Dùng mạng xã hội “kể tội” cha mẹ có là bất hiếu?
- Văn hóa - Giải trí
- 00:57 - 20/12/2016
Mượn Facebook “kể tội” cha mẹ
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ chia sẻ bằng livestream trên Facebook về chuyện mẹ anh nợ nần rất nhiều người đã khiến dư luận được phen dậy sóng. Ảnh: T.L
Với nhiều người hiện nay, việc sử dụng Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu. Thế giới mạng với những tính năng hiệu quả trong việc tương tác giữa cộng đồng mạng đã trở thành một nơi để người ta có thể thoải mái “xả” những khó chịu, bức bối trong lòng mình. Chẳng cần đôi co ngoài đời hay lẳng lặng viết nhật ký như trước, nhiều người giờ tận dụng Facebook để “kể tội”, thậm chí chửi mắng người khác khi có điều gì đó không hài lòng. Họ coi đó như những trang nhật ký riêng, không gian của riêng mình để bày tỏ cảm xúc.
Những ngày gần đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ chia sẻ bằng livestream trên Facebook việc anh giấu kín suốt nhiều năm qua, về chuyện mẹ anh nợ nần rất nhiều người đã khiến dư luận được phen dậy sóng. Nam ca sĩ cho biết, mẹ anh đã vay tiền từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến người hâm mộ anh. Từ khi chia sẻ livestream lên mạng xã hội, việc làm của Đàm Vĩnh Hưng liên tục gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có người chia sẻ, động viên, nhưng cũng có không ít khán giả lên án, cho rằng hành động của nam ca sĩ là bất hiếu.
Trong thực tế, việc một bộ phận giới trẻ thường hay đăng tải những đoạn bức xúc về cha mẹ mình lên Facebook không phải hiếm. Nhiều bạn trẻ đem chuyện nhà “bêu” lên mạng, rồi mượn Facebook để “kể tội” cha mẹ mình, thậm chí chửi cha mẹ như cách để giải tỏa. Mạng xã hội cũng từng xôn xao về câu chuyện một nữ sinh chỉ vì không xin được 2 triệu đồng mua quần áo đã lên Facebook không tiếc lời "kể tội" mẹ đi "nâng mũi, sửa ngực, sắm quần áo" để "cong cớn đi cặp với mấy thằng trẻ ranh".
Nhìn nhận câu chuyện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, việc livestream để nói tất cả sự thật về chuyện nợ nần của mẹ là cách tốt nhất mà Đàm Vĩnh Hưng làm được vào thời điểm này. Anh cần sự “ve vuốt” của bạn bè, công chúng nên mới nói như vậy. Nhưng ở góc khác, có thể nam ca sĩ không nói không thể chịu được. Còn cứ tiếp tục chịu đựng sẽ không biết đi tới đâu.
Nhưng dù có thông cảm đến đâu thì xét đến cùng, việc một người con kể tội mẹ cho tất cả bàn dân thiên hạ biết như vậy không phải là hành vi chín chắn, có điều gì đó trái đạo. Điều quan trọng là xử lý mọi việc với nhau có trách nhiệm, thay vì việc kêu gào. Số lớn người ta chia sẻ đấy nhưng khi để người mẹ bị chửi rủa, xúc phạm hẳn không phải là có hiếu.
Lỗi lớn ở đây vẫn là ở người mẹ, đã lợi dụng tên tuổi của con để thỏa mãn những thú vui của mình. Bà đã không có ý thức được việc mình làm với con. Nhưng nếu nói ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã có hiếu lắm rồi thì không hẳn. Có thể nam ca sĩ cung cấp tiền bạc, vật chất cho cha mẹ nhưng việc chăm sóc, nhìn nhận người mẹ thì có lẽ chưa được. Bố mẹ và con cái phải là bạn bè của nhau, nhưng ở đây hai người đã không làm được điều đó. Tại sao mọi người không nghĩ rằng, bà mẹ dính vào những chuyện ấy một phần cũng vì tại người con. Bởi thiếu người nói chuyện, chăm sóc, lấy tiền bạc để chơi cờ bạc để giết thì giờ. Bản thân Đàm Vĩnh Hưng cũng không nắm chắc được mình mất bao nhiêu, chỉ khi việc vỡ nợ mới biết mình đã phải trang trải tới 20 tỷ đồng.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cũng bày tỏ sự không đồng tình với cách xử lý, đưa thông tin về mẹ đến dư luận của Đàm Vĩnh Hưng. Theo bà Túy, đây nhất định không phải cách tốt nhất mà một người con có thể làm cho một người mẹ lỗi lầm. “Chúng ta chưa bàn chuyện bên nào có lý hơn bên nào, chỉ thấy những chuyện lẽ ra là chuyện gia đình có thể tự giải quyết thì lại đưa rầm rộ lên mạng. Nếu chỉ là để mọi người biết, không cho vay nợ nữa thì nên dùng cách khác, có thể trực tiếp nói chuyện với những người cho vay hoặc tuyên bố với họ là không trả nợ thay, ai vay người đó trả. Hoặc có thể mời luật sư tham gia giải quyết”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy chia sẻ.
Đừng dùng Facebook “bêu” chuyện riêng gia đình
Theo nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, việc giới trẻ ngày nay hay lên Facebook “kể tội”, nói xấu, chửi bậy, bêu xấu cha mẹ có thể coi là điều bất hiếu. Điều này xuất phát từ hệ giá trị lệch lạc, thế hệ mới bây giờ dường như không được chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi chuyện, thiếu nề nếp, tự hy sinh phấn đấu mà quen được bao bọc. Các em quen dựa dẫm và khi không được dựa nữa thì bêu xấu. Và một khi các em đã làm được điều ấy thì không chỉ bêu xấu cái có thật của bố mẹ mà còn bịa ra để mà nói nữa. Và vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, ngày nay giới trẻ thiếu sự giao tiếp công bằng với cha mẹ. Cả hai phía đều mất thăng bằng, đều bị trượt gẫy về mặt giá trị đã không gặp được nhau.
Một điều phải nhìn nhận rằng, khi nóng giận và thiếu suy nghĩ, người ta có thể hành động rất bồng bột để thỏa cơn giận của mình và mạng xã hội đã trở thành một công cụ đắc lực để cơn giận ấy được phát tán mạnh mẽ, để biến một câu chuyện trong nhà, nơi giường ngủ trở thành đề tài bàn tán khắp xã hội. Nhưng đó cũng là cách lựa chọn dại dột nhất, khi mà chuyện của gia đình thay vì được tháo gỡ một cách khéo léo, ít gây tổn thất nhất thì lại bị làm cho đình đám và khiến cả đôi bên đều tổn thương nặng nề.
Nhiều khi “đóng cửa bảo nhau” có lẽ đã êm xuôi, nhưng bởi livestream, mạng ảo đã biến thành một mồi lửa khiến những người đã từng là người trong nhà trở nên xa lạ, thù hằn, không còn lối về bên nhau nữa.
“Mọi hành vi từ bêu xấu, kể tội đến tụng ca một ai đó mà thiếu hạt nhân lành mạnh trong đấy đều không hay ho gì. Hãy sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm bởi khi chia sẻ trên mạng với mức độ cập nhật tức thì, thì những câu chuyện riêng sẽ không chỉ là của riêng một người mà dường như nó là của cả cộng đồng. Những câu chuyện không hay ho có thể làm xấu lây cho tất cả mọi người. Trước khi gõ bất cứ dòng nào, các bạn trẻ hãy thận trọng và suy nghĩ kỹ. Mạng xã hội có hàng triệu người với những tính cách khác nhau và không phải ai cũng tốt bụng cảm thông, chia sẻ với câu chuyện của bạn”. PGS.TS Trịnh Hòa Bình |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc