Đảm bảo việc làm và kỹ năng cho người lao động Việt Nam dưới tác động của chuyển đổi số
- Tây Y
- 19:28 - 25/10/2021
Nỗ lực của Việt Nam trong phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có lực lượng lao động trong độ tuổi vàng. Năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 54,8 triệu lao động, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 74,4%. Đảm bảo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhất là đối với một nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam. Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, dưới tác động của dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam nhanh hơn.
Chính phủ đã nỗ lực thông qua những sáng kiến, chính sách tầm quốc gia, tạo tiền đề cho xu thế mới này, tiêu biểu là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng hành lang pháp lý, đưa ra những giải pháp, tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị để giúp Việt Nam ngày một tiến xa hơn.
Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới. Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên liên tục tăng qua các năm, đến nay là 26,1%; cơ cấu lao động làm việc trong ngành nông, lâm thủy sản giảm và chuyển dịch sang ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại (lao động ngành nông, lâm nghiệp giảm từ 40,2% năm 2017 xuống còn 33,1% năm 2020; tỷ lệ cơ cấu lao động tương ứng năm 2020: 33,1% - 30,8% - 36,1%). Ngày 5/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 176 Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, theo đó, đặt mục tiêu chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% vào năm 2030.
Số hóa để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội toàn cầu, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới. Khi việc tiêm ngừa vaccine được triển khai trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường lao động trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên, đại dịch được dự báo sẽ diễn biến rất khó lường, đòi hỏi lĩnh vực lao động, việc làm phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và phải thay đổi phần lớn cách thức vận hành hiện đại, số hóa để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.
Tại hội nghị, các lãnh đạo cấp cao của ManpowerGroup khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông cũng như đại diện doanh nghiệp trong nước đã chia sẻ thông tin của các đối tác quốc tế cũng như Việt Nam về chuyển đổi số và nhu cầu kỹ năng mới đối với người lao động, thảo luận về giải pháp đảm bảo việc làm bền vững và tương lai kỹ năng cho người lao động, đồng thời giới thiệu báo cáo mới ra mắt của ManpowerGroup về tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) 2021.
Theo đó, lực lượng lao động toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thế giới việc làm, được đẩy nhanh bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Covid-19. Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, chuyển đổi số là một trong bốn xu hướng nổi bật về lao động hiện nay. Nghiên cứu Cuộc cách mạng kỹ năng giai đoạn mới 2021 của tập đoàn cho biết: 38% doanh nghiệp trên toàn cầu đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa và tự động hóa dưới ảnh hưởng của đại dịch. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động & Xã hội, có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.
“Dưới tác động của CMCN 4.0 và đại dịch, nhà tuyển dụng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tạo ra việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt bộ phận Nhân sự cần cân nhắc việc đưa yếu tố con người làm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược điều hành doanh nghiệp” – ông Simon Matthews, Giám đốc Khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chia sẻ. Theo nghiên cứu của tập đoàn ManpowerGroup, các chuyên gia nhân sự đang đặt ra những ưu tiên hàng đầu, bao gồm sức khỏe và phúc lợi của người lao động (63%), mô hình làm việc mới (37%), nâng cao kỹ năng, cơ hội được đào tạo và phát triển cho người lao động (30%).
Còn theo ông Jonas Prising, Chủ tịch & Tổng Giám đốc Điều hành, Tập đoàn ManpowerGroup: “Đây chính là thời điểm chúng ta tái định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho người lao động – trang bị cho họ đầy đủ kỹ năng hơn, thế giới việc làm đa dạng hơn và hướng tới phúc lợi nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể hình dung”.
Trong nỗ lực chung của cả nước với công cuộc chuyển đổi số, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cũng chia sẻ về Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thị trường lao động và kết nối người lao động với việc làm phù hợp. Mục tiêu chính của Đề án là Ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm, hình thành cơ sở dữ liệu về người lao động thống nhất toàn quốc kết nối với các cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ sở dữ liệu dân cư…, góp phần phát triển thị trường lao động, hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định: “Chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho việc phát triển lực lượng lao động thông qua việc trang bị các kỹ năng mới cho người lao động, đưa ra các định hướng mới của Chính phủ đối với chuyển đổi số nhằm hướng tới việc đảm bảo việc làm, tăng năng suất lao động cũng như những ứng phó hiệu quả trong bối cảnh mới".