CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:24

Danh ca Tuấn Ngọc: Âm nhạc không bao giờ làm mình buồn

 

Nhắc đến nhạc Ngô Thụy Miên, người ta nhớ đến Tuấn Ngọc và anh nổi tiếng cũng bắt đầu từ âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này, mối lương duyên đó đến với anh như thế nào?

Tôi không có nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bởi ông sống khá khép kín. Tôi ở miền Nam, còn ông ở miền Bắc, nên không mấy khi gặp nhau. Có khi chúng tôi đi cùng nhau trong những đêm nhạc của ông ở Pháp, ở Mỹ, nhưng cả hai chúng tôi đều là người ít nói chuyện nên không có nhiều kỷ niệm chung. Bài "Riêng một góc trời" ông viết riêng cho tôi và bài hát đó đã đưa tôi đến gần với âm nhạc Ngô Thụy Miên hơn.

Anh xa đất nước từ lâu rồi và cuộc đời ca hát của anh cũng chủ yếu ở nước ngoài, nhưng tên tuổi Tuấn Ngọc được nhiều khán giả trong nước yêu quý. Anh nghĩ sao về điều đó?

Đi hát đối với tôi là một điều may mắn và thú vị, những chuyến đi luôn mang lại cho tôi niềm vui. Đây là thời gian tôi ở Hà Nội lâu nhất và rất thoải mái. Buổi sáng tôi đi chùa, loanh quanh phố xá, cảm nhận không khí se lạnh của mùa đông Hà Nội. Tôi nghĩ mình là người may mắn khi được nhiều khán giả yêu quý, cho nên, mỗi khi có một lời mời về Việt Nam, tôi đều thu xếp để trở về. Được hát trên đất nước mình, đó là hạnh phúc.

Tôi có một cảm nhận thế này, khi nghe anh hát trên sân khấu, Tuấn Ngọc tự nhiên như hơi thở, như âm nhạc có sẵn trong anh vậy. Điều gì giúp anh có được sự an nhiên, tự tại đó?

Tôi đi hát từ 4-5 tuổi và cả cuộc đời chỉ sống trong âm nhạc mà thôi. Điều quan trọng là mình chọn những bài hát phù hợp với mình và cứ thế hát thôi, không phải gồng mình lên. Tôi vẫn nghĩ mình may mắn nhiều hơn vì thực tế có nhiều người hát hay nhưng không được biết đến. Tôi vẫn hỏi bố tôi rằng, sao ông dạy hát cho tôi sớm vậy, ông bảo ông không dạy. Hồi đó, ông cụ ngồi chơi đàn ở nhà, tôi cứ đi qua đi lại, nghe rồi hát theo. Rồi được lên đài phát thanh Đà Lạt. Hồi đó micro không kéo lên kéo xuống được nên tôi phải đứng lên ghế hát. Tôi vào nghề một cách tự nhiên, thành nghề lúc nào không biết. Sau này khi các con tôi trưởng thành, tôi thương chúng lắm, vì tuổi trẻ ra đời khó khăn nhất là chọn cho mình một con đường. Tôi không phải loay hoay gì cả vì ngay từ ngày đó, tôi đã có con đường của mình rồi. Vì thế, tôi thấy mình may mắn. Tôi nghe nhạc Mỹ từ nhỏ nên hát rất tự nhiên. Mình cố gắng tự nhiên là mình sẽ thất bại, phải thư giãn, thoải mái, hát như cách trò chuyện với khán giả.

Quãng đời đi hát của anh rất dài, anh nhớ về thời đó như thế nào?

Tôi đi hát từ 5 tuổi ở Đà Lạt rồi vào Sài Gòn. Năm tôi 11 tuổi, bắt đầu hát nhạc Mỹ. 13 tuổi đã đi hát kiếm sống. Nhưng phải đến năm 17 tuổi tôi mới đi hát chuyên nghiệp cho tới bây giờ. Tôi lớn lên bằng âm nhạc của nước ngoài, đến năm 1989 mới quay lại hát nhạc Việt Nam. Tôi thấy dòng nhạc này hợp với mình, người ca sĩ chọn bài rất quan trọng, không phải vì bài đó nổi tiếng mà vì phù hợp với giọng của mình. Trong cả quãng đời đi hát, tôi luôn có những khán giả của riêng mình, tôi thấy hạnh phúc vì điều đó.

Thời đầu đi hát, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hồi đó không có các phương tiện truyền thông như bây giờ. Có khi từ đầu ngõ, cuối ngõ đều là ca sĩ nhưng không ai biết họ cả. Bố và chị đều nổi tiếng, còn tôi thì khá lặng lẽ. Nhưng cuộc sống, cái gì cũng có hai mặt của nó. Chính sự khó khăn ban đầu đó đã cho tôi ý chí và sự quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường của mình. Tôi rất thích hát, cả thời trẻ tôi đắm chìm trong âm nhạc, băng đĩa nhưng tôi không thấy thiếu thốn, không thấy cô đơn, mà còn thấy đầy đủ cho đến bây giờ. Tôi có thế giới riêng của mình và tôi thấy hạnh phúc. Mình sống thế nào mình thấy vui và hạnh phúc là đủ rồi.

Thời anh bắt đầu đi hát là thời của những lãng tử du ca, khác xa thời bây giờ, anh có thấy nuối tiếc?

Thời đó đời sống giản dị, con người bình dị, đẹp hơn. Cuộc sống cũng êm đềm, chậm rãi, không bon chen, gấp gáp như ngày nay. Nhưng Đức Phật đã dạy, hiện tại là quan trọng nhất, ngày hôm qua là giấc mơ rồi. Mình nên sống cho ngày hôm nay.

Dòng nhạc anh lựa chọn là những bản tình ca buồn, nhưng khi nghe Tuấn Ngọc hát, người ta không cảm thấy bi lụy, không bị sến, nghe nhạc buồn mà cảm thấy được nương tựa, được chia sẻ. Điều đó cũng đến trong anh rất tự nhiên?

Đúng thế, có khán giả bảo tôi rằng, mỗi lúc buồn, họ nghe nhạc của tôi và nghe xong thì hết buồn luôn. Đó cũng là may mắn, mình sinh cùng thời hợp với mình. May mắn rất quan trọng, nếu mình đi trước thời đại quá thì không được chấp nhận, không nhận được nhiều chia sẻ như thế.

 

Tuấn Ngọc song ca cùng Lệ Thu

 

Bây giờ nhiều người trẻ đi hát nhạc xưa, anh đánh giá về họ như thế nào?

Thú thực, tôi không nghe nhiều nhạc Việt. Cuộc sống quá bận rộn và tôi không ngừng phải học hỏi. Có một số ca sĩ mà tôi có dịp hát cùng họ, tôi thấy họ hát tốt. Nhưng làm nghề này cần sự may mắn nữa. Tôi học kỹ thuật hát của người Mỹ nhưng không vì thế mà tôi hát lai căng. Làm nghệ thuật phải có tư duy thẩm mỹ cao. Người xưa nói, "quần áo không làm nên thầy tu". Giọng hát hay chưa chắc thành ca sĩ, phải có đầu óc thẩm mỹ để dẫn dắt người đọc khám phá vẻ đẹp bằng âm nhạc. Tôi sợ kiểu hát tiếng Việt mà có tiếng Mỹ lai căng. Muốn hát hay thì phải tròn vành rõ chữ đã. Tôi thích hát tiếng Mỹ nhưng khi hát tiếng Việt tôi chỉ hát thuần Việt thôi.

Tôi vừa đọc một cuốn sách mà tôi luôn thấy đúng, phải hiểu công việc của mình, rồi phải chăm chỉ, rèn luyện từng ngày và quan trọng nữa là may mắn. Đó là những yếu tố quyết định sự thành công của một con người, bất kể là nghề gì.

Anh có bị áp lực vì sinh ra trong một gia đình nổi tiếng không?

Tôi chưa bao giờ bị áp lực bởi điều đó. Bởi ngay từ nhỏ, mình đã có một con đường rồi. Và tôi luôn nghĩ, làm bất cứ nghề gì cũng phải cố gắng, làm tử tế, đàng hoàng thì sẽ thành công. Mình phải hiểu mình cần gì, hợp với gì. Cứ đi đường thẳng, tự nhiên rồi thành công sẽ tới.

Các con anh lớn lên trong không khí âm nhạc, vậy có ai đi theo nghề của anh không?

Các con tôi lớn lên ở Mỹ, chúng gần như không nghe nhạc của tôi. Nhưng tôi không buồn vì điều đó, mỗi người có một sở thích, một gu thưởng thức riêng. Tôi chỉ buồn vì các con không ai đi theo âm nhạc. Bởi tôi rất yêu nghề này. Nhưng đành chịu thôi. Với nghệ thuật, mọi thứ phải tự nhiên, không cưỡng ép được. Tôi nghĩ, người nào may mắn mới được đi hát, trở thành ca sĩ ít nhiều được mọi người biết và sống được bằng nghề. Không phải ai đi hát cũng nổi tiếng. Tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn.

 

 

Cả cuộc đời dành trọn cho âm nhạc, trải qua nhiều biến động của thời cuộc, theo anh, cái được lớn nhất trong đời anh là gì?

Cái được lớn nhất là tôi vẫn đi con đường của mình, trọn vẹn với âm nhạc. Mình luôn được là mình. Tôi nghĩ, với cuộc sống, thấy đủ là đủ. Tôi không đòi hỏi nhiều ở cuộc đời này. Danh vọng, sự nổi tiếng cũng chả quan trọng, ngày mai có mất hết cũng chẳng sao. Họ khen tôi hát hay nhất thì tôi vẫn là tôi, quan trọng là mình biết mình ở đâu và trong cuộc sống không ngừng trau dồi những giá trị của bản thân. Không phải vì vài lời khen mà giá trị mình được nâng lên đâu. Tôi đọc một cuốn sách kể về cậu bé 8 tuổi bị viêm não, cậu đã quyết tâm trở thành một thiên tài viết văn. Mọi thứ đều có thể nếu mình quyết liệt đi tận cùng con đường.

Hình như anh rất ngại tiếp xúc với truyền thông, báo chí, trong khi nhiều người nổi tiếng chỉ mong được lên báo, điều gì khiến anh ngần ngại thế?

Có lẽ vì tôi sống khép kín, không giao du nhiều. Thế giới của tôi là âm nhạc. Tôi rất ít bạn bè, nhất là trong giới. Tôi không có thời gian để đi ra ngoài nhiều. Kỹ thuật hát thay đổi mỗi ngày nên tôi vẫn không ngừng phải học. Tôi luôn đi một mình. Càng sống, tôi càng thấy thích một mình. Một mình nhưng không cô đơn, cô độc. Nhiều người ở giữa đông người vẫn thấy cô đơn. Cuộc sống thấy đủ là đủ thôi. Bớt đi những tham sân si trong đời, cuộc sống sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Anh luôn nghĩ mình là người may mắn trong sự nghiệp, vậy trong tình yêu thì sao?

Tình yêu ư, trong tình yêu, biết thế nào là may mắn. Đôi khi mất cũng là may mắn, mà được lại chưa chắc đã là may. Tình yêu luôn bí ẩn và khó hiểu thế đấy. Tôi vẫn thấy cuộc sống không gì đẹp bằng âm nhạc. Chỉ con người mới làm cho nhau buồn chứ âm nhạc không bao giờ làm mình buồn cả.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh