Đạo diễn Trần Lực trở lại sân khấu với hài kịch “Quẫn”
- Văn hóa - Giải trí
- 21:43 - 17/02/2017
Năm 1960, tác giả Lộng Chương sáng tác vở hài kịch “Quẫn” và được được Nhà hát Kịch nói Trung ương dàn dựng, biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào đêm 9 – 10/12/1960. Vở được diễn trong một thời gian dài với số buổi lên tới trên 2000 buổi diễn. Trong nền kịch hiện đại cách mạng, khi nhắc đến tác giả Lộng Chương, người ta không thể không nhắc đến “Quẫn” và khi nhắc tới kịch hài ở nước ta, không thể không nhắc tới “Quẫn”.
Đạo diễn Trần Lực cho biết, việc quay trở lại với sân khấu không đơn thuần là ước mơ của riêng anh mà đây cũng là mong mỏi của bố mẹ anh (bố là GS.NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ anh là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân) khi có con nối nghiệp. Trần Lực từng đi học đạo diễn sân khấu nhiều năm ở Bulgaria. Thế nhưng, lâu nay Trần Lực có duyên với điện ảnh hơn, từ làm diễn viên, đến đạo diễn và còn lập cả Hãng phim Đông A và có những phim khá thành công như: Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Tivi về làng... Hiện anh đang là giảng viên Khoa Sân khấu của Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.
Ngay khi trở lại với sân khấu, Trần Lực đã chọn ngay kịch bản “Quẫn” – một tác phẩm nổi tiếng của Lộng Chương để dàn dựng. Nhiều người nói anh “liều” vì “Quẫn” là vở hài kịch đã từng “làm mưa làm gió” từ những năm 1960, tại Hà Nội, kể về câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước, đó là chuyện hiến hay không hiến gia sản trong công cuộc công - tư hợp doanh của các thành viên trong gia đình ông Đại Cát ở Hà Nội. Gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày... Đạo diễn Trần Lực cho biết, khi dựng “Quẫn”, anh đã chọn kịch hiện thực ước lệ - thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Trần Lực đưa được con mắt của điện ảnh vào sân khấu nên hình ảnh trên sân khấu rất đẹp, có chiều sâu. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra "tâm" của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau.
Về diễn viên, đạo diễn Trần Lực chọn Trương Mạnh Đạt đóng vai ông Đại Cát đã đóng rất đạt, nhân vật này hiện rõ bộ mặt “yêu” tiền, yêu của cải đến cả trong mơ cũng thèm thuồng, rồi rũ bỏ hết cả vỏ bọc giả tạo, phát cuồng lên khi hòm vàng cất giấu giữa nhà biến mất. Bà Đại Hưng vai của Ngọc Trâm đành hanh, nanh nọc... đã đi vào lòng khán giả, mang đến cho khán giả thông điệp sâu sắc. Có thể nói, với “Quẫn”, Trần Lực đã sử dụng phương pháp biểu trưng rất hiện đại nhưng cũng đậm chất sân khấu truyền thống. Không minh họa “Quẫn” mà nhìn bằng con mắt của ngày hôm nay đúng với một trong những định nghĩa về hài kịch. Vở diễn đã chạm vào tâm thức của khán giả với tất cả sự đồng tình, cảm thông và chia sẻ. Công bằng mà nói, dàn diễn viên rất trẻ đang là sinh viên và khá đồng đều trong diễn xuất với những tìm tòi độc đáo của Trần Lực đã tạo ra thành công của vở diễn.
Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận cho biết: “Việc ký kết hợp tác giữa Nhà hát Tuổi Trẻ với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là một sự khởi đầu cho việc hợp tác tạo môi trường cho sinh viên nghệ thuật có một sân chơi nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp. Sự kết hợp này mang ý nghĩa chiến lược trong công tác đào tạo giúp Trường tiếp cận với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật để tạo cơ hội cho sinh viên có cơ hội được hoạt động và cọ xát trong môi trường thực tiễn để thử lửa và thạo nghề khi ra trường. Hai đơn vị chúng tôi sẽ cùng nhau nghiên cứu để tìm ra những hình thức nhằm có sự hợp tác hiệu quả nhất”.