CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:45

Đánh đuổi vợ con để đưa phụ nữ khác về chung sống

Nạn nhân của vụ việc trên chính là bà Nguyễn Thị Định (SN 1954) ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Năm 1972 bà Định kết hôn với ông Vũ Đình Chăm (SN 1952) sinh được 4 người con. Ngày mới lấy nhau, gia đình bên nội không có đất nên phải ở nhờ nhà bên ngoại. Đến năm 1976, gia đình xin được một mảnh đất của UBND xã để làm nhà ở. Sau khi kết hôn, ông Chăm đi làm công nhân xây dựng ở tỉnh Phú Thọ và rất ít khi về nhà. Trong khoảng thời gian làm việc tại đây, ông Chăm có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ làm cùng công ty. Kể từ đó, ông Chăm thay đổi tính nết, mỗi lần về nhà thường cáu gắt và hay chê bai vợ.

Trong khoảng thời gian từ năm 1975 – 1987, bà Định lần lượt sinh được 4 người con là Vũ Thị Ngân (SN 1975); Vũ Thị Tiến (SN 1978); Vũ Đình Mạnh (SN 1982) và Vũ Đình Hạnh (SN 1987). Những tưởng có con, cuộc sống vợ chồng sẽ thêm nồng ấm, chồng sẽ  yêu vợ, thương con, nhưng chồng bà lại vô tâm không đoái hoài gì về cuộc sống gia đình. Ông bỏ mặc con cho bà nuôi không gửi tiền về cho vợ khiến bà phải làm lụng cật lực để nuôi các con khôn lớn.

Ba mẹ con bà Định.

 “Chồng bỏ đi biền biệt, 29 – 30 Tết mới về cũng không cho vợ con đồng tiền nào. Tôi ở nhà làm lụng vất vả, không có nghề nghiệp cố định, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đi cắt cỏ làm thuê làm mướn để nuôi các con. Cũng may nhà bên ngoại thương các cháu và giúp đỡ rất nhiều nên các cháu mới được đi học cho bằng bạn bằng bè”, bà Định cay đắng kể.

Theo lời kể của bà Định, sau khi người con trai thứ ba được 10 tuổi, ông Chăm thường xuyên về nhà hơn nhưng lại kiếm cớ gây sự, chửi bới, thậm chí nhiều lần chồng bà còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ nhưng bà Định không kêu ca, oán trách mà âm thầm chịu đựng.

Đầu năm 2009, ông Chăm dẫn theo một người phụ nữ lạ mặt tên là Đào Thị Ninh về nhà giới thiệu là bạn làm cùng công ty, sau đó ông Chăm còn hùng hồn tuyên bố với dòng họ sẽ lấy người phụ nữ này làm vợ hai. Như có sự toan tính từ trước, ông Chăm tìm cớ hắt hủi vợ con rồi quăng hết đồ đạc của vợ con ra ngoài, thay ổ khóa rồi đuổi vợ con ra đường, cấm cửa không cho vào nhà. Thậm chí, nói theo lời bà Định là “Mẹ con sống trong muôn vàn khổ nhục vì sự chê cười của hàng xóm. Đó là chưa kể những trận đòn roi của ông Chăm trút lên đầu vợ con”. Sự việc diễn ra hơn 7 năm nay... . 

Biết tin, những người trong gia đình ông Chăm, từ bên nội đến bên ngoại đã hết lòng khuyên can nhưng ông Chăm vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí còn thường xuyên dẫn người phụ nữ về nhà hơn khiến cho cuộc sống của mấy mẹ con bà Định bị đảo lộn.

Ban đầu bà Định không tin chồng mình bội bạc mà vẫn tin tưởng chồng vì áp lực công việc lại sống xa vợ con nên có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng. Tuy nhiên khi chồng chính thức công khai mối quan hệ với người phụ nữ khác với cả dòng họ, rồi trước mặt các con, bà Định suy sụp hoàn toàn. Chịu biết bao đắng cay tủi hờn, nuôi con khôn lớn, bà Định vẫn nín nhịn không dám kêu ca phàn nàn để mọi chuyện ấm êm cửa nhà.

Khi người con trai làm việc ở tỉnh Lai Châu lấy vợ sinh, bà lặn lội lên giúp con trông cháu để các con yên tâm làm việc. Giỗ, Tết mẹ con bà Định khăn gói về quê để làm lễ thì ông Chăm kiên quyết không cho vào. “Từ cuối năm 2011 đến nay, mẹ con tôi về nhà để ăn Tết anh Chăm đều đóng công không cho vào. Còn nếu có vào thì anh lại gây chuyện đánh đập, chửi bới vợ con. Tết năm 2014, khi mẹ con bà cháu từ Lai Châu về ăn Tết, anh Chăm đã dùng thuổng phi vào con trai phải đi viện. Chưa dừng lại ở đó, anh Chăm còn dùng bát đĩa và các vật dụng khác ném vào người các con, các cháu”, bà Định nức nở nhớ lại những ngày tháng tủi cực với người chồng bội bạc

Khi bà Định báo cáo với chính quyền thôn muốn xây dựng một căn nhà nhỏ trong chính khuôn viên đất của gia đình để giỗ, Tết con cháu có chỗ để về thì ông Chăm phúc đáp gửi UBND xã cho rằng: Khuôn viên mảnh đất này là của bố mẹ mua của hợp tác xã. Người được hưởng thừa kế là 8 anh em nhưng được sự đồng ý của các anh em khác nên khuôn viên này đã và đang là nhà thờ họ Vũ chi 2. Bà Định không được phép xây dựng trên khuôn viên đất này.

Mặc dù từ năm 2009, ông Chăm đã đưa người phụ nữ khác về chung sống cùng một nhà. Thế nhưng, trong đơn phúc đáp gửi lãnh đạo thôn Hải Triều, ông Chăm một mực cho rằng: “Ngày 11/2/2012, trong lúc tôi ốm liệt giường, bà Định thề sẽ lên nhà con ở và không bao giờ quay lại!”?

Việc ông Vũ Đình Chăm là đảng viên, chưa ly hôn vợ nhưng vẫn đưa phụ nữ khác về chung sống cùng nhà không chỉ mẹ con bà Định là nạn nhân trực tiếp bất bình  mà rất nhiều người dân trong xã bức xúc. Tại buổi hòa giải ngày 30/1/2016, bà Đoàn Thị Chuốt, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Lễ đề nghị: Ông Chăm nên suy nghĩ, nghiên cứu và xem xét lại không nên để bà Ninh ở lại trong nhà mà xảy ra tan cửa, nát nhà.

Không ít người lên án và cho rằng, ông Chăm xem lại tư cách đảng viên khi vi phạm Luật hôn nhân gia đình. Dù đã có vợ nhưng vẫn đưa phụ nữ khác về chung sống như vợ chồng và thường xuyên bạo hành với vợ, con.

Ngọc Tân/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh