Đánh đòn có mang lại hiệu quả trong việc dạy dỗ con?
- Chia sẻ
- 13:58 - 25/10/2020
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc áp dụng hình phạt đánh đòn là một hình thức kỷ luật nghiêm túc để răn dạy con. Tuy nhiên, theo tiến sĩ George Holden, Chủ tịch Khoa Tâm lý học, Đại học Southern Methodist thì hầu hết nghiên cứu liên quan đều chỉ ra các hình phạt về thân thể có tác động rất tiêu cực với trẻ.
Một số cha mẹ đánh đòn con để trút cơn giận khi con cái không nghe lời, hoặc không đạt được kỳ vọng mà cha mẹ mong muốn. Ngoài ra, nếu trong gia đình có sự bất ổn về tài chính, hay sự bất hòa của chẹ mẹ thì việc trẻ bị đánh đòn diễn ra thường xuyên hơn.
Một nghiên cứu năm 2016 từ AAP cho kết quả, trong số 787 bác sĩ được khảo sát, chỉ 6% có thái độ tích cực với việc đánh đòn, trong khi chỉ 2,5% "mong đợi kết quả tích cực từ hình phạt này". Như vậy, việc đánh đòn không phải là hình thức kỷ luật trẻ hiệu quả, ngược lại nó còn khiến trẻ dễ dàng bị tổn thương cả về thể chất và lòng tự trọng.
Đánh đòn không mang lại hiệu quả trong việc dạy con, bởi nó chỉ mang lại hiệu quả ngăn chặn hành động trong một thời gian ngắn mà không khiến thay đổi hành vi của trẻ. Ông Holden chia sẻ: Bạn có thể đánh một đứa trẻ và chúng sẽ dừng lại vì giật mình. Tuy nhiên, đánh đòn không dạy trẻ phải làm gì tiếp theo và việc tạm dừng đó không ảnh hưởng đến tốc độ tổng thể của hành vi vào các ngày tiếp theo. "Đứa trẻ sẽ không nhớ những gì chúng làm sai mà chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh".
Việc phải chịu những trận đòn thường xuyên sẽ khiến trẻ có hành vi hung hăng, chống đối xã hội. Chưa kể sau này khi trưởng thành trẻ cũng dễ áp dụng phương cách tương tự này với con cái của chúng như một vòng tuần hoàn.
Việc bị đánh đòn còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, trẻ sẽ luôn lo lắng bị đánh đòn mỗi khi phạm lỗi, từ đó chúng sẽ tìm cách trốn tránh lỗi lầm bằng cách đổ thừa cho người khác.
Đánh đòn cũng sẽ ảnh hưởng đến mỗi quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến con cái tự tạo khoảng cách, không dám tâm sự với cha mẹ mỗi khi gặp chuyện vì sợ bị đánh đòn.
Như vậy, đánh đòn không phải là lựa chọn duy nhất trong việc dạy dỗ con cái. Với mỗi đứa trẻ ở độ tuổi khác nhau, cha mẹ hãy lựa chọn cách kỷ luật phù hợp.
1. Khi con la hét, khóc lóc mất kiểm soát
Bạn hãy yêu cầu con đi vào phòng, không được phép ra ngoài và tiếp tục khóc trong 10 phút. Đó là khoảng thời gian rất dài đối với trẻ, và chúng sẽ không vui khi được bố mẹ bảo khóc đi.
Một cách khác để xử lý cơn cáu kỉnh là nói: “Việc con đang làm quá gây rối cho căn nhà này. Con có thể tiếp tục ở sân sau. Khi khóc xong, con được chào mừng trở lại”. Không có khán giả, cơn cáu kỉnh của trẻ cũng biến mất.
2. Khi trẻ không hoàn thành công việc mẹ giao vì mải xem tivi/ chơi đùa
Trong trường hợp trẻ không hoàn thành “trách nhiệm”, mẹ có thể tước đi của con một “quyền” nào đó. Ví dụ trẻ không làm bài tập về nhà đúng giờ, mẹ có thể không cho bé xem tivi vào các buổi tối. Như vậy, bé sẽ hiểu ra rằng khi con không hoàn thành trách nhiệm của mình, thì con cũng không được phép làm những điều mình thích.
3. Khi trẻ chạy nhảy linh tinh, cố tình nghịch phá
Trước hết cần nhắc cha mẹ, đừng cố kiềm chế rồi sau đó đột ngột quát con khiến bé hoảng sợ. Chúng ta nhìn thấy con chạy nhảy và cảm thấy rất bực mình, tuy nhiên cố gắng phớt lờ. Tiếp theo sau đó, bạn lại thấy bé đang lục tung hộp trang điểm của mẹ, và sau đó hét to “Con làm gì thế, thôi ngay”. Trẻ sẽ không thể hiểu nổi vì sao phút trước mẹ còn rất nhẹ nhàng thoải mái, phút sau đã quát ầm ĩ.
Thay vào đó, mẹ nên nhẹ nhàng ra quy tắc với con ngay từ ban đầu “Nếu con chạy nhảy, quậy phá, mẹ sẽ bắt con đứng úp mặt góc tường từ 5 đến 15 phút”. Với cách làm này, trẻ sẽ có thời gian bình tĩnh lại, đồng thời cũng ý thức được là đang bị phạt nên sẽ không dám chạy nhảy nữa.
4. Khi con vẽ bậy lên tường, vứt đồ đạc lung tung
Có thể áp dụng khi bé mắc lỗi vẽ bậy lên tường, vứt đồ chơi, đồ đạc lung tung bằng cách vừa giúp rèn luyện trẻ khả năng làm việc nhà, đồng thời rèn luyện cho con ý thức trách nhiệm. Đó là, khi con bày bừa ra thì chính con phải là người dọn dẹp chúng chứ không phải người khác.
5. Khi bé mắc lỗi thích dùng bạo lực, nói dối, lấy đồ của người khác
Khi trẻ mắc những lỗi này, nghĩa là con bạn đang rất gần với ranh giới của một đứa trẻ hư. Và việc đánh chửi con chỉ càng đẩy con bạn đến gần hơn ngưỡng hư hỏng mà thôi. Hãy yêu cầu con phải đọc hết một cuốn sách mà bạn chọn, thường là những cuốn sách mang tính chất giáo dục. Sau đó con phải chép phạt 1 câu hoặc 1 đoạn ý nghĩa nào đó trong cuốn sách. Theo các nhà tâm lý, việc đọc sách và chép phạt sẽ giúp điều chỉnh tâm lý và hành vi của trẻ rất tốt.