Dân được lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
- Tây Y
- 05:55 - 27/09/2016
Tỉnh Sơn La đã tổ chức trên 30 hội nghị tuyên truyền sâu rộng về chính sách chi trả DVMTR tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Thực hiện phát triển Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ở cả ba cấp. Cấp xã sẽ tiến hành xác định các chủ rừng, loại rừng được hưởng dịch vụ, sau khi được phê duyệt sẽ mở tài khoản, niêm yết công khai danh sách tại các thôn, bản và thông báo cho các chủ rừng. Sau mười ngày, nếu không có ý kiến phản hồi, xã sẽ tiến hành chi trả tiền dịch vụ dựa trên sổ giao đất, giao rừng của các chủ rừng. Ðây là một trong những cách làm hay, hiệu quả, nhất là đối với một địa phương có nhiều rừng, địa bàn rộng lớn và phức tạp như Sơn La.
Dân được lợi từ chính sách chi trả dịch vụ rừng
Thành công từ cách làm đó, tính đến đầu năm 2016, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đã tiến hành giải ngân được trên 90 tỷ đồng cho trên 52.174 chủ rừng với diện tích 519.365 ha rừng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cũng đã ký trên 20 hợp đồng ủy thác dịch vụ môi trường rừng với các công ty, nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thuộc địa bàn nội tỉnh; đôn đốc các công ty nhà máy nộp tiền về Quỹ theo quy định, để từ đó nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ rừng, đặc biệt là đồng bào ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới của tỉnh. Một trong những đơn vị làm tốt việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng của tỉnh là Công ty Thủy điện Sơn La. Đây là doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc việc chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng điều phối đến các địa phương trong diện chi trả.
Với người dân, khẩu hiệu "sống được bằng nghề rừng" tưởng như rất xa vời, nhưng kể từ khi đi vào thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đời sống bà con đã đổi thay. Về điều này, ông Trá Trua Và, Chủ tịch UBND xã Pá Lông, huyện Thuận Châu tâm sự: Trước đây, một số thôn bản, bà con còn trồng cây thuốc phiện, nay cùng với công tác tuyên truyền vận động của cán bộ là các chính sách hỗ trợ kinh tế của Nhà nước, trong đó có chính sách chi trả DVMTR nên toàn xã hiện không còn hộ nào trồng cây thuốc phiện nữa. Nhiều hộ gia đình đã có thể sống được bằng nghề chăm sóc bảo vệ rừng. Hàng năm cũng có thu nhập ổn định từ rừng.
Còn tại huyện Yên Châu, toàn huyện hiện có trên hơn 43.368 ha rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,46%. Để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, hằng năm, Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng huyện đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích rừng đủ điều kiện hưởng dịch vụ môi trường rừng; xây dựng phương án điều chỉnh bổ sung giao khoán và chi trả DVMTR cho các xã. Đồng thời, tuyên truyền cho các chủ rừng về nguyên tắc, hình thức chi trả DVMTR; đối tượng được chi trả tiền DVMTR; trách nhiệm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Theo đó, phân rõ ranh giới, diện tích rừng của từng bản, nhóm hộ được chi trả tiền DVMTR, đơn giá chi trả một ha rừng khoanh nuôi bảo vệ ở từng khu vực. Chi nhánh còn phối hợp các xã, thông báo và niêm yết công khai tại các xã danh sách chi trả tiền DVMTR.
Ông Lê Đức Vinh, Trưởng Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng huyện Yên Châu, cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã đem lại hiệu quả thiết thực; diện tích rừng được bảo vệ tốt, các vụ cháy rừng giảm đáng kể, nâng độ che phủ rừng từ 45% năm 2010 lên 50,46% năm 2015; không còn điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép như thời gian trước, người dân có thu nhập từ rừng. Theo thống kê, năm 2011, toàn huyện chi trả hơn 9,4 tỷ đồng tiền DVMTR cho 4.946 chủ rừng, đến năm 2015, chi hơn 11 tỷ đồng cho 5.410 chủ rừng tại 157 bản, 14 xã, thị trấn. Trong đó, xã Chiềng Hặc là xã có diện tích rừng lớn nhất huyện. Hiện, xã có 423 hộ, nhóm hộ và 18 cộng đồng bản nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 5.000 ha rừng. Số tiền DVMTR hàng năm được chi trả trên 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã giúp các hộ dân trong xã có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống.
Cũng nói về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, anh Vì Văn Chiến, Trưởng bản Nà Cài (xã Chiềng On, huyện Yên Châu) cho biết: Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý bản đã họp dân, chia các nhóm bảo vệ rừng như: Nhóm cộng đồng bản, nhóm cựu chiến binh, nhóm đoàn thanh niên, trong đó, phân rõ ranh giới diện tích cho từng nhóm. Các nhóm phân công các thành viên thường xuyên tuần tra ngăn chặn việc chặt phá, buôn bán gỗ trái phép; áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô. Hằng năm, bản được chi trả hơn 70 triệu đồng tiền DVMTR. Tuy số tiền không nhiều, song đã góp phần giúp bà con cải thiện cuộc sống. Qua thực tế cho thấy, chính sách chi trả DVMTR là động lực để các hộ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng cao.