Dân nhập cư làm “nóng” chính trường, xã hội châu Âu
- Tây Y
- 22:25 - 20/10/2015
Mặc dù người biểu tình cùng đổ về một địa điểm nhưng họ lại có lập trường trái ngược nhau. “Phe” ủng hộ người nhập cư thu hút gần 500 người tham dự kêu gọi tình đoàn kết với người đã phải rời bỏ đất nước vì chiến tranh, loạn lạc..., chống tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc và hận thù giữa các dân tộc. Còn gần 1.000 người khác lại tham gia biểu tình phản đối với chủ đề “Vì nền văn hóa và an ninh của đất nước” và chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) về chính sách phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư đối với các nước thành viên, trong đó có Czech.
Trước đó một ngày, sự căng thẳng nội bộ chính trường Czech về vấn đề nhập cư cũng đã đạt cao trào mới sau lời phát biểu của Tổng thống Milos Zeman rằng, người nhập cư tại nước này không tôn trọng luật pháp nước sở tại và áp dụng Luật Hồi giáo hà khắc, chẳng hạn như ném đá phụ nữ ngoại tình đến chết. Ngay lập tức, Bộ trưởng Nhân quyền, bình đẳng về cơ hội và pháp luật của Czech Jiri Dienstbier lên tiếng phê phán Tổng thống Milos Zeman, cho rằng ông hù dọa dân chúng về vấn đề nhập cư để “lấy lòng” cử tri. Ông J.Dienstbier cũng gay gắt chỉ trích một số chính khách của quốc gia Đông Âu tìm lá phiếu bằng các tuyên bố dân túy và mang hơi hướng bài ngoại, phân biệt chủng tộc và cho rằng, đây là hành động thiếu trách nhiệm, vô đạo đức.
EU đang phải trợ cấp cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Bắc Phi.
Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, vấn đề người nhập cư cũng đã trở thành chủ đề trọng tâm mà các đảng phái đưa vào nội dung chiến dịch tranh cử nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngày 18/10. Nước này dự kiến sẽ tiếp nhận từ 4.000 đến 5.000 người di cư, chủ yếu từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq và Afghanistan, đồng thời đang cân nhắc khả năng viện trợ nhân đạo với số tiền được đề xuất từ 50-100 triệu franc (tương đương 52-104 triệu USD) để giúp các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang hoạt động ở Iraq hay Syria.
Hiện tại, bước đột phá trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư trái phép tại châu Âu được cho là phụ thuộc vào cuộc thương thảo giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara đang đưa ra khá nhiều yêu sách để đổi lại việc giúp đỡ EU ngăn dòng người tị nạn. Nhiều nhà quan sát cho rằng, chưa bao giờ châu Âu hướng sự quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều như hiện nay. Hầu hết các lãnh đạo EU hiện đã sẵn sàng đưa Thổ Nhĩ Kỹ vào danh sách “nước an toàn”.
Thậm chí, EU còn vừa hoãn công bố một bản báo cáo được cho là mang nội dung chỉ trích vấn đề dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sở dĩ có động thái này là vì, theo một thống kê gần đây nhất, trong số những người tị nạn đã lọt được vào lãnh thổ châu Âu, có 600.000 người đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, có tới 2,2 triệu người tị nạn nữa đang tạm trú ở nước này tìm cơ hội trốn vào châu Âu qua đường Hy Lạp hoặc Bulgaria. Dòng người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đi qua Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn nhiều so với dòng tị nạn từ các nước Bắc Phi đi qua Libya. Do vậy, Ủy ban châu Âu (EC) mới ưu tiên ngăn dòng người đi qua Thổ Nhĩ Kỳ trước. Một lý do nữa là, cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dễ dàng hơn đàm phán với Libya - nơi mà tình hình chính trị vẫn rất hỗn loạn.
Mặc dù được cho là lựa chọn dễ dàng hơn song yêu sách mà Ankara đưa ra cũng khiến các nhà lãnh đạo EU phải đau đầu, đặc biệt là khoản tiền 3 tỷ euro. Hiện tại, con số có thể huy động từ ngân sách EU mới chỉ đạt 500 triệu euro. Số tiền còn lại, EC phải hối thúc các nước khác đóng góp theo cam kết trong Hội nghị Thượng đỉnh bất thường tháng trước. Song đến lúc này, chỉ có Anh, Tây Ban Nha và Luxembourg đóng góp với số tiền 3 triệu euro mỗi nước. Mới vừa chỉ thoát khỏi “cơn ác mộng” về vấn đề tài chính Hy Lạp chưa được bao lâu, trong vòng hai tháng qua, các nước EU đã phải tiêu tốn không ít tiền bạc để tăng cường an ninh trên biển, trợ cấp cho người nhập cư trái phép. Trong bối cảnh tốc độ phục hồi nền kinh tế khu vực vẫn còn mong manh, việc giải quyết vấn đề này có thể tạo thêm những áp lực tài chính đối với châu Âu. Song khó khăn lớn nhất là tìm ra một giải pháp thống nhất và phù hợp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nhập cư đang chia rẽ châu Âu.