THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:23

Đào tạo nghề - "chìa khóa" giảm nghèo bền vững

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có nghề - sinh kế ổn định, giảm nghèo sẽ bền

Trong giai đoạn 2016 - 2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.

“Trong thành quả chung đó, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững, đúng bản chất của với tên gọi của Chương trình là “giảm nghèo bền vững”, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho biết.

Đồng thời thông tin, 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Khẳng định để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo nghề là giải pháp căn cơ, hiệu quả, khi nghiên cứu các dự án trong đề án giảm nghèo, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Thái Bình đề nghị quan tâm tập trung nguồn lực cho 3 dự án lớn: Một là đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hai là hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Ba là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở. Trong đó, lưu ý giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc làm, đặc biệt là gắn với việc làm tại chỗ.

Với kinh nghiệm thực tiễn, ông Bình cho biết, tâm lý của bà con, đặc biệt là vùng núi, vùng DTTS muốn giải quyết, muốn có việc làm nhưng lại không muốn rời xa địa bàn khu dân cư của mình. Cho nên, cần phải tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào đây, giải quyết việc làm tại chỗ là rất cần thiết.

“Có thể nói, thành quả về giảm nghèo của nước ta có đóng góp quan trọng của đào tạo nghề. Thời gian tới, để giảm nghèo bền vững hơn, cần thay đổi phương pháp đào tạo nghề cho người nghèo và cốt lõi là dạy nghề phải gắn với tạo việc làm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao và khẳng định, Trung ương xác định rõ, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chính sách giảm nghèo quan trọng nhất hiện nay.

"Chúng ta đã có một hệ thống chính sách pháp luật rất cụ thể và đầy đủ trong lĩnh vực giảm nghèo. Vấn đề còn lại là phương pháp, cách thức thực thi để người nghèo thấy rõ vai trò chủ thể cũng như trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào quá trình giảm nghèo bền vững, từ đó phát huy tinh thần tự lực, tự chủ vươn lên thoát nghèo", ông nói.

Ưu tiên nguồn lực nâng cao kỹ năng nghề

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam không chỉ thể hiện ở tỷ lệ từ hơn 58% năm 1993 xuống 2,75% cuối năm 2020 mà còn ở nhiều tiêu chí và khía cạnh khác như: Mức sống được nâng lên; tiếp cận dịch vụ xã hội, văn hóa, giáo dục thuận lợi hơn và tốt hơn; điều kiện sống được cải thiện đáng kể.

Để công tác giảm nghèo phát huy thành quả hơn nữa, ông Đinh Ngọc Quý cho rằng, Chính phủ phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương để họ chủ động điều hành, quyết định các giải pháp, biện pháp giảm nghèo, phù hợp nhất với điều kiện cụ thể từng địa phương, địa bàn và nguyên nhân nghèo cụ thể của từng hộ, từng nhóm hộ.

Đặc biệt, bên cạnh các vấn đề về hạ tầng, giáo dục, cần chú trọng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi nhất, là thước đo - đầu ra của kết quả giảm nghèo, đầu vào của giảm nghèo bền vững và phát triển.

Cũng theo ông Quý, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã rất nỗ lực trong việc thiết kế và đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt, sự chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ có điều kiện đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo, đồng bào DTTS.

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ nguồn vốn; xây dựng mô hình sinh kế; tạo việc làm cho người nghèo, nhất là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Để góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng và giảm nghèo bền vững, bà Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị, Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung và bố trí vốn đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao; đồng thời, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề ngoài công lập phát triển, góp phần quan trọng vào nguồn lực đào tạo nghề và đào tạo nghề chất lượng cao.

Ngoài ra, đề nghị các ngành, các địa phương cần chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động có tay nghề gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, làm căn cứ cho việc đào tạo nghề phù hợp. “Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đa chiều, bao trùm trong thời kỳ mới và là một trong những nhân tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững”, bà Dung nhấn mạnh.

Giai đoạn 2016-2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2016-2020 như: Huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%; huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%; huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%; huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

 

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh