THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:31

Kỷ niệm 230 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân

Sáng 31/12, tại khu tượng đài Hoàng đế Quang Trung, Chính quyền và nhân dân TP. Huế tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 230 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi tại Phú Xuân và 230 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa


Tham dự Lễ dâng hương có ông Dương Trung Quốc – Đại biểu quốc hội, nhà sử học cùng lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo TP. Huế, các huyện, thị lân cận và người dân Huế.

Tại Lễ dâng hương, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND TP. Huế thêm một lần nữa khẳng định lại dấu son lịch sử cách đây 230 năm gắn liền với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và vùng đất Phú Xuân ngày nào. Theo đó, vào cuối thế kỷ thứ XVIII, vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân gắn liền với những thành tựu to lớn của phong trào Tây Sơn, với tên tuổi và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, vị danh tướng thiên tài đã đưa phong trào Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và phát triển lên đến đỉnh cao.

Tháng 1/1885, sau khi phá tan 20 vạn quân Xiêm xâm lược ở Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ được cử làm Tiết chế chỉ huy chiến dịch quân sự đánh thành Phú Xuân đang do quân Trịnh chiếm đóng. Bằng tài chỉ huy thao lược, cách đánh bất ngờ, kết hợp dùng mưu trí với sức mạnh quân sự và được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, tháng 5 năm Bính Ngọ (tháng 6/1786), Nguyễn Huệ giải phóng thành Phú Xuân. Chiến thắng vẻ vang này đã mở ra cho nhân dân Thuận Hóa một trang sử mới. Từ đây, Phú Xuân trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn, là điểm xuất phát và bàn đạp để Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Thăng Long lập lại nền thống nhất đất nước, xóa bỏ cục diện phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn hai thế kỷ.

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), tại núi Bân (nay thuộc phường An Tây, TP. Huế), Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc tiến ra Bắc đánh dẹp quân Thanh xâm lược.

Đêm 30 tết xuân Kỷ Dậu, đoàn quân Tây sơn bắt đầu mở cuộc tiến công như vũ bão vào các vị trí cố thủ của địch. Ngay đêm hôm đó, quân Tây sơn đã tiêu diệt các đồn tiền tiêu và đến đêm mồng 3 tết hạ đồn Hà Hồi. Mờ sáng mồng 5 tết (30/1/1789), đại quân Tây Sơn mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi. Cùng ngày hôm đó kinh thành Thăng Long được giải phóng. Chỉ trong vòng 5 ngày tổng tấn công đầu xuân tết Kỷ Dậu (25 đến 30/1/1789), các đạo quân Tây Sơn đã chiến đấu dũng cảm đánh bại quân Thanh xâm lược và quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Với lối đánh tiến công thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt, vua Quang Trung đã đại phá quân Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của quốc gia dân tộc.

Ông Thành cho biết, ngày 18/11/1988, di tích núi Bân đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau nhiều năm triển khai với sự nỗ lực và quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, khu tượng đài Anh hùng dân tộc hoàng đế Quang Trung tại di tích lịch sử núi Bân đã cơ bản hoàn thành và làm lễ khánh thành vào ngày 9/1/2010. Ngày 25/3/2010 đã được gắn biển công trình chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hình ảnh vị vua áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc tiến ra Bắc đánh dẹp quân Thanh xâm lược năm nào được tái hiện lại

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của phong trào Tây Sơn và của vị minh quân lỗi lạc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Khu tượng đài Hoàng đế Quang Trung được bảo vệ, chỉnh trang, nâng cấp và hiện nay trở thành một cụm công trình văn hóa lịch sử để người dân trong tỉnh và trên khắp cả nước đến thăm quan; đồng thời tạo nên diện mạo khang trang hơn cho mạn phái Tây Nam của TP. Huế.

Lễ dâng hương kỷ niệm 230 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân và 230 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra tại khu tượng đài anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung vào sáng 31/12/2018 có nhiều ý nghĩa quan trọng. Nó thể hiện lòng tôn kính và tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Huế đối với phong trào Tây Sơn và người Anh hùng dân tộc "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ - Quang Trung đã "Giúp dân dựng nước xiết bao công trình"; đồng thời giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Một số hình ảnh tại Lễ dâng hương:

Sau khi đánh tan 20 vạn  quân Xiêm xâm lược ở Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ được cử làm Tiết chế chỉ huy chiến dịch quân sự đánh thành Phú Xuân đang do quân Trịnh chiếm đóng

Bằng tài chỉ huy thao lược, cách đánh bất ngờ, kết hợp dùng mưu trí với sức mạnh quân sự và được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, tháng 5 năm Bính Ngọ (tháng 6/1786), Nguyễn Huệ giải phóng thành Phú Xuân.

Từ đây, Phú Xuân trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn, là điểm xuất phát và bàn đạp để Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Thăng Long lập lại nền thống nhất đất nước, xóa bỏ cục diện phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn hai thế kỷ. 

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), tại núi Bân (nay thuộc phường An Tây, TP. Huế), Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất....

rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc tiến ra Bắc đánh dẹp quân Thanh xâm lược

Ông nhanh chóng thu phục được lòng quân và dân trên cả nước

Hào khí nghĩa quân Tây Sơn được tái hiện

Ông Dương Trung Quốc cũng lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Huế dâng hương tưởng nhớ công ơn của ngừi anh hùng dân tộc

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh