CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:00

Dán môi “siêu tốc” - Rước họa vào thân

 

Bắt nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản từ đầu những năm 2012 nhưng gần đây, trào lưu dùng miếng dán xăm môi (violent lip) được giới trẻ Việt Nam hồ hởi đón nhận bởi đẹp mắt và tiện lợi. Thế nhưng, không ai có thể lường trước rằng, thú chơi này có thể khiến nhiều người phải hối hận suốt đời bởi mối nguy hiểm tiềm tàng gây nguy hại lớn tới sức khỏe.

Muốn đẹp mà lại rẻ...

Sở dĩ cộng đồng giới trẻ rầm rộ trào lưu làm đẹp bằng miếng dán xăm môi bởi họ cho rằng nó vừa thể hiện cá tính, lại vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Chỉ vài chục nghìn đồng là có được miếng dán xăm môi và chỉ cần chấm nước vào mặt sau miếng dán rồi miết nhẹ lên môi, đợi khoảng 15-20 phút, bóc lớp nilon ở ngoài đi là sẽ có ngay một đôi môi ưng ý, cứ việc ăn uống, nói cười thoải mái vì hình xăm có thể lưu lại nhiều giờ. Muốn thay đổi màu sắc, chỉ cần mua lọ hóa chất tẩy trang bán kèm để rửa bỏ màu xăm cũ mà chẳng mất thời gian mua son hay kẻ vẽ. Tại các cửa hàng mỹ phẩm và trên các trang mạng xã hội cũng đang quảng cáo rầm rộ về loại miếng dán này, họ coi đây là một phát minh mới nhất trong công nghệ làm đẹp mà nhờ nó, những cô nàng mê thời trang ấn tượng luôn có được những đôi môi như ý...

 

Những miếng dán môi trôi nổi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

 

...thì rước họa vào thân

Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm xăm môi dán đều có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam. Trong thành phần của các miếng dán có chứa khá nhiều hóa chất, độc tố có thể gây hại tới sức khỏe của người dùng. Một số sinh viên ở trọ tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, họ đã sử dụng miếng dán xăm môi trong lễ hội hóa trang ở trường. Mới dán được 15 phút, hầu như tất cả mọi người đều thấy môi bắt đầu ngứa. Dù họ đã nhanh chóng xóa sạch hình xăm ngay sau đó, nhưng môi vẫn bị bong tróc, nổi mụn, sưng tấy, ngứa, lở loét, phù môi... Đi khám, bác sĩ cho biết tất cả các sinh viên này đều bị dị ứng hóa chất có trong mực in của miếng dán. Bên cạnh miếng dán màu, các cô nàng sành điệu còn đặc biệt ưa thích loại dán môi phát quang mà rất có thể loại mực dùng trong miếng dán xăm môi phát quang là mực UV nên mới tạo hiệu ứng lấp lánh như vậy.

Theo BS. Trần Thế Viện, giảng viên Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, loại mực UV rất độc, miếng dán xăm môi bán trôi nổi trên thị trường, không được kiểm soát về mặt chất lượng thì mối nguy hại tới sức khỏe người sử dụng càng lớn. Hơn nữa, da vùng môi khá mỏng, các đầu tận cùng của dây thần kinh cảm giác và các mao mạch rất sát bề mặt môi nên môi rất nhạy cảm, dễ bị chảy máu và dễ bị ung thư da hơn bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Chưa kể, sử dụng miếng dán xăm ở môi khi ăn uống, hóa chất và mực in có trong các miếng dán sẽ theo nước bọt đi vào bên trong cơ thể, dễ gây ngộ độc. Chính vì vậy, các bạn trẻ cần thận trọng bởi việc xăm hình dù xăm bằng kim hay miếng dán thì nguy cơ bị dị ứng do hóa chất có trong mực xăm đều như nhau. Khi chọn sản phẩm làm đẹp phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, công dụng cũng như tác hại và các phản ứng phụ trước khi sử dụng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh