Đắp thuốc lá lên vết rắn cắn, trẻ 10 tuổi nguy kịch
- Y học 360
- 19:42 - 29/09/2022
Báo suckhoedoisong.vn thông tin: Ngày 29/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.A.T (10 tuổi, trú tại xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp) nhập viện trong tình trạng nặng do rắn độc cắn.
Theo gia đình bệnh nhi, trước khi vào viện 1 ngày, gia đình phát hiện trẻ có 2 vết răng cắn vùng ngón cái và ngón trỏ chân trái nghi do rắn độc cắn nên đã đắp thuốc lá.
Sau 1 ngày, vết cắn đau nhiều, xuất hiện sưng nề lan rộng lên cẳng chân trái, trẻ mệt nhiều nên gia đình đã đưa tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc xét nghiệm có rối loạn đông máu. Trẻ lập tức được chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Trước đó, như báo giaoducthoidai.vn đưa tin: Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, mới đây đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân L.S.T (20 tuổi, địa chỉ xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì) bị rắn độc cắn ngày thứ 5.
Theo lời người nhà của bệnh nhân, sau khi bị rắn cắn (không rõ rắn gì), bệnh nhân được người nhà dùng dây cuốn chặt cánh tay và ở nhà tự bó thuốc nam. Được 5 ngày, tình trạng ngày càng nặng thêm nên bệnh nhân đến trạm y tế điều trị và được chuyển ngay đến bệnh viện.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, la hét, thể trạng mệt mỏi nhiều. Cánh tay trái hoại tử tím, loét trợt, chảy dịch, mùi tanh.
Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/rắn cắn, sau khi được điều trị hồi sức tích cực, người bệnh được chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp khá đáng tiếc do quan niệm sai lầm của người dân trong xử trí và điều trị bệnh tại nhà. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị rắn cắn nhưng không đến cơ sở y tế mà tin theo lời mách dùng thuốc nam đắp vào vết cắn và để lại hậu quả nặng nề. Nhưng dường như những cảnh báo ấy vẫn chưa đủ mạnh bởi vẫn còn rất nhiều trường hợp bị rắn cắn biến chứng nặng chỉ vì tin theo lời mách và tin đồn.
Cách nhận biết rắn độc cắn mùa mưa
TS, BS Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, tai nạn do rắn cắn thường gặp ở trẻ sinh sống tại các vùng nông thôn, trung du, miền núi. Đặc biệt, mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của rắn. Tình trạng mưa bão làm phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng thường tìm nơi cao ráo để ẩn nấp, dễ tấn công gây tai nạn cho trẻ.
Mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào từng loài rắn, vị trí cắn và mùa khác nhau. Chính vì vậy, người lớn cần trang bị kiến thức xử trí đúng khi trẻ bị rắn cắn để tránh những hậu quả nặng nề.
Cách nhận biết rắn độc hay rắn không độc thì ngoài việc căn cứ vào vết răng cắn còn phân biệt dựa vào hình dáng, màu sắc và âm thanh phát ra của chúng. Rắn độc là các loài rắn có nọc độc, chất độc tiết qua những chiếc nanh lúc cắn hoặc bắn nọc độc từ xa vào mắt để làm tê liệt hoặc giết con mồi. Mỗi vết cắn có 2 răng nanh cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.
Nọc độc rắn có thể gây rối loạn đông máu và xuất huyết như họ rắn lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ...) hoặc ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở như họ rắn hổ (rắn hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia…)
Trong khi rắn không độc, vết cắn với những chấm nhỏ hình vòng cung, không có vết răng nanh.
Chính vì thế, khi bị rắn độc hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, người lớn cần hết sức bình tĩnh, di chuyển trẻ khỏi vùng hoạt động của rắn.
Đặt trẻ nằm yên, nơi cắn thấp hơn tim để hạn chế di chuyển và hấp thu nọc độc.
Rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Bố mẹ cần chú ý, không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây đau và hoại tử chi, không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì không hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc… Đặc biệt, không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương. Ghi nhớ màu sắc con rắn để bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết loại rắn để điều trị.
Vì vậy, trong trường hợp trẻ nghi rắn độc hoặc rắn độc không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.