Đạo diễn Đào Bá Sơn - “người không có tiểu sử”
- Văn hóa - Giải trí
- 21:55 - 29/04/2017
Tôi đến thăm Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn, nơi ông sống là căn hộ tầng 3 khu chung cư Nguyễn Thông, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Một không gian yên tĩnh, thoáng mát hiếm thấy nơi phố thị ồn ào...
Mở cửa đón tôi với phong thái nhanh nhẹn. Khi biết ý định của tôi ông cười lớn: “Tớ rất yêu lịch sử nhưng lịch sử của bản thân thì tớ chẳng có gì đâu. Đừng viết!”. Thấy vẻ ái ngại của tôi ông nửa đùa, nửa thật kể: Do sự ngẫu nhiên, một hôm ông kẹo kéo vẫn thường bán ở xóm tôi dừng lại trước cửa nhà, phán: “Ê chú mày, tao thấy điện ảnh đang tuyển người, ngó bộ dạng mày coi được, thử xem sao ?”. Tôi mừng quýnh nhìn mẹ. Mẹ tôi bảo: “Tao cấm, xướng ca vô loài, kiếm việc khác làm hoặc thi vào trường nào khác cũng được. Người ta đồn làm nghề này khó trở thành người tử tế con ạ!”. Tôi cãi: “Kệ, con thích, người không tử tế thì ở đâu cũng không tử tế...”. Mẹ tôi thở dài thất vọng: “ Sau này khổ đừng có há mồm than khổ!”. Thế là từ đó tôi đến với điện ảnh bằng tất cả tình ý của mình như một con thiêu thân lao vào lửa và không bao giờ dám than vãn gì với mẹ tôi.
NSND Đào Bá Sơn.
Trong tình cảnh khó khăn thời bao cấp, nếu không có tình yêu nghề, một niềm ngưỡng vọng thật sự, làm sao Đào Bá Sơn có thể đủ sức lực, kiên trì nhẫn nại để “cắp tráp theo thầy”, đạo diễn Hồng Sến suốt 6 năm trời với đủ công việc nặng nhọc của điện ảnh. Bằng học hỏi kinh nghiệm, đam mê, Đào Bá Sơn chính thức trở thành đạo diễn với cú “đột phá khẩu” phim truyện nhựa “Người tìm vàng” (1989). Ngay từ bộ phim đầu tay này ông đã khẳng định được mình với 2 giải thưởng quốc gia tại Nha Trang năm 1990.
Hầu hết phim do Đào Bá Sơn đạo diễn hoặc làm diễn viên đều rất thành công và đi vào lòng người. Phim của Đào Bá Sơn chẳng những được khán giả Việt Nam hâm mộ mà còn được đánh giá cao ở các Liên hoan Phim quốc tế Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan... Đặc biệt là bộ phim “Long thành cầm giả ca”, tác phẩm đã mang lại giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Nhật Kim Anh tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần I (2010). Bộ phim đã đoạt giải Cánh diều vàng và giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2011 cùng nhiều giải khác.
Đạo diễn Đào Bá Sơn nhận giải Cánh diều vàng.
Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Đào Bá Sơn khiến nhiều người biết đến và nể phục với gia tài hơn 100 vai chính, thứ trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Chưa dừng lại ở đó, ông còn là đạo diễn của nhiều bộ phim đoạt giải thưởng và được khán giả biết đến như: “Biệt ly trắng”, “Người tìm vàng”, “Đi qua lời nguyền”, “Chị Dung”, “Lời tạ từ trong mưa”, “Cầu thang tối”, “Đám mây không dừng lại”, “Long thành cầm giả ca”... Mỗi bộ phim là lời tự sự, trăn trở, mỗi nhân vật là một hoàn cảnh và xuất thân khác nhau. Bộ phim “Người tìm vàng” như một “tuyên ngôn nghệ thuật” của anh, rong ruổi đi tìm và hoàn thiện những mảnh vàng nghệ thuật trong sự nghiệp của mình.
Các nhân vật trong phim của Đào Bá Sơn đa phần là những con người yếu đuối, bị đẩy ra bên lề xã hội song vẫn khát khao vươn tới cái đẹp, cái hoàn mỹ. Anh thích xây dựng hình ảnh những nhân vật bất hạnh, khổ đau, thúc đẩy tính cách nhân vật lên cao trào, thích đi sâu vào thế giới tĩnh, độc thoại nội tâm. Một nhân vật ra đời, một bộ phim hoàn thành là mỗi lần anh lại chiêm nghiệm, băn khoăn, đôi lúc tiếc nuối.
Đào Bá Sơn trong vai sĩ quan...
...và trong phim “Người đẹp Tây Đô”.
Đào Bá Sơn đã đưa tình cảm, triết lý sống len lỏi vào từng ngõ ngách trong uẩn ức con người để tìm cho được giá trị tốt đẹp của cuộc sống, giá trị giữa lòng vị tha và thù hận, tốt và xấu, hiến dâng quên mình hay vị kỷ hèn nhát… Mỗi một nhân vật mà anh hun đúc xây dựng, đằng sau đó chính là con người thật của Đào Bá Sơn: không nắn gân, rao giảng những bài học đạo đức mà dung dị, trần trụi, chan chứa yêu thương.
Đào Bá Sơn luôn “xê dịch” và “dấn thân”. Ông nói cần phải đi, cần phải biết mình đi đâu và phải xác định được mục đích của con đường. Ngoài đạo diễn và đóng phim, ông còn tham gia giảng dạy tại khoa Đạo diễn điện ảnh, trường Đại học Điện ảnh và Sân khấu TP.Hồ Chí Minh từ năm 2002 đến nay. Hàng trăm đạo diễn và diễn viên đã là học trò của ông. Ông luôn coi họ như những người đồng nghiệp và luôn tin họ. Hiện ông tham gia hội đồng nghệ thuật cho Today TV và làm cố vấn cho một số công ty truyền thông. Trên bàn làm việc của ông là hàng trăm cuốn kịch bản của các công ty mà ông phải đọc, thẩm định hoặc biên tập... Bất giác tôi hỏi ông thích gì? Ông nheo nheo mắt: “Tớ thích đọc sách hay, rượu ngon, trà Ô long và xem phim”. Tôi hỏi ông ghét gì ? - “Tớ ghét tớ”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao ?”. - “Tớ là người tham công tiếc việc và sức khỏe đang chống lại tớ”. Rồi ông trầm ngâm: “Quỹ thời gian của tớ không còn nhiều!”.
Viết về một con người tự nhận là mình không có tiểu sử như ông thật khó viết. Ông nhắc tôi đừng viết cái gì quá bởi ông không có gì đặc biệt. Ông sống chan hòa, cởi mở nhưng lại rất sắc sảo với điện ảnh, với nghề. Bước vào tuổi 65 vẫn say mê làm việc với cường độ cao, lấy nghệ thuật làm sự nghiệp. Ông sống khá viên mãn bên cạnh người con trai của mình cũng là một đạo diễn.
Chúc cho ông sức khỏe để tiếp tục phục vụ điện ảnh, truyền hình nước nhà.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc