THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:58

Phim về ông Bá Thanh chắc chắn sẽ rất "hot"

“Tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn xứng đáng để được lên màn ảnh rộng, được tuyên truyền. Bởi ông là quyết đoán, nói là làm. Con người của hành động và đã làm hết mình cho dân và vì dân mà không tư lợi cho riêng mình. Và người như ông Nguyễn Bá Thanh mà làm phim, tôi tin sẽ có rất nhiều người đón đợi để xem”, Đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Hãng phim Tài liệu khoa học và Trung ương chia sẻ với Dân Việt.

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng

Nhìn vào lịch sử, Việt Nam không thiếu những nhân vật lịch sử hay, có tâm hồn lớn, nhân cách lớn thế nhưng điểm mặt ở các bộ phim trên màn ảnh rộng thì hầu như không có, hoặc nếu có rất ít và chưa tạo được dấu ấn. Vậy theo anh có những nguyên nhân nào khiến Việt Nam lại thiếu những bộ phim điện ảnh nói về các nhân vật lịch sử ấy?

-Tôi nghĩ có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, trong đó có một nguyên nhân chính là những nghiên cứu lịch sử của Việt Nam đang trong giai đoạn bị đứt đoạn. Có thể các nhà nghiên cứu khoa học chỉ nghiên cứu cỡ vài thập kỷ trở về sau này chứ chưa có một sự đào sâu khoảng thời gian 100 năm hay xa hơn nữa.

Chính vì vậy mà có thể nói những dữ liệu lịch sử Việt đang ngày một bị mai một. Và như vậy sẽ kéo theo việc các nhà nghiên cứu lịch sử khi nghiên cứu cũng chỉ là chắp nhặt rồi kết nối thành những bài nghiên cứu, hoặc những cuốn sách. Nhà biên kịch, đạo diễn cũng chỉ biết lệ thuộc vào các dữ kiện đó. Bởi họ không phải là nhà khoa học nghiên cứu sâu về lịch sử. Hay đúng hơn chuyên môn của họ không phải nghiên cứu về lịch sử, nên họ bắt buộc phải lệ thuộc vào chứng cứ lịch sử, vào những gì nhà nghiên cứu lịch đưa ra khi họ sáng tác về đề tài lịch sử.

Một vài phim đã làm về nhân vật lịch sử, tuy nhiên những bộ phim ấy đã không tạo được thành công và dấu ấn. Theo anh vì sao như vậy?

- Đúng như vậy. Trong lịch sử Việt Nam rất nhiều nhân vật hay. Và có những nhân vật mà ở thời kỳ lịch sử đó, họ có điều khiến những người cùng thời không công nhận. Điều đó được gọi là sai lầm trong lịch sử. Thế nhưng khi xây dựng hình tượng dù đã được đạo diễn, nhà biên kịch nhân cách hóa nhân vật thì những sai lầm đó cũng vẫn phải được đưa lên màn ảnh. Vì đó là thời kỳ lịch sử, là dấu ấn của con người đó.

Còn như những bộ phim về nhân vật lịch sử bây giờ, tôi nghĩ đa số chỉ làm theo lẽ thông thường là ca ngợi mà quên đưa những trái chiều về con người ấy. Ví dụ như chúng ta làm một nhân vật lịch sử nhưng chỉ ca ngợi bề nổi, những nét đẹp thông thường của nhân vật đó mà quên đưa trái chiều về những quyết sách sai lầm của họ trong thời kỳ lịch sử đó.

Tôi vẫn luôn nghĩ, đã là nhân vật lịch sử, dù chính diện hay phản diện, sai lầm và tốt đẹp chúng ta cũng nên tôn trọng và đưa đúng sự thật. Và lịch sử cần nhìn nhận đúng về nhân vật đó, và khi nhìn nhận đúng thì chúng ta mới xây dựng được một tác phẩm lịch sử đúng.

Một yếu tố không thành công và tạo dấu ấn tôi nghĩ là do mình thiếu dữ liệu chứng cứ lịch sử về trang phục. Chúng ta khi nói về nhân vật lịch sử nào đó ví dụ như nhà Lê, nhà Nguyễn, nhà Lý... chúng ta còn mông lung và hay đặt câu hỏi liệu trang phục tạo dựng thế này đã đúng chưa? Theo tôi, chúng ta đang thiếu chuẩn lịch sử và từ thiếu chuẩn này thì dẫn đến chúng ta cứ mãi mông lung không biết xây dựng nhân vật lịch sử này, trang phục này, đạo cụ này có giống của Trung Quốc hay không.

Việt Nam rất nhiều nhân vật lịch sử hay, ngay cả thế kỷ 20, 21cũng rất nhiều nhân vật được nhân dân tôn kính và yêu quý. Ví dụ như gần đây là ông Nguyễn Bá Thanh đã được không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà tất cả người dân khắp mọi miền đều yêu quý và kính trọng ông. Vậy với những gì ông đã làm cho người dân, theo anh có xứng đáng để được xây dựng hình tượng trên màn ảnh rộng?

-Tôi nhớ, ngày trước chúng ta đã từng xây dựng hình tượng thành công nhân vật là ông Kim Ngọc-  Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Và gần đây là ông Nguyễn Bá Thanh, tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn xứng đáng để được lên màn ảnh rộng, được tuyên truyền. Ông Thanh là quyết đoán, nói là làm. Con người của hành động và đã làm hết mình cho dân và vì dân mà không tư lợi cho riêng mình. Điều đó khiến dân cảm phục, yêu mến ông. Nếu không phải là người hy sinh vì dân thì làm sao giành trọn được tình cảm, sự kính phục của người dân như thế được. Bởi nói cho cùng, người dân vẫn là tầng lớp chịu thiệt thòi nhất trong mọi chế độ, nên nếu như có người cầm cờ, đứng đầu sóng, làm việc nghĩ đến người dân chắc chắn sẽ được dân yêu, dân quý. Và người như ông Nguyễn Bá Thanh mà làm phim, tôi tin sẽ có rất nhiều người đón đợi để xem. Tôi cũng hy vọng sẽ có một kịch bản xây dựng hình tượng ông Nguyễn Bá Thanh, một nhân vật điển hình đại diện cho thế hệ lãnh đạo vì dân, vì nước.

Nhưng có nhiều người cũng có một sự e ngại, một sự nhạy cảm khi làm phim về những nhân vật như ông Nguyễn Bá Thanh. Là một đạo diễn, nếu làm phim về ông, anh có e ngại hay gặp áp lực?

Tôi nghĩ với bất cứ tác phẩm nào cũng có hai mặt, mặt thuận và mặt trái chiều. Và nếu như với một đạo diễn mà không dám đối mặt với mặt trái chiều thì sẽ không phải là lương tâm của người làm nghề. Với một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ luôn mong muốn làm sao để chuyển tải một cách chân thật nhất về con người của nhân vật. Bởi tất cả những gì về con người ông Nguyễn Bá Thanh đều được lấy từ chính cuộc sống của ông, của những người xung quanh ông chứ không tô hồng, hay nói sai.

Cả cuộc đời của ông Nguyễn Bá Thanh  sẽ có rất nhiều thời điểm, thời khắc khác nhau, tôi sẽ chọn ra những mốc quan trọng, những gì điển hình, tinh túy nhất của ông để làm sao khắc họa đúng nhất về con người ông. Tất nhiên khi mình xây dựng về ông sẽ có những người ủng hộ, và có những người không ủng hộ, đấy là điều bình thường. Nhưng tôi tin, khi mình làm về ông với tinh thần nói lên tiếng nói người dân, yêu thương dân và hết lòng vì người dân thì sẽ được đa số ủng hộ mình và bộ phim.

Là đạo diễn, anh đã từng làm đạo diễn cho nhân vật lịch sử nào chưa?

Tôi đã từng làm về nhân vật lịch sử, đó là ông Trần Duy Hưng, bộ phim với tựa đề “Bác sĩ Trần Duy Hưng”. Vì sao tôi lại chọn là bác sĩ mà không phải là vị Chủ tịch thành phố Hà Nội đã ở cương vị lãnh đạo hơn 20 năm. Bởi chính ông trước khi mất đã đề nghị đề tên trên bia mộ của mình đơn giản là Bác sĩ Trần Duy Hưng. Từ những gì tôi tìm hiểu về ông, điều tôi ấn tượng cảm phục ở ông chính là sự giản dị, mộc mạc và chân tình. Và đây cũng chính là hướng tôi đã khai thác, xây dựng lên hình tượng ông Trần Duy Hưng trong phim của mình. Bởi người dân cảm nhận về ông ấy là người gần gũi, chân tình với người dân chứ không phải họ cảm phục ông ở cương vị là chủ tịch thành phố Hà Nội.

Cũng giống như ông Nguyễn Bá Thanh, người dân yêu quý ở tính nết, nhân cách của ông, chứ không phải yêu ông vì ông ở cương vị là Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng hay là Trưởng ban Nội chính T.Ư. Những việc làm của hai vị lãnh đạo dù ở hai thời kỳ khác nhau, nhưng cả hai đều đã có những hành động vì người dân, yêu thương người dân thật lòng.  

Xin cám ơn anh!

“Từ những gì ông Nguyễn Bá Thanh làm cho người dân Đà Nẵng và để lại trong lòng người dân Đà Nẵng sự kính phục, yêu mến đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới những người dân trên khắp cả nước. Sự phát triển, đi lên của thành phố đã làm lay động không chỉ trái tim người dân Đà Nẵng mà còn làm lay động trái tim người dân cả nước. Chính vì vậy mà ông đã ở trong lòng dân, giành được trái tim người dân. Và tôi tin với những người như ông Nguyễn Bá Thanh hay trở về trước là ông Trần Duy Hưng, ông Kim Ngọc là những vị lãnh đạo xứng đáng được tuyên truyền, được xây dựng hình tượng”, Đạo diễn Trịnh Quang Tùng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh