THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:25

Nếu thờ ơ đào tạo sẽ không đủ nguồn lực vào sân chơi CPTPP và EVFTA

Quang cảnh hội thảo

 

Thảo luận tại hội thảo “Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam”, do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức, ngày 18/7, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, XK dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,4% (so với cùng kỳ năm ngoái), tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 là 10,4%. Nhiều mặt hàng đạt kim ngạch XK cao, bứt phá mạnh như: áo thun (đạt hơn 3,1 tỷ USD), quần (đạt hơn 2,4 tỷ USD), áo jacket (đạt hơn 1,9 tỷ USD)...

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng ước đạt 10,7 tỷ USD, tăng 15,9%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,8%.

Đáng chú ý, những thị trường XK trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, đây là mức tăng trưởng XK nhanh nhất trong 5 năm trở lại đây của ngành dệt may, chủ yếu do các DN trong ngành đã thích ứng rất nhanh với sự chuyển dịch thị trường. Thị trường XK đa dạng hơn và không bị lệ thuộc nhiều vào một thị trường.

Bên cạnh đó, các DN dệt may đã, đang chú trọng nhiều hơn tới việc đầu tư vào những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu, nhờ đó, giá trị XK của hàng dệt may Việt Nam cũng tăng lên.

Đặc biệt, DN dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, như đầu tư rô bốt, thiết kế bằng laze… phục vụ trong nhiều công đoạn sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả, năng suất của ngành dệt may Việt Nam…

Cũng theo ông Giang, dự kiến XK hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch XK hàng dệt may cả năm 2018 đạt 35 tỷ USD. Hiện tại, đơn hàng của các DN cũng rất tích cực, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến hết năm, vì vậy khả năng hoàn thành mục tiêu của ngành dệt may là rất khả quan.

Ông Vũ Đức Giang cũng nhận định, 5 yếu tố mà cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn thấy, đó là doanh nghiệp cần phải đào tạo nguồn lực. Bởi, nếu cộng đồng doanh nghiệp không quan tâm, thờ ơ thì sẽ không đủ nguồn lực vào sân chơi này. 

Vấn đề tiếp theo không kém phần quan trọng, chính là các doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất, phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước thì mới lấy được lợi ích hiệu quả của hiệp định thương mại này. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án, đầu tư bài bản. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ và phải có chiến lược vì nếu không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, hiện có 10 FTA mà Việt Nam đã tham gia đang được thực thi. Tương lai gần có 3 FTA rất lớn nếu được phê chuẩn và có hiệu lực thì ngành dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất, gồm: CPTPP, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo đó, các FTA nói chung, đặc biệt là CPTPP, EVFTA sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng thêm cơ hội tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tăng trưởng XK, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh