CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Huyện Đa Krông (Quảng Trị): Vận dụng tối đa các chính sách, nguồn lực để xóa đói giảm nghèo

 

Theo báo cáo của UBND huyện Đa Krông, trong 2 năm 2016-2017, nguồn vốn ngân sách phân bổ thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện là hơn 72 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 46 tỷ đồng, vốn hỗ trợ phát trển sản xuất hơn 22 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Đa Krông còn nhận được sự giúp đỡ của tập đoàn viễn thông Viettel trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo đó, giai đoạn 2015 – 2016 Viettel hỗ trợ Đa Krông tổng số vốn hơn 23 tỷ đồng; giai đoạn 2017-2018 hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng thực hiên chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a.

Từ các nguồn vốn trên, huyện Đa Krông đã thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện các chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, an sinh xã hội, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng nhà ở hộ nghèo và các chính sách khác. Sự đầu tư đó đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn huyện.

 

Lãnh đạo huyện Đa Krông thăm mô hình sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn

 

Riêng năm 2016, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 767 hộ, xây dựng 4 mô hình phát triển sản xuất, gồm: trồng nấm sò, trồng cây mít Thái, nuôi lợn bản, trồng cây bí đỏ với 21 hộ tham gia. Năm 2017, nguồn vốn hỗ trợ phát trển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đang thẩm định triển khai thực hiện. Số vốn đã được phân bổ là 32.326 triệu đồng và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Để nâng cao năng suất lao động, huyện Đa Krông cũng rất chú trọng trong việc thực hiện công tác dạy nghề cho người dân, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong 5 năm từ 2013-2017, Trung tâm dạy nghề huyện đã liên kết với các cơ sở dạy nghề của tỉnh Quảng Trị, mở 69 lớp đào tạo, tập huấn nghề cho  3.685 lao động, trong đó có gần 2.000  lao động đã qua đào tạo nghề như: May công nghiệp, vận hành máy thủy điện, kỷ thuật trồng rau, chăn nuôi, thú y… 

Sau khi học nghề một số lao động đã tự tìm kiếm việc làm, nhiều lao động đã biết vận dụng kiến thức, kỷ năng mới vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số bộ phận sau học nghề biết tận dụng thời gian nông nhàn nhận gia công, sản xuất cho các doanh nghiệp; nhiều nơi đã xây dựng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng như: Mô hình làm chổi đót ở xã Đakrông; mô hình thợ nề ở Tà Rụt; mô hình trông rau, chăn nuôi lợn ở xã Mò Ó, nghề đan lát, sữa chữa xe máy…

Việc chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đồng thời đã mở ra một cơ hội mới cho nông dân trên địa bàn huyện Đa Krông được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề. Nhiều thành phần lao động lâu nay chỉ biết bám ruộng đồng hoặc những người chưa có việc làm ổn định đã hăng hái tham gia học nghề. Đây là cơ hội để người lao động rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình kiến thức, một nghề thực thụ, tìm kiếm việc làm tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Đa Krông, các mô hình sản xuất giảm nghèo ở địa phương hiện nay khó nhân rộng trên địa bàn, hiệu quả mang lại chưa thực sự cao. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tổng nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo quá thấp, không thể thực hiện được các mục tiêu nhiệm vụ giảm nghèo đến năm 2020 theo Nghị quyết 30a đề ra. Huyện Đakrông đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm, hỗ trợ thêm cho huyện từ ngân sách tỉnh quản lý, từ nguồn vốn ODA, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế để tăng cường nguồn lực cho huyện thực hiện các mục tiêu giảm nghèo 2016-2020. 

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh