Dân vận khéo để giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 03:53 - 18/11/2017
Tư tưởng dân vận phải đi sâu vào an sinh xã hội
Nhận thức rõ công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân; huy động sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận của nhân dân, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành... Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, hai chương trình MTQG bản chất cũng là dân vận, để thực hiện ổn định xã hội, an sinh xã hội được tốt. Tư tưởng dân vận phải đi sâu vào an sinh xã hội thì mới giải quyết được bền vững và hiệu quả hai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và chương trình nông thôn mới.
Thời gian qua, với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, cơ quan Trung ương và sự cố gắng của Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ về xây dựng, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện đã được giao về các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020. Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, hiệu quả giữa Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 7/10/2016 phối hợp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trên cơ sở đó, hàng năm, Bộ xây dựng phương án phân bổ vốn cho MTTQ và các thành viên để thực hiện các hoạt động tập huấn, xây dựng, nhân rộng mô hình, sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng; đồng thời tổ chức giám sát và phản biện xã hội từ việc xác định đối tượng thụ hưởng, ban hành các văn bản chính sách đến việc tổ chức thực thi các chính sách và chương trình giảm nghèo. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực và vận động, tuyên truyền, triển khai, thực hiện các chính sách, xây dựng các mô hình giảm nghèo cụ thể, hiệu quả hơn, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể.
Theo báo cáo, về kết quả giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 8,23%, giảm 1,67% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 44,93%, giảm 5,5% so với cuối năm 2015; đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 7% (giảm 1,3% so với cuối năm 2016), đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, hai chương trình MTQG bản chất cũng là dân vận, để thực hiện ổn định xã hội, an sinh xã hội được tốt.
Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tốt đẹp
Song song với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 29/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, với mục tiêu là đào tạo nghề các trình độ cho 11 triệu lao động nông thôn, trong đó: Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 6,54 triệu người; đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 1 triệu lượt cán bộ, công chức xã, cùng với 3 nhóm chính sách, 5 nhóm giải pháp và 8 nhóm hoạt động và để triển khai thực hiện. Qua đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và góp phần tích cực vào công tác dân vận của Đảng và Nhà nước.
“Tính chung giai đoạn 2010 - 2017, trên 6 triệu lao động nông thôn được học các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên để tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm”, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận TW Thào Xuân Sùng đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu kịp thời, đúng đắn, nhất là lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, các chính sách về lao động việc làm, đào tạo nghề đã đưa một lực lượng thanh niên trở lại nông thôn, hình thành một bộ phận công nhân làm nông nghiệp trình độ cao, và đây cũng chính là đội ngũ giúp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Đồng thời, ông Sùng cũng đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền có hiệu quả góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện 2 MTQG này...