THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:37

Dân Sống chông chênh và bất an

Nghèo vì thủy điện

Nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng trùng điệp, khu tái định cư (TĐC)  K'rối 1 (xã Đắk Smar, huyện Kbang, Gia Lai) với những ngôi nhà xi măng nhỏ nhắn nằm san sát, đối diện trông như một khu đô thị thu nhỏ. Tuy ở vùng sâu nhưng ngôi làng này cũng được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng như đường bê tông, điện, nước... Điều kiện đầy đủ là thế, nhưng xung quanh lại thưa thớt bóng người.

Sau khi thủy điện An Khê – Ka Nak hòa lưới điện quốc gia, đời sống của đồng bào vùng TĐC ở huyện Kbang vẫn gặp khó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng này là vì người dân thiếu đất sản xuất. Từ ngày Dự án thủy điện An Khê – Ka Nak “có mặt” tại đây, hơn 100 hộ người dân tộc Ba Na ở làng K’rối 1 phải di dời đi nơi khác, nhường đất đai cho thủy điện. Ngày rời làng đi, các hộ dân được chủ đầu tư công trình thủy điện (Ban Quản lý Dự án thủy điện 7, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – PV) hứa khai hoang, chia đất tái định canh, thế nhưng người dân “chờ dài cổ” mà vẫn chưa thấy đất đâu. Chưa kể, nơi ở mới lại chật chội, không đủ điều kiện chăn nuôi, nên nhiều người dân đã phải bán gia súc.

Chăn nuôi không được, chuyển đổi cây trồng không xong, quanh đi quẩn lại chỉ có thể trồng bắp và mì, đời sống người dân vô cùng chật vật.Gương mặt phờ phạc sau khi vượt một chặng đường dài gần 10km từ rẫy về nhà, già làng Đinh Rai buồn bã cho biết: "Sau khi giao đất cho thủy điện, gia đình mình chỉ còn chưa tới 4 sào đất, trong khi đất mới vẫn chưa được cấp. Giờ cả nhà 6 người chỉ trông chờ vào mấy sào đất nên khó khăn lắm”. Không có đất sản xuất, bà con đành chấp nhận mưu sinh bằng những nghề khác, người lên rừng phát rẫy, người đánh bắt cá ở hồ đem đổi gạo.

Tình trạng thiếu đất sản xuất cũng là nỗi khổ của hơn 90 hộ dân của làng Groi, thị trấn Kbang (huyện Kbang). Dù không phải TĐC như những nơi khác nhưng những hộ dân này phải nhường đất sản xuất cho Dự án thủy điện An Khê – Ka Nak. Đất thì đã nhường từ cuối năm 2005, thế nhưng cho đến nay những hộ dân trên vẫn chưa được Ban Quản lý Dự án thủy điện 7 (BQLDA thủy điện 7) giải quyết dứt điểm. Ông Đinh Grươm, người Ba Na, ở làng Groi bức xúc: “Khi BQLDA thủy điện 7 họp dân về vấn đề lấy đất làm thủy điện, họ nói là sẽ đền bù thỏa đáng cho bà con. Vì thế dân làng mình vui vẻ tự nguyện giao đất cho họ. Vậy mà, họ đã quên hết những gì đã cam kết rồi. Mấy sào đất họ giao cho mình là đất bạc màu, toàn đá sỏi thì cây bắp, cây mì nào mà sống nổi, không những vậy còn bị người khác tới xâm canh, nên mình từ chối không nhận”.

Theo quy hoạch, để chuẩn bị đất đai cho việc thi công công trình thủy điện An Khê – Ka Nak, có 496 hộ dân phải di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ và được bố trí TĐC tại làng Cam, làng Krối 1, thôn 2, thôn 3 (xã Đăk Smar, huyện Kbang), làng Chợt (xã Lơ Ku, huyện Kbang)...  Ngoài ra, huyện Kbang còn phải nhường 2.500ha đất với gần 1.200 hộ chịu ảnh hưởng và tiến hành bố trí lại đất sản xuất cho 437 hộ dân, với tổng diện tích hơn 570ha. Tuy nhiên, đã hơn 8 năm kể từ ngày thủy điện khởi công xây dựng, người dân chỉ mới nhận được hơn 436ha, còn lại gần 136ha các hộ tái định canh vẫn chưa được nhận.

Ông Phạm Đình Thu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai nhận xét: “Người dân vùng đông Gia Lai đã ủng hộ thủy điện, chấp nhận tái định canh, định cư, với mong muốn nơi sản xuất, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi cũ. Qua thực tế, người dân tại các khu tái định cư ở huyện Kbang, thị xã An Khê đều lâm vào cảnh khó khăn, bĩ cực hơn trước, đất sản xuất chưa có...”.

Nỗi lo xả lũ

Được khởi công xây dựng vào tháng 11/2005, công trình thủy điện An Khê – Ka Nak có công suất lắp máy 173MW, với tổng sản lượng điện trung bình mỗi năm khoảng 694 triệu KWh. Khi dự án thủy điện bắt đầu khởi công xây dựng, người dân khấp khởi mừng thầm, ai ai cũng hi vọng thủy điện sẽ “thắp sáng” hơn cho cuộc sống của họ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Thế nhưng, hết khổ sở vì thiếu đất sản xuất, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng của thủy điện giờ lại nơm nớp nỗi lo “nhân tai” mỗi khi mùa mưa đến, đó là tình trạng thủy điện xả lũ.Gần 1 năm đã trôi qua, nhưng bà Đinh Thị Nớp ở làng T’Nang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro (Gia Lai) vẫn chưa quên được cơn lũ kinh hoàng ngày 15/11/2013. Hơn 50 năm sinh sống ở miền đất này nhưng chưa bao giờ bà Nớp chứng kiến một dòng nước lớn và hung dữ đến như vậy. Làng T’Nang tọa lạc trên khu vực rất cao so với sông Ba, mấy chục năm qua người dân sống trong yên ổn, mặc cho mùa mưa hàng năm, tỉnh Gia Lai vẫn thường đón nhận nhiều cơn bão, lũ. Thế nhưng, sau cơn bão số 15 (diễn ra ngày 15/11/2013), bỗng dưng nước lũ từ sông Ba tràn về dữ dội, hàng chục hộ dân chỉ kịp chạy thoát thân, đứng nhìn của cải bị dòng nước dữ cuốn trôi. Nước lũ rút, thôn làng và đồng ruộng của bà con trở nên hoang tàn, xơ xác.

Cùng với huyện Kông Chro, dọc theo sông Ba từ huyện Kbang, thị xã An Khê cho đến các huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa (Gia Lai), những ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt trong thời điểm nói trên đều hiện diện rõ. Rất nhiều ruộng lúa, vựa bắp, thậm chí cả rừng cây bạch đàn cũng đổ rạp vì bị lũ cuốn. Nhiều người dân không kịp thu dọn tài sản mà chỉ kịp rời khỏi nhà, chạy lên các nơi khác tránh cơn lũ thủy điện. Sau trận “thiên tai” và  “nhân tai” này, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng ở địa bàn thị xã An Khê đã có hơn 140 ngôi nhà bị ngập, hơn 900 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại lên đến gần 13 tỷ đồng. Bức xúc, người dân đã “tố” thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ không thông báo cho địa phương.

 Sau cơn “đại hồng thủy” xảy ra ngày 15/11/2013, do TĐ An Khê – Ka Nak gây ra, cơ sở hạ tầng vùng đông Gia Lai bị tàn phá nặng nề.

Sau cơn “đại hồng thủy” do thủy điện gây ra, đến nay việc đền bù thiệt hại cho người dân đã hoàn tất. Thế nhưng hàng trăm hộ dân của huyện Kông Chro, thị xã An Khê sinh sống dọc sông Ba cũng như chính quyền địa phương vẫn còn bức xúc, vì cách làm thiếu trách nhiệm của Ban điều hành thủy điện An Khê – Ka Nak. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ “vượt rào”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trước đó, vào đêm 24, rạng sáng 25/5/2011, thủy điện An Khê-Ka Nak cũng bất ngờ xả lũ sai quy định, khiến gần 50ha hoa màu, 10 con trâu, bò và 62 máy nổ, máy bơm nước của hơn 140 hộ dân và doanh nghiệp ở xã Đông và xã Nghĩa An (huyện Kbang) bị cuốn trôi. Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã An Khê  cho biết: “Có thể nói, việc xả lũ năm 2013 của thủy điện An Khê – Ka Nak còn  nhiều bất cập. Bởi lẽ, BQLDA thủy điện 7 đã không xây dựng bản đồ vùng ngập lũ, khiến dân không biết đường di tản khi gặp lũ. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng không thông báo thời gian xả lũ kịp thời, khiến chính quyền không kịp thông tin cho người dân.

Năm trước, những bất cập này chưa được BQLDA thủy điện 7 giải quyết. Không biết năm 2014 sẽ như thế nào, nếu mức độ mưa bão lớn hơn mà thủy điện cứ xả lũ ào ạt như sự cố năm 2013 thì không biết thiệt hại sẽ đến đâu”.

Gia Lai đang bước vào cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên, thỉnh thoảng có những cơn mưa với cường độ mạnh và bất thường. Dự báo năm nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây tâm lý bất an cho người dân vùng hạ du các công trình thủy điện. Từ sự cố “nhân tai” của năm 2013, lãnh đạo Nhà máy thủy điện An Khê – Ka Nak cần lên phương án phòng chống lụt bão chặt chẽ, hợp lý, để người dân tỉnh Gia Lai bớt “ám ảnh” mỗi khi mùa mưa lũ tràn về.

NGUYỄN TRƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh