THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:13

Nhà báo Nguyễn Quang Hưng

Dành dụm chi tiết đời sống để làm báo, viết văn

* Xin chúc mừng anh vừa ra mắt tập tản văn “Đi trong phố thu” (NXB Văn học) sau 2 tập “Năm tháng mặt người” in năm 2016 và “Nối những vệt không gian” năm 2019. Qua tập sách này anh đã không chỉ “đi trong phố mùa thu” mà đi với cả bốn mùa, với rất nhiều không gian, ký ức về nếp phố, nếp làng ngoại thành. Với giọng điệu hoài vọng, thiết tha, lưu luyến, đầy trầm tư ở trong đó, anh muốn gửi gắm điều gì đến bạn đọc?

- Thực ra tập tản văn này tôi thích tên là “Rừng trong phố” hơn, cái tên đó hợp với một không khí bao trùm trong cả cuốn tản này của tôi, là niềm ngưỡng mộ thiên nhiên, yêu kính cây cối, lá hoa và mong đời sống đô thị, cuộc sống Thủ đô, tâm hồn con người chúng ta hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ… Như thế sẽ đẹp biết bao! Nhưng ban đầu đăng ký theo dự án tên “Đi trong phố thu”, sau không đổi lại được nữa. Nhưng tôi cũng không lấy thế làm phiền vì cái chính vẫn là đọc nội dung sách. Nhà sách nơi hợp tác với nhà xuất bản in cuốn này của tôi, có “dỗ” là sau tái bản sẽ lấy tên “Rừng trong phố”. Tôi rất mong đợi. Bạn đọc nào cầm trên tay cuốn tản văn “Đi trong phố thu” thì tên thật của nó là “Rừng trong phố”. Bạn hãy đọc và cảm nhận về những hình bóng rừng, giấc mơ rừng, giấc mơ cây cối, hoa lá trong không gian đô thị và ngoại thành Hà Nội cùng tôi.

Bìa sách Đi trong phố thu

Còn nói về sự thay đổi nhiều, mai một nhiều trong phố phường, thôn quê của chúng ta, cái đó rất nhiều người trong chúng ta đều đang nhận thấy và lo lắng, sợ hãi, cũng như bản thân chúng ta cũng đang hòa theo sự thay đổi, mai một đó để rồi cũng tự suy giảm, mất mát trong lối sống, ứng xử, nề nếp văn hóa, trong tình cảm hướng về thiên nhiên, xã hội của mình. Điều tôi muốn nói nhiều hơn qua cuốn sách là những vẻ đẹp và mong muốn giữ lấy, nâng lấy những gì còn được nhận ra, đang mỏng manh, run rẩy, phai bạc dần. Giữ bằng cách bảo vệ lấy nó, bằng việc trang bị những vẻ đẹp đó cho chính tâm hồn, suy nghĩ, cho đời sống văn hóa, tinh thần của chúng ta.

 * Theo anh, báo chí đã thật sự góp phần vào bảo vệ không gian phố phường Hà Nội cũng như những nếp làng ngoại thành Hà Nội hay chưa?

- Không thể không nhận thấy rằng báo chí đã lên tiếng rất nhiều, thường xuyên, liên tục, lâu dài suốt bao năm nay về việc tôn vinh những giá trị của phố phường, làng quê về mọi mặt, đời sống văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động lễ hội, các di tích, công trình đặc sắc, các di sản kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, các không gian, cảnh quan đẹp đẽ của phố xá, thôn xóm, đồng ruộng, núi đồi, các khu danh thắng… Báo chí cũng cảnh báo, phê phán rất nhiều khi những giá trị vật chất và tinh thần đó bị mai một, bị gặm nhấm dần, bị tàn phá, bị đối xử một cách không công bằng, thậm chí còn bị lợi dụng cho những mục đích phản văn hóa.

Đây có lẽ sẽ cần tiếp tục là một công cuộc không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự kiên trì, xông xáo và mạnh mẽ hơn nữa trong việc phê phán những cái tệ hại làm hỏng, làm xấu đi những giá trị văn hóa tốt đẹp. Trong đó, không thể thiếu việc đề xuất các giải pháp hay, chỉ rõ những trách nhiệm của các bộ phận liên quan từ nhà quản lý cho đến người dân, nhiều khi ta hay đòi hỏi trách nhiệm người khác mà ít nghĩ đến nhiệm vụ tự thân của mình. Tôi ước mong thành phố, các báo Hà Nội gây dựng các cuộc vận động, thi viết, nói mạnh vào sự xâm hại, chèn ép, lấn lướt các giá trị văn hóa, không gian, cảnh quan văn hóa và tự nhiên của Hà Nội cả trong phố lẫn ngoài làng và miền đồi núi; cũng như nêu ra nhiều ý tưởng tốt đẹp, giải pháp khả thi cho việc giữ gìn, làm giàu có tâm hồn con người bằng văn hóa và thiên nhiên Hà Nội, văn hóa và thiên nhiên nơi quê hương, bản quán mỗi con người.

* Các kiến trúc sư nói rằng, một đô thị muốn phát triển bền vững phải là đô thị có ký ức và lịch sử. Là người theo dõi khá sâu mảng đô thị Hà Nội, anh thấy các cơ quan chức năng thành phố đã làm tốt nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị ký ức và lịch sử hay chưa?

- Tôi không được như anh nghĩ đâu. Muốn theo dõi đời sống văn hóa - đô thị Hà Nội, đòi hỏi một lượng thông tin, tri thức dồi dào về nhiều lĩnh vực, cả khía cạnh kỹ thuật, nghệ thuật chứ không nói văn hóa chung chung. Nhưng trong công việc nghề báo và ở góc nhìn một người dân bình thường thì tôi thấy việc làm theo gợi ý của các kiến trúc sư, ở khía cạnh bảo tồn di sản kiến trúc, xây dựng vẫn còn nhiều bất cập, chậm trễ. Nhiều khi phải có di sản kiến trúc hỏng hóc, rệu rã rồi, ta mới kêu lên, lo lắng, rồi lại để tình trạng đó kéo dài. Và đến nay thì tình hình mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội với nhu cầu phát triển, xây mới đang căng thẳng trong khi việc làm mới đang có xu hướng lan tràn, thắng thế khiến cho một phần ký ức đô thị có nguy cơ bị mất mát nhiều hơn mà thiếu các giải pháp bảo tồn hài hòa, thích ứng vai trò, tác dụng của di sản trong đời sống hiện tại.             

* Có ý kiến cho rằng, nhà báo trẻ ngày nay ít quan tâm viết tản văn (vốn là thể loại cần vận dụng cảm xúc văn chương và ký ức). Quan điểm của anh về vấn đề này?

- Tản văn là thể loại thuộc lĩnh vực văn chương, nên để viết thì cần những yếu tố nhất định như năng khiếu, cảm xúc, trữ lượng ngôn từ và suy tư giàu tính liên tưởng, tưởng tượng cũng như khả năng bao quát đời sống và vận dụng nhiều chi tiết, hình ảnh trong trang viết. Còn những bài báo, rõ ràng sẽ đòi hỏi phương thức làm việc, triển khai khác mà người làm báo nếu có năng khiếu sáng tác thì có thể viết tản văn một cách bình thường, còn không có khiếu, không ham mê sáng tác thì cũng không viết tản văn, làm thơ như một lẽ thông thường thôi. Tôi không nghĩ cứ nhà báo là có thể hoặc nên viết tản văn.

NQH

Có thể trước kia nhiều người làm báo cũng đồng thời là nhà văn, nhà thơ, hoặc có hứng thú sáng tác là do năng khiếu và nhu cầu tự thân, cũng một phần do đào tạo trong lĩnh vực văn học, viết văn… Còn sau này, khi xuất hiện nhiều địa chỉ đào tạo chuyên về ngành nghề báo chí thì nhiều bạn trẻ lựa chọn với mong muốn trở thành nhà báo chứ không có ý đi theo sáng tác, và trong môi trường đó cũng không có những điều kiện đào tạo để trở thành người sáng tác.

Nhân đây liên hệ rộng thêm, tôi lại thấy nhiều bạn bây giờ, ngoài công việc chính là sáng tác và một việc gì đó để sống và nuôi sáng tác, thì lại có dấu hiệu thích viết báo và muốn thử sức trong lĩnh vực báo chí. Tất nhiên, khả năng thực hành của người sáng tác khi viết báo cũng khác so với người chuyên về làm báo. Nhưng đây cũng là một thực tế thú vị đáng quan sát thêm.

* Anh nuôi giữ cảm xúc của mình thế nào để có những bài báo và tản văn hay, xúc động?

- Tôi hướng về văn hóa, sự nhân văn, vẻ đẹp để viết báo, viết tản văn. Cả khi sáng tác và làm báo, tôi cũng thường xuyên gửi vào những tình cảm của sự theo dõi, nhận thấy để gợi mở về việc làm cho thực tế hay hơn, đẹp hơn lên.

Trong tản văn, tôi có chút “chạm” của báo chí nhờ sự quan sát, nắm bắt, chọn lọc những chi tiết đời sống trong thực tế, tác nghiệp để dành dụm, liên tưởng sâu rộng thêm cho những trang viết. Trong những bài báo, có những khi tôi có thêm chút không khí của tản văn, của sáng tác khi liên tưởng, liên hệ thêm ngoài thực tế thông tin, sự kiện, hoạt động mà mình phản ánh, bàn luận. Và đương nhiên, khi viết tản văn, làm thơ một cách cẩn thận, miệt mài và hào hứng, thì những cái đó cũng có tác động, giúp cho câu chữ trong bài báo được chọn lọc hơn; trong phạm vi dung lượng có hạn của bài báo, mình gửi, mình nói được nhiều ý hơn.  

* Xin trân trọng cảm ơn anh.

Diên Khánh (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh