Đạo đức nghề báo dưới góc nhìn điện ảnh
- Văn hóa - Giải trí
- 15:10 - 21/06/2022
“Nothing but the truth” (Không có gì ngoài sự thật) của đạo diễn Rod Lurie được xây dựng từ câu chuyện có thật về Rachel Armstrong - nữ phóng viên chuyên về mảng chính trị của tờ Capitol Sun - Times, tờ báo ngày quan trọng ở Thủ đô Washington, Mỹ.
Khi Rachel viết một câu chuyện vạch trần nhân thân của nữ điệp viên CIA Erica Van Doren, sự việc này đã mang đến sự nổi tiếng cho cô nhưng đồng thời kéo theo nhiều rắc rối nghiêm trọng. Chính phủ bắt tay vào điều tra nguồn gốc của nguồn tin mà Rachel có. Tòa án gây sức ép, yêu cầu cô phải tiết lộ nguồn tin nhưng Rachel kiên quyết chối từ.
Để bảo vệ sự thật và giữ được đạo đức nghề nghiệp, Rachel Armstrong không thể có sự lựa chọn nào khác ngoài sự lựa chọn đau đớn: chấp nhận phải ngồi tù. Sự khốc liệt của công việc làm báo, thông qua nhân vật nữ nhà báo Rachel Armstrong được đạo diễn Rod Lurie đẩy lên đỉnh điểm khi cả những người gần gũi với Rachel Armstrong: chồng, con cũng quay lưng lại với cô. Nhưng, là một người làm báo, Rachel Armstrong thấu hiểu hơn ai khác: Không có gì ngoài sự thật. “Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Dù có phải trả cái giá đắt, dù có phải đánh đổi cả tự do, thậm chí cả tính mạng bản thân, đánh đổi hạnh phúc gia đình, người làm báo như Rachel Armstrong vẫn bảo vệ đến cùng lương tâm nghề nghiệp, vẫn trung thành tuyệt đối trên hành trình tìm kiếm sự thật của mình. Bộ phim “Nothing but the truth” thực sự là tấm gương phản chiếu về cuộc đời của một nhà báo chân chính, đồng thời lột tả được sự khốc liệt của nghề báo - nghề đầy vinh quang nhưng cũng không ít những cay đắng, hiểm nguy.
Một bộ phim khác về nghề báo từng đoạt khá nhiều giải thưởng là "Almost Famous" (Gần như nổi tiếng) của đạo diễn Cameron Crowe - người từng có thời gian là phóng viên mảng nhạc rock của tạp chí Rolling Stone được coi là bộ phim gối đầu giường cho những phóng viên trẻ mới vào nghề, đặc biệt là phóng viên mảng giải trí. Ngay từ khi ra mắt khán giả năm 2000, "Almost Famous" đã giành được hơn 20 giải thưởng lớn nhỏ khác nhau như: Giải Kịch bản phim xuất sắc nhất scar 2001 quả cầu vàng năm 2001 cho him hay nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Giải Grammy năm 2001 cho album soundtrack của năm...
Lấy bối cảnh thập niên 70, ở nước Mỹ, "Almost Famous" là câu chuyện về William Miller, cậu bé 15 tuổi, nhờ tình yêu với dòng nhạc rock and roll, đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với nhà phê bình kiêm biên tập viên của tạp chí Creem, Lester Bangs, người đã cho cậu kiếm được 35 USD đầu tiên và lời nhắn nhủ: “Cậu phải hứa là trung thực, không nhân nhượng”. Từ bài viết trị giá 35 USD đến bài viết “đặt hàng” dài tới 3.000 từ về một ban nhạc rock, cậu phóng viên trẻ William Miller lại biết thêm được một trong những nguyên tắc đáng suy ngẫm của nghề viết: Khi phóng viên nhận tiền của nhân vật, họ sẽ cảm thấy khó khăn để viết về một cái gì đó, thậm chí thiếu đi sự tỉnh táo, công tâm khi viết bài. Thông qua những trải nghiệm của cậu phóng viên trẻ William, bộ phim là những câu chuyện về nghề báo, về cách chọn tâm thế khi đi viết, chọn cách nhìn nhận sự việc, chọn điểm nhìn, chọn phong cách thể hiện và chọn cả những hành xử cần thiết bất ngờ diễn ra trong nghề nghiệp.
Ở Việt Nam, nếu như trước đây, hình ảnh nhà báo và nghề báo trên phim còn khá hiếm, thì những năm gần đây, số lượng các phim đề cập đến mảng đề tài này ngày càng nhiều hơn.
Từng gây chú ý và sự tò mò với ngay cả đội ngũ những người làm báo từ nhiều năm trước, bộ phim “Nghề báo” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên có thời lượng lên đến vài chục tập mà nhân vật trung tâm là nhà báo. Phim khai thác những vấn đề thời sự nóng bỏng, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, đồng thời cũng tái hiện lại cuộc sống, những hiểm nguy mà nhà báo phải đối mặt trong quá trình tác nghiệp. Nếu chịu khó theo dõi hành trình của nữ nhà báo kỳ cựu Thúy Bình (diễn viên Hồng Ánh thủ vai) trong phim, người xem phần nào hiểu được công việc của những người làm báo - một lĩnh vực mà phần lớn thường dừng ở các bài viết, chuyện kể hay phim ảnh nước ngoài. Có lẽ, đây cũng là lần đầu tiên, thế giới của những người làm báo Việt Nam được chuyển tải sâu, kỹ và đậm đặc trên màn ảnh nhỏ.
Sau “Nghề báo”, khán giả Việt còn có nhiều dịp tìm hiểu hơn về công việc của người làm báo, kể cả những vấn đề, thách thức đối với đội ngũ những người cầm bút trong lĩnh vực này. Đó không chỉ là thước phim phản ánh sự vất vả, sóng gió, kể cả những hiểm nguy rình rập những nhà báo viết phóng sự, điều tra các vụ việc phức tạp mà còn đề cập về đội ngũ người làm báo một cách đa diện hơn. Đáng chú ý như “Đèn vàng” của đạo diễn Mai Hồng Phong, được xây dựng từ cuốn tiểu thuyết giàu chất tài liệu của nhà báo Trần Chiến, nên các chi tiết về tác nghiệp của phóng viên, về mô hình hoạt động của tòa soạn báo cũng như một số câu chuyện “bếp núc” khác được mô tả khá chân thực. Phim kể về những vấn đề bức thiết của đời sống nhìn từ góc độ của những người làm báo như vấn đề giáo dục, tiêu cực đất đai, đồng thời cũng miêu tả khá rõ nét nội tâm giằng xé của những nhà báo trong công cuộc đấu tranh giữa mong muốn cá nhân và những vấn đề đang xảy ra ở thực tại.
Sau này, rất nhiều phim về nghề báo tiếp tục ra đời. Nếu “Đàn trời” của đạo diễn Bùi Huy Thuần, “Mặt nạ da người” của đạo diễn Mai Hồng Phong vẫn tiếp nối với mô típ chuyện nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác thì “Phóng viên thử việc”, “Tin vào điều không thể”, “Nguyệt thực” người xem hiểu hơn về nghề báo, những trăn trở, suy tư của người làm báo ở nhiều góc độ, lĩnh vực khác hơn. Nhân vật trung tâm trong các phim này không chỉ là các nhà báo kỳ cựu mà còn là các phóng viên mới vào nghề. Những thách thức, khó khăn với họ không chỉ đến từ nhiều phía, kể cả những chuyện ít liên quan đến chuyên môn nhất mà nếu muốn tồn tại trong tòa soạn, muốn khẳng định mình trong công việc, họ phải vượt qua. Thế giới riêng tư của những người làm báo được khai thác khá nhiều những chuyện tình cảm phức tạp, đôi khi đến mức rối rắm.
Đặc biệt, gần đây bộ phim “Nguyệt thực” đã chạm được đến nhiều vấn đề sống còn của người làm báo trong giai đoạn hiện tại: Sự đối chọi giữa quan điểm làm báo truyền thống, nghiêm ngắn, trung thực với xu hướng làm báo câu khách bằng mọi giá, quan hệ của truyền thông với giới giải trí, hậu trường các vụ tai tiếng… Những khó khăn của nghề báo khi thích ứng với nhu cầu bạn đọc, phải tính toán, xoay trở với bài toán kinh phí để duy trì và phát triển tờ báo…
Có thể thấy, các bộ phim làm về đề tài nhà báo đã miêu tả phần nào sự đa dạng trong cuộc chiến của những người làm báo. Đó không chỉ là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà đó còn là cuộc chiến trong mỗi cá nhân giữa thật và giả, giữa thiện và ác trong chính mỗi nhà báo, từ đó đề cao tinh thần dũng cảm của những người làm báo - những người dám đương đầu với cái ác, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để tìm ra sự thật. Những bộ phim đó đã giúp công chúng hiểu thêm, đồng cảm hơn với công việc khó khăn, vất vả và bao cạm bẫy rình rập ở phía trước trong cuộc sống của những người làm báo…