CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:38

Dân Thủ đô nuôi lợn trong nhà, đánh cá giữa đường

 

 Nhiều nơi nước vẫn ngập sâu, việc đi lại vẫn phải bằng thuyền.

 

Chiều ngày 19/10, PV có mặt ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, sau gần một tuần nơi đây chìm trong nước lụt (từ ngày 13/10). Hiện mực nước đang rút dần nhưng nhiều thôn thuộc xã Nam Phương Tiến vẫn bị chìm trong nước. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Bắt được 60 kg cá/ngày

Đi dọc theo con đường vào trung tâm xã Nam Phương Tiến, nhiều đoạn đường vẫn bị nhấn chìm trong nước, người dân mang lưới ra giữa đường để đánh bắt tôm cá.

Anh Đinh Công Hậu – một người đánh bắt cá ở trên đoạn đường này - cho biết: “Cách đây vài ngày khi nước chưa rút, một ngày trung bình tôi đánh bắt được hơn 60 kg cá các loại, chủ yếu là cá rô phi, cá trắm, cá chép... Đến hôm nay lượng cá cũng giảm xuống do nước đã rút dần”.

Nhiều trang trại chăn nuôi của người dân xã Nam Phương Tiến chịu thiệt hại nặng nề vì nước lụt. Số lượng gia súc, gia cầm bị chết rất lớn.

 

 

Lợn ở trong nhà, trong sân những ngày nước lũ chưa rút.

 

Ông Nguyễn Hữu Đông - thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến - cho biết: “Gia đình tôi có một trang trại nuôi lợn hơn 20 con chuẩn bị xuất chuồng, nuôi ngoài khu vực đầm của thôn cách đây không xa. Hôm đó lũ lên rất nhanh, tôi chỉ kịp bơi thuyền ra để cố vớt vát được con nào hay con đấy, cố gắng lắm mới bắt được 4 con đem lên thuyền chở về nhà. Bây giờ không có chuồng trại đành phải nuôi luôn ở trong sân”, ông Đông buồn bã nói.

Cũng gần giống trường hợp của gia đình ông Đông, ông Nguyễn Hữu Phan có một trang trại nuôi vịt khoảng vài trăm con, ở khu đầm giữa của xã Nam Phương Tiến. Ông Phan cho biết: “Trang trại vịt nhà bác có mấy trăm con cơ, sau trận ngập lụt bây giờ bác chỉ còn lại vài chục con thôi. Hôm nay mang tải ra để bắt những con còn sót lại, bọn nó đậu trên mái chuồng ở ngoài đầm, vì nước ngập lên đến tận mái cháu à”.

 

 

 

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh sau lũ

Việc nước chưa rút hết ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân các thôn thuộc xã Nam Phương Tiến. Một số người dân sử dụng các loại phương tiện tự chế như thuyền, bè để đi lại hay chở đồ dùng, hàng hoá, gây nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Mầm mống bệnh tật khi cống rãnh, nhà vệ sinh hay chuồng trại chăn nuôi hoà chung làm một, đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ của người dân nơi đây.

 

Việc đi lại, sinh hoạt vẫn vô cùng khó khăn.

 

Đám trẻ vẫn vô tư chơi cùng nước lụt.

 

Bà Trần thị Liễu ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, cho biết: “Từ ngày mưa lụt đến giờ, nguồn nước giếng của tôi cũng bị ô nhiễm theo, nước dâng lên cao ngập luôn cả giếng, khi nước rút đi thì các loại chất bẩn cũng đã ngấm vào nguồn nước sạch dưới giếng rồi”.

Cũng theo bà Liễu, do lội nước lụt nhiều mà giờ chân tay bà đều bị sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu. Đứa cháu bà Liễu do sử dụng nguồn nước giếng bị nhiễm bẩn lâu ngày cũng bị đau bụng tiêu chảy mấy ngày nay.

 

Mì tôm vẫn là thức ăn chủ yếu.

 

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều dịch bệnh.

 

Ông Phùng Văn Lê – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến - cho biết, tính đến ngày 19/10, do nước lụt đã bắt đầu rút, trạm đang tiến hành công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường; tiến hành phun khử khuẩn nước giếng, rắc vôi vào nhà tiêu, cống rãnh và chuồng trại...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến thông tin, trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Nam Phương Tiến là xã chịu thiệt hại nặng nhất của huyện Chương Mỹ, có nơi nước ngập sâu đến 4m. Rất nhiều nhà dân bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu về chăn nuôi ước tính khoảng 96.000 con vịt, gà; 5.500 con lợn chết.

Ông Vĩnh cho biết, chiều 19/10, xã đã triển khai công tác kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho người dân sau lũ và thẩm tra xác minh diện tích hoa màu, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng trọt, chăn nuôi... để có phương án hỗ trợ cho bà con.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh