Dân xót ruột vì tiền điện tăng
- Huyệt vị
- 18:33 - 18/04/2015
Nhiều hộ nộp tăng gấp đôi
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quán cà phê trên đường Trương Quốc Dung, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHồ Chí Minh cho biết, bình thường mỗi tháng chị đóng khoảng 600 000 đồng tiền điện. Tuy nhiên, tháng này tăng gần gấp đôi so với các tháng trước.
Cũng như chị Hương, anh Nguyễn Văn Cường, chủ nhà trọ thuộc khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHồ Chí Minh cho biết tiền điện tháng này của anh cũng phải đóng tăng thêm nhiều so với trước. Theo anh Cường, những tháng trước khi điện tăng giá, khu trọ của anh đóng khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Riêng tháng này, tiền điện cũng tăng thêm hơn 500 000 đồng.
Bà Võ Thị Xong, ngụ đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận cho biết, gia đình bà sử dụng nhiều thiết bị điện như máy lạnh, quạt, máy giặt và máy tính bàn nên mỗi tháng bà phải đóng khoảng 1 triệu đồng tiền điện. Riêng tháng này tiền điện nhà bà tăng vọt lên hơn 1,8 triệu đồng. “Vào cao điểm mùa nóng không biết sẽ tăng lên bao nhiêu nữa, mới tháng trước với tháng này mà đã chênh lệch gần một triệu đồng rồi”, bà Xong nói.
Anh Nguyễn Đức Tiến, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, phòng anh trọ có hai người ở mà thường xuyên phải dùng laptop nên bình thường mỗi tháng anh phải đóng khoảng 300 nghìn đồng tiền điện. Mới đây, chủ nhà trọ thông báo tiền điện tăng thêm 1.500 đồng/kWh nữa nên số tiền phải đóng cũng tăng lên gần gấp đôi
Còn chị Nguyễn Thị Duyên, sinh viên trọ tại quận Bình Thạnh nói: “Trước đây bọn em đóng tiền điện là 3.500 đồng mỗi số, giờ chủ trọ nhân việc tăng giá điện nên thu 5.000 đồng một số. Bình thường đã phải nhịn ăn để đóng tiền điện, nước, tiền phòng rồi giờ phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa”.
Hạn chế chi tiêu vì tiền điện tăng
Từ 16/3/2015, ngành điện bắt đầu tính cho khách hàng theo giá mới, được quy định tại Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương với mức điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh.
Trung tuần tháng 4 này, gia đình anh Nguyễn Huy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận biên lai thu hóa đơn tiền điện. So với mức giá phải trả tháng trước là 755.000 đồng (336 kWh), lần này anh phải móc hầu bao chi thêm số tiền suýt soát gần 200.000 đồng (933.000 đồng với 424 kWh). “Khi nhận hóa đơn tôi suýt kêu to khi tiền điện tháng này đột nhiên tăng gần 200 000 đồng. Cô thu tiền điện có giải thích do số điện tăng và một phần điện được tính theo giá mới, tăng 7,5% so với tháng trước”, anh Huy nói.
Anh Ngô Duy Sơn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tá hỏa khi nhận “trát” hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt so với tháng trước đó. Cụ thể, tháng 3/2015, gia đình anh sử dụng hết 46 kWh, phải trả 70.000 đồng. Sang tháng 4, lượng điện tiêu thụ nhà anh Sơn tăng vọt lên 205 kWh, phải trả 376.000 đồng. Theo anh Sơn, rõ ràng “nhà bóng đèn” “rõ khéo” khi chọn thời điểm đúng lúc thời tiết bắt đầu nắng nóng mà tăng khiến cho người dân dù muốn tiết kiệm cũng đặng chẳng đừng. “Thu nhập giữ nguyên nhưng tiền điện tăng, gia đình tôi dĩ nhiên phải hạn chế chi tiêu khoản khác để bù đắp chi phí giá điện”, anh Sơn nói.
Sợ nguy cơ tăng giá dây chuyền
Lý giải về hiện tượng hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho rằng: Nguyên nhân của hiện tượng này nhất là những hóa đơn tăng đột biến chủ yếu là do thời tiết đột ngột chuyển nóng. Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, diễn ra nhiều đợt nắng nóng, dự kiến nền nhiệt độ trung bình tháng 4/2015 dao động từ 24 - 31oC, cộng với đó đây là tháng đầu tiên áp dụng bảng giá điện mới.
Cụ thể hơn, theo đơn vị này, thống kê từ 1- 8/4/2015, sản lượng điện tiêu thụ trung bình gần 38 tr.kWh/ngày, tăng 8,2% so với tháng 3/2015. EVN Hà Nội dự kiến sản lượng dùng trong sinh hoạt trung bình tháng 4/2015 đạt 13,6 tr.kWh/ngày, tăng 12,6% so với tháng 3/2015. Riêng hóa đơn tiền điện tháng 4, EVN Hà Nội cho biết đã ghi số điện 2 lần. Với 50 kWh điện sử dụng đầu tiên, trước ngày 16/3, áp dụng mức giá cũ 1.388 đồng/kWh, từ ngày 16/3 trở đi, giá tăng lên 1.484 đồng/kWh.
Trao đổi về hiện tượng hóa đơn tiền điện tăng vọt tháng 4/2015, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Việc tăng 7,5% giá điện là quá cao, sẽ đánh vào túi tiền và làm giảm thu nhập của người dân. Với doanh nghiệp, đặc biệt các ngành dùng nhiều điện như thép, xi măng, đông lạnh, dệt may… sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên cao. Việc tăng giá điện này có nguy cơ tăng dây chuyền từ quả trứng đến bó rau… vì người dân phải chi thêm tiền điện và sẽ tính thêm chi phí các mặt hàng ngoài chợ. “Tôi từng đề nghị chỉ nên tăng 3% rồi cuối năm sẽ tăng thêm. Nhưng bây giờ tăng ngay một lần lên 7,5% giá điện, lại trùng hợp vào thời điểm giao mùa nên người tiêu dùng lãnh đủ và mới kêu ca”, ông Doanh nói.
Theo tính toán phương án tăng giá điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra trước đó, giá điện được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Cụ thể, với hộ sử dụng 50kWh/tháng, tiền điện tăng bình quân là 4.800 đồng; với hộ sử dụng khoảng 100kWh/tháng, số tiền tăng là 9.800 đồng. Biểu giá điện lần này đã tính đến ảnh hưởng đối với một số đối tượng cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách.
Hậu Giang: Tiền điện tăng khoảng 60% Ngày 17/4, ông Lý Thành An, ở thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết, gia đình ông có 4 người dùng điện sinh hoạt, trước đây, trung bình mỗi tháng hết 230.000 đồng nhưng tháng 4 này 384.000 đồng, tăng gần 60%. Cạnh nhà ông An là nhà bà Nguyễn Thị Chính, hai vợ chồng già cũng sử dụng điện sinh hoạt, tháng này tiền điện 290.000 đồng, so tháng trước 180.000 đồng, tăng 62%. Còn chị Phượng, tiểu thương bán hàng ở chợ Cái Tắc nói: “Ban ngày tôi ở ngoài chợ, trước đây, gia đình sử dụng điện trung bình mỗi tháng 320.000 đồng, tháng này gần 600.000 đồng, tăng 53%”. |