Dạo giữa vườn Kiều
- Dược liệu
- 13:12 - 21/02/2015
Vườn Kiều giữa lòng đô thị
Bước vào ngõ của vườn Kiều là cây liễu xanh tha thướt rủ cành trong gió. Bức tượng chàng Kim Trọng mặc áo xanh cưỡi ngựa trắng thong dong trong những cây hoa, cây kiểng, phía bên kia là tượng Vương Quan hai tay chắp làm lễ chào Kim Trọng và hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đứng e ấp dưới bóng liễu và bóng thông.
Đó là cảnh Kim - Kiều lần đầu gặp gỡ trong tiết Thanh Minh: “Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng... Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa...”.
Khi chúng tôi ghé nhà, cụ Khoát đang bận tiếp khách. Cụ bảo chúng tôi lên lầu Ngưng Bích chờ. Lầu Ngưng Bích trong truyện Kiều là chỗ Tú Bà đưa Kiều ra đó sau khi bị Tú Bà bắt tiếp khách và nàng tự tử không thành.
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/ Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung...”. Lầu Ngưng Bích là nơi Kiều nhớ thương cha mẹ, quê hương: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?...”
Cụ Khoát bên bức phù điêu mô tả cảnh trong Truyện Kiều.
Lầu Ngưng Bích trong Vườn Kiều của cụ Khoát có hình lục giác, mái lợp ngói, có hai cây cầu dẫn lên lầu. Cây cầu phía trước có hai con chó bằng sứ treo hai câu thơ trong truyện Kiều:
“Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà/ Bên thì Ưng Khuyển, bên là Sở Khanh”, “Khuyển, Ưng đã dắt mưu gian/ Đưa nàng xuống trước để an dưới thuyền”.
Đường dẫn đến lầu Ngưng Bích có bụi dâu, cụ Khoát cho treo hai câu thơ: “Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi” là câu Kiều khuyên Kim Trọng không nên “vượt quá giới hạn” và Kiều nói nàng phải giữ mình trong trắng.
Lầu Ngưng Bích được xây trong hồ sen, trong lầu có treo họa đồ do cụ Khoát vẽ lại hành trình của những nơi nàng Kiều từng đến trong 15 năm lưu lạc. Từ Bắc Kinh (nơi gia đình Kiều ở) đến Lâm Truy, sông Tiền Đường... rồi đến Nam Kinh.
Sau khi tiếp khách xong, cụ Khoát dẫn chúng tôi đi tham quan Vườn Kiều. Cụ dẫn đi qua nhà thờ Nguyễn Du đến bức tượng thân mẫu của thi hào là bà Nguyễn Thị Tần, tượng bà “chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương (mà theo cụ Khoát là người tình của Nguyễn Du), đến tượng Vương Quan và hai Kiều.
Dưới chân tượng của hai Kiều là mô phỏng mả Đạm Tiên, có hai câu thơ: “Sè sè nắm đất bên đàng/Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...”. Đến một khu đất, cụ Khoát chỉ: “Đây là Quan Âm các, nơi Hoạn Thư (vợ Thúc Sinh) bắt Kiều ra đó ngày ngày tụng kinh, gõ mõ, đày đọa nàng vì ghen.”
Vườn Kiều với cảnh Kim Trọng gặp gỡ hai Kiều.
Đó là một cái am nhỏ làm bằng xi măng, kích thước 40cm x 50cm x 60cm, xung quanh là hoa cỏ và một cây bồ đề. Cụ Khoát dẫn chúng tôi đi qua một cái cổng làm bằng cây, phía trên treo hai con chim và câu thơ:
“Trong khi chắp cành liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”. Đây là câu nàng Kiều phân trần với Kim Trọng khi lần đầu hai người hẹn hò, tư tình mà Kim Trọng:
“Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” thì Kiều từ chối và phân trần như trên. Qua cổng, đi một đoạn, cụ Khoát dẫn chúng tôi đến bức tường đắp nổi những hình vẽ lấy từ hình minh họa trong Truyện Kiều, như cảnh: Kim - Kiều gặp gỡ, cảnh nhà Kiều bị vu oan, cha và em bị đánh đập tra khảo... đến cảnh đoàn viên.
Bức tường cao khoảng 2m, dài khoảng 100m gồm 20 bức phù điêu. Mở đầu là cảnh Kiều đi chơi hội Thanh minh, thăm mả Đạm Tiên rồi gặp Kim Trọng, từ đó nảy sinh câu chuyện oan trái của đời Kiều.
Ở đầu bức tường có treo bài thơ không có tựa đề và có lẽ của cụ Khoát làm: “Trận gió đâu tự nhiên/Thương xót bỗng vui nên/Ngậm ngùi cơn gió thảm/Ai oán mối tình duyên/Bóng bạc xưa đã khuất/Xe loan nay vội tìm/Hương hồn xưa phảng phất/ Để lại dấu rèm in”.
Cơ duyên với Kiều
Cụ Phạm Văn Khoát, sinh năm 1933, quê ở Ninh Bình. Năm 1954, theo gia đình vào Sài Gòn rồi năm 1959 chuyển về Biên Hòa sinh sống từ đó đến nay. Bị bệnh tim từ nhỏ, sức khỏe yếu, một lần nghe nói những người bệnh tim đi tắm biển thì sẽ giúp chữa bệnh, ông liền thu xếp ra biển.
Năm đó ông khoảng 25 tuổi. Ra biển ông thấy buồn nên thường đi dạo để giải khuây và cũng để cải thiện sức khỏe. Một hôm đang đi dạo thì ông nghe ai đó đọc lên mấy câu thơ.
Lầu Ngưng Bích của cụ Khoát.
Ông ghé đến hỏi thăm thì mới biết đó là mấy câu trích từ Truyện Kiều. Thấy hay, ông bắt đầu tìm hiểu và đọc Truyện Kiều. Sau những lần đi tắm biển như thế và nhờ đọc Truyện Kiều mà lòng thanh thản, tâm hồn thoải mái... sức khỏe ông dần hồi phục.
Mỗi lần đi tắm biển, cụ Khoát lại đọc một chương Truyện Kiều. Cứ như thế cụ thuộc hết Truyện Kiều lúc nào không hay.
Cụ Khoát kể: “Năm 1995, tôi đi chúc Tết một người bạn vong niên ở gần nhà. Năm đó, ông này được người cháu ở quê gửi vào biếu một cành đào Nhật Tân rất đẹp. Nhìn thấy cành đào, tôi lẩy mấy câu Kiều:
“Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Nghe vậy, ông bạn rất thích liền giữ tôi ở lại để nói chuyện mãi đến chiều mới cho về. Sau đó về nhà, tôi nghĩ ai cũng mê Truyện Kiều như thế sao mình không tìm cách đưa Truyện Kiều đến với nhiều người. Thế rồi tôi tìm trong vườn nhà thấy cây gì liên quan đến Truyện Kiều, được Truyện Kiều nói đến thì viết lên những câu thơ phù hợp với cây đó. Chẳng hạn như cây dao trong vườn, tôi viết mấy câu: “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”. Lúc đầu chỉ được mấy câu thôi, dần dần tôi mới phát triển ra. Sau đó tôi cho làm các tượng Vương Quan, Kim Trọng...Năm 2005, Vườn Kiều của tôi được UBND tỉnh Đồng Nai trao giải Nhất cuộc thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập”. Từ đó đến nay, rất nhiều khách đến tham quan Vườn Kiều của tôi"
Ở vườn Kiều từng diễn ra lễ trao giải cuộc thi Vịnh Kiều vào năm 2007 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai tổ chức. Cuộc thi có sự tham gia của 350 tác giả ở 35 tỉnh, thành, với 1700 bài, Ban giám khảo đã trao giải nhất cho tác giả Lê Bá Duy, ở Bình Định; giải nhì cho Lê Đình Bằng, ở Thanh Hóa. Sau thời gian hoạt động, cụ Khoát đã thành lập CLB Vườn Kiều hiện có khoảng 50 hội viên. Theo lời cụ Khoát, sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai, CLB sẽ thành chi nhánh của Hội Kiều học và văn phòng sẽ đặt tại vườn Kiều. |