Kon Tum: Đầu ra cho nghề dệt thổ cẩm còn nan giải
- Bài thuốc hay
- 12:58 - 11/06/2015
Việc đào tạo nghề phải đem lại hiệu quả cho lao động nông thôn, đồng thời phải gắn với giải quyết việc làm và thị trường đầu ra cho các sản phẩm để đạt hiểu quả, chứ không nên chạy theo số lượng đào tạo. Để nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ cho thế hệ sau không bị mai một, đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm và tìm đầu ra sản phẩm cho người học nghề, đó là điều kiện đầu tiên để giữ và phát triển được nghề.
Theo thống kê của Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Kon Tum), hiện tại ở thành phố Kon Tum chỉ có tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở phường Thắng Lợi, các huyện thì bà con tự sản xuất rồi trưng bày để bán theo nhu cầu trong huyện. Cho nên, để các học viên được đào tạo theo nghề là còn rất ít, bà con chỉ chủ yếu dệt để phục vụ cho gia đình là chính. Trong năm 2014, tỉnh đã đào tạo được 2 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, với 70 học viên cho xã Vinh Quang và Ia Chim, thành phố Kon Tum, nhưng cũng chưa thành lập được tổ hợp tác sản xuất nào để tiêu thụ sản phẩm. Còn năm 2015 này, chưa có kế hoạch đào tạo vì không tạo được hướng đi phù hợp cho các học viên.
Lớp đào tạo truyền, đạy nghề dệt thổ cẩm ở Kon Tum
Công tác đào tạo nghề, chính là một hướng đi đúng, giúp người dân có được cái nghề trong tay, khi mà diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, từ đó để tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập. Nhưng việc đào tạo nghề dệt thổ cẩm, chỉ dừng lại ở chỗ là bà con lúc làm ra sản phẩm chỉ mang hình thức trao đổi ở dân với quy mô nhỏ lẽ. Các sản phẩm thổ cẩm làm ra rất khó tiêu thụ và không có địa chỉ gắn kết, nên việc phát triển nghề dệt để thoát nghèo còn nhiều khó khăn.
Các sản phẩm làm bằng thổ cẩm, chính bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng không dùng hàng ngày trong đời sống sinh hoạt nữa, mà chủ yếu bà con sử dụng trong các dịp như: lễ hội, ma chay hay tết truyền thống. Để nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị mai một, rất cần sự chủ động phối kết hợp với ngành văn hóa, du lịch, có sự liên kết giữa các làng nghề trong địa bàn tỉnh và đặc biệt cần tìm một doanh nghiệp chịu trách nhiệm gánh vác và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Y Nhi (60 tuổi), thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum bày tỏ: "Dệt thổ cẩm là nghề trồng thống của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi, từ xa xưa bà con đã dệt những tấm thổ cẩm để đem ra trao đổi buôn bán với nhau. Đời sống càng tiến bộ, nhu cầu dùng các sản phẩm thổ cẩm càng ít đi, bà con trong thôn chủ yếu mặc vào những dịp có lễ hội hay việc gì liên quan đến tín ngưỡng của dân tộc thôi. Để nghề dệt thổ cẩm được phát triển và không bị mai một, việc đào tạo nghề phải gắn với đầu ra của sản phẩm, để từ đó bà con cảm thấy hứng thú và có nhiều thanh niên sẽ theo nghề hơn. Với chúng tôi mong muốn lớn nhất, sẽ có 1 hợp tác xã hay một doanh nghiệp nào đứng ra tiêu thụ sản phẩm, nhằm giúp bà con có kiếm thêm thu nhập. Chứ bấy giờ, để làm tấm thổ cẩm phải đi mua nguyên liệu, nhưng giá nguyên liệu lại cao mà bán ra thì các chủ cửa hàng nhỏ lẽ ép giá xuống thấp, nếu không bán lại phải đem về".
Với nghề dệt thổ cẩm nên xây dựng các làng nghề gắn với các điểm du lịch, xây dựng đội ngũ nghệ nhân và các sản phẩm họ làm ra là một sản phẩm du lịch, để lấy việc phục vụ du khách là chủ yếu. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với bà con trong việc khuyến khích phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đó là một lý do, vì sao mà sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum chưa có chỗ đứng trên thị trường, chưa mang lại thu nhập cho người dân.
Nghệ nhân Y Bưởi (55 tuổi), thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum tâm sự: "Việc đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho bà con, đặc biệt là cho thanh niên, chính là hướng đi đúng của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng để đào tạo có hiệu quả, thì phải làm sao để có đầu ra của sản phẩm, chứ chúng tôi nói như vậy là không phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đó là cách chỉ đường của Nhà nước để bà con vừa giữ được nghề dệt truyền thống, vừa kiếm thêm thu nhập, khi đã có thị trường tiêu thụ thì nghề dệt sẽ không bị mai một".
Chia sẻ với chúng tôi, Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng phòng Dạy nghề cho biết: "Từ năm 2010 đến nay, theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề, với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động thì tỉnh đã mở 10 lớp đào tạo truyền, dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cấp chứng chỉ cho 352 học viên chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số. Dù tạo đầu ra để tăng thu nhập cho người dân chưa có, nhưng vẫn mở lớp để đào tạo, vì đó là nghề truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hết, chúng tôi phải đào tạo để những người biết dệt thổ cẩm truyền dạy cho những người chưa biết, từ đó để mỗi người ai cũng có được cái nghề trong tay. Với sản phẩm thổ cẩm là mang tính chất đặc thù, nên chúng tôi chưa tìm ra đầu mối liên kết với các tỉnh khác được"