“Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim Kong” được bình chọn là 10 sự kiện ngành văn hóa
- Văn hóa - Giải trí
- 15:42 - 10/01/2018
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, năm 2017, việc bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành VH-TT&DL đã có nhiều điểm mới. Trong đó, lần đầu tiên, việc bình chọn các sự kiện được thực hiện trên mạng internet qua địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn. Cũng trong năm nay, lần đầu tiên, Bộ VHTTDL không chỉ lấy ý kiến đề cử các sự kiện từ các cơ quan đơn vị của Bộ mà còn từ những đề cử của 63 Sở VHTTDL, Sở VHTT trên cả nước.
Theo đó, BTC bình chọn đã đưa ra 15 sự kiện gồm: Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Sáng kiến của Việt Nam về Giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ I; Ấn tượng "Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam"; Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2017 - khẳng định thương hiệu là sự kiện văn hóa có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch trong nước và quốc tế; Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim Kong: Skull Island; Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29; Thành tích ấn tượng của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam năm 2017; Bơi lội Việt Nam thi đấu xuất sắc và giới thiệu được nhiều gương mặt trẻ; Lần đầu tiên Cử tạ Việt Nam giành 05 HCV trên đấu trường cử tạ Quốc tế; Đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 5 bước lên ngôi vô địch SEA Games; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch 2017 được thông qua với nhiều nội dung thúc đẩy phát triển du lịch; Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc góp phần thu hút khách quốc tế tới vùng Tây Bắc cao nhất từ trước đến nay; Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017; Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Du lịch thế giới.
Trong đó, sự kiện Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những sự kiện được bình chọn trên mạng nhiều nhất. Trước đó, tháng 12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi danh 2 di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” và “Hát Xoan Phú Thọ” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, Hát Xoan Phú Thọ là di sản đầu tiên trên thế giới được đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học và là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí phổ biến trong cộng đồng làng xã ở Trung Bộ Việt Nam. Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, bao gồm hát, múa, gõ trống và phách; gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hoá, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Sự kiện này khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Trước những thắc mắc tại sao không có các sự kiện hạn chế của ngành, vì sao chọn sự kiện phim Kong: Skull Island trong 15 đề cử. Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, trong công tác chỉ đạo, điều hành những lĩnh vực của ngành, Bộ VH-TT&DL luôn nhận thức được bên cạnh những thành tựu vẫn có những tồn tại hạn chế song hành. Bộ luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các cơ quan báo chí. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực xử lý những tồn tại, hạn chế của ngành. Sau một năm, việc nhìn nhận lại các sự kiện tiêu biểu là động lực quan trọng để các cán bộ, nhân viên, người công tác trong ngành VH-TT&DL phấn đấu sang năm mới làm việc tốt hơn, gặt hái những kết quả tốt hơn nữa. Ông Nguyễn Thái Bình cũng khẳng định, ngành VH-TT&DL không quên những tồn tại, hạn chế mà luôn ý thức và từng bước khắc phục để ngành VH-TT&DL đạt được những thành tựu tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Trả lời thắc mắc của báo chí về việc tại sao không chọn việc công chiếu phim Kong: Skull Island là sự kiện văn hóa mà là Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim “Kong: Skull Island”, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định, bộ phim “Kong: Skull Island” với các cảnh quay chính được thực hiện tại các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã tiếp tục hiện thực hóa chủ trương quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh. Sự kiện này cũng mở ra cơ hội Việt Nam trở thành phim trường của thế giới. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL đã bổ nhiệm đạo diễn bộ phim, ông Jordan Vogt Robert là đại sứ du lịch tại Anh và Mỹ làm tăng cơ hội quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những thị trường nói tiếng Anh thông qua việc phim “Kong: Skull Island” công chiếu trên toàn thế giới và đạo diễn Jordan tham gia các hoạt động quảng bá khác.