THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:57

Đất quê một thuở...

Cổng làng Thổ Hà.                      Ảnh: Nghiêm Phú Lâm

Cứ xuôi theo dọc đê sông Cầu chừng dăm cây số, mắt ta chờm ngợp một vùng sông nước hữu duyên hữu tình. Sông chảy lặng lờ, mái chèo miết lặng bến sông quê. Lại nhớ các liền anh liền chị khăn xếp áo the, mớ bảy mớ ba rập rìu đi trẩy hội làng. Đình Thổ Hà đây rồi. Cây đa rùm rà rợp bóng tam quan. Cổng làng rêu phong in đậm ngấn lũ mùa nước lên. Lại nhớ ngày nào, hiệp thợ xứ Bắc nâng đình làng cao hơn mặt nước sông không hề đụng chạm đến kết cấu đình. Khu đình tọa lạc trên một khu đất rộng trải mấy trăm năm thăng trầm binh lửa “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Kỹ thuật phục dựng đình và nét tài hoa của ông cha khiến tôi cảm phục.

Làm bánh đa là một trong những nghề truyền thống của làng Thổ Hà.Ảnh: Nghiêm Phú Lâm

Lại nhớ ngày nào tôi gặp anh bạn họa sỹ tốt nghiệp đại học Mỹ thuật công nghiệp về làm rể làng này nguyện đem tâm sức của mình khôi phục nghề cang gốm. Anh tìm sang vạt đồi cạnh làng không xa - chừng vài cây số thuê người dựng xưởng, đắp lò, tạo khuôn, dựng mẫu, chọn men gốm… Nhiều đêm anh không về nhà, nằm tại xưởng thao thức nghiền ngẫm cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu làng gốm Thổ Hà: chum vại sành, chậu kiểng, lọ gốm, bát đĩa men da lươn, tiểu sảnh… nức tiếng một thời. Mắt anh ánh lên mỗi khi mẻ gốm ra lò trong hừng hực màu gắt của lửa nung. Càng thấy vui khi ngó từng đoàn thuyền xuôi ngược ghé bến “ăn gốm” chở đến những miền quê xa. Bây giờ trông lò gốm ngưng khói lại thấy cay cay đuôi mắt. Nghe nói làng Thổ Hà sẽ nối lại nghề cang gốm truyền thống, tôi thấy mừng ngày đó đến gần. Lại nhớ ngày nào cứ đến mùa lễ hội, cha tôi lại sang Thổ Hà dự giải cờ người hàng năm. Sân cờ người chia làm hai bên: bên nam và bên nữ, quét vôi trắng theo từng ô ngang dọc.

Bến đò làng Thổ Hà.                 Ảnh Lan Tím

Bên nam đi hia, cờ lọng, tán quạt và bên nữ quần trắng, áo xanh thụng nom thật lộng lẫy như trong chuyện cổ tích thần tiên. Người chơi cờ “điều binh khiển tướng” bằng một lá cờ đuôi nheo, phất vào ai, đi theo lệnh bằng một lá cờ đuôi nheo. Cha tôi có cái thú chơi cờ người từ bao giờ tôi không nhớ nữa. Chỉ biết khi dự giải cha tôi   giành giải nhất hội làng Thổ Hà về cờ tướng là một cái chum vại to “vật vã”  của làng làm ra và mấy cái khăn bông khiến cả nhà vui mừng khôn xiết. Ông nói với tôi: “Làng Thổ Hà năm nào mở hội cũng linh đình lắm, ba ngày ba đêm đèn đuốc sáng choang. Các tay cờ khắp các vùng lân cận dọc theo sông Ngũ Huyện Khê đổ về. Vui như tết. Ngoài ra làng còn tổ chức thi vật, thi chọi gà… Đua tài, giành giải là truyền thống của làng Thổ Hà.

 

Phơi bánh đa ở làng cổ Thổ Hà.      Ảnh: Nghiêm Phú Lâm

Trong làng ngoài xóm, cỗ bàn thịnh soạn, ai đến cũng được mời ân cần, chu đáo. Không đi thì nhớ, không khí hội Thổ Hà là thế đấy con ạ!”. Lại nhớ ngày nào tôi theo đoàn làm phim “Đến hẹn lại lên” quay những thước phim đầu tiên ở làng Thổ Hà. Cảnh trí thì khỏi phải nói: bến sông, cây đa, mái đình thì sẵn đấy, nhưng tình người quan họ ở vùng này thì hết mực tận tình. Kẻ cho mượn nhà, người tham gia đóng phim, người cho mượn thuyền, chẳng kể công xá gì đâu. Đến như ông đạo diễn Trần Vũ còn phải thốt lên: “Chả đâu như ở nơi đây, tình người quan họ Thổ Hà đáng để người ta yêu quý, nể mặt’’. Gần đây, có người bạn thơ khi xem phim “Đến hẹn lại lên” có tâm sự với tôi: “Kỹ thuật phim khỏi phải chê, nhưng riêng phần cảnh trí, đạo cụ là thấy mê rồi. Thật là mê đắm tình người là cái được của bộ phim này”.

Có phải tôi quá yêu vùng quê này mà lan man như vậy không? Ngẫm lại, cứ ngược qua Cổng Hậu, chạm dốc Vạn An xuôi về phía Đại Lâm là tôi thấy xốn xang khi qua bến đò ngang sóng nước Thổ Hà thầm thoảng bên tai. Ký ức xưa lại về - ký ức không có tuổi. Thổ Hà một vùng quê hữu duyên hữu tình. Vâng, Thổ Hà nết người nết đất chạm vào tâm trí tôi ở phía lặng nhất của thung lũng sông Cầu   “lơ thơ nước chảy” thuở nào.

Tản văn: Nguyễn Thanh Kim

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh