại sáng tác vào mùa hè thì tốn kém nhiều. Nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi mới biết được vẻ đẹp hoang sơ của Thiên Cầm, một vẻ đẹp thuần khiết rất đáng yêu chứ không phải bừa bãi như bây giờ.

Thiên Cầm như một kiệt tác của thiên nhiên gắn với bao tryền thuyết mê đắm lòng người, đang bị  những tính toán hạn chế cứ bào mòn dần tài sản vô giá ấy. Vậy nên, muốn phát huy được tiềm năng của nó, trước hết cần phải tuân thủ cảnh quan thiên nhiên, phải quan tâm đến vấn đề môi trường và cơ sở hạ tầng thiết yếu.  Nhìn xa trông rộng hơn, thì từ Thiên Cầm có thể phát triển tuar du lịch trọn gói đến  mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngã Ba Đồng Lộc, Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, Nhà thờ Trần Phú và Khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên…

Tôi trở về đây giữa một ngày biển động, mưa bay trắng trời, từng đợt sóng vu vơ dội về dưới chân ngọn Cầm Sơn nghe như tiếng đàn trời vọng lên bao cung bậc xa xót mà thêm buốt lòng!

Nguyễn Ngọc Vượng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh