Đảm bảo mỗi người dân có một mã số BHXH
- Bài thuốc hay
- 04:03 - 30/04/2019
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết: Hiện nay, công tác rà soát, quản lý việc cấp mã số BHXH vẫn còn nảy sinh một số vấn đề bất cập, khó khăn, nhất là BHXH các địa phương đã phát hiện ra nhiều lỗi trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, Ban Thu cùng với Trung tâm CNTT cùng các vụ, ban chuyên môn đã trình Tổng Giám đốc ban hành quy chế cấp mã số BHXH.
“Nếu chấp hành không nghiêm quy chế quản lý, cấp mã BHXH sẽ dẫn đến một người có nhiều mã, CSDL hộ gia đình không được cập nhật đầy đủ, chính xác. Vì vậy, hướng dẫn, quy định đã có, các tỉnh/thành phố cần tập trung thao tác xử lý sau khi Trung tâm CNTT hướng dẫn thực hiện”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, Trung tâm CNTT phải phối hợp với Ban Thu sớm lên phương án cấp mã đơn vị SDLĐ như đối với cấp mã số BHXH để thống nhất trong quản lý. Theo đó, việc đồng nhất, lấy mã số thuế làm mã số BHXH phải sớm được hoàn thiện để tránh tình trạng trùng lặp mã số BHXH. “Có nhiều địa phương có những sáng kiến tốt, công cụ hỗ trợ sàng lọc đối chiếu như Tiền Giang, Lào Cai. Vì vậy, Trung tâm CNTT cần khuyến khích các đơn vị, cán bộ BHXH ở địa phương có công cụ hỗ trợ thì đưa vào sử dụng. Đơn vị nào có sáng kiến cải tiến, giảm bớt được việc làm thủ công, thì Trung tâm CNTT đề nghị BHXH Việt Nam khen thưởng kịp thời…”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, trước đây, việc cấp mã số BHXH được thực hiện theo nhiều cách. Còn hiện nay, theo quy trình, phải đảm bảo chính xác, mỗi người có một mã riêng duy nhất. Theo đó, sơ đồ cấp mã số gồm 2 phần, trong đó đầu tiên phải thao tác tìm kiếm hộ gia đình theo nhiều tiêu chí; sau đó cập nhật thông tin cá nhân, tìm kiếm theo các bộ tiêu chí thông tin định danh (họ tên, ngày sinh, nơi cấp giấy khai sinh).
Dẫn thực tế trước đây, khi triển khai Mẫu DK01-DC có phát sinh 2 người con sinh đôi cùng ngày tháng năm sinh sẽ phát sinh trùng bộ tiêu chí định danh bắt buộc, nên phải gửi lên Trung tâm CNTT để rà soát lại, ông Bồng cho rằng, quy trình này cũng có điểm khác là toàn bộ thao tác kiểm tra của cán bộ nhập liệu được ghi lại trong blook. Đồng thời, Trung tâm sẽ ghi lại và theo dõi xem các địa phương có kiểm tra hay không, kiểm tra những gì, hệ thống trả ra những gì?... “Toàn bộ hệ thống được lưu tại máy tính của các thành viên Tổ kiểm soát, để biết được ai đã tìm kiếm đủ các bước theo quy chế không; từ đó Trung tâm CNTT thống kê các bước tìm kiếm và đề xuất khen thưởng, kỷ luật theo quy chế”- ông Bồng giải thích.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm CNTT và Công ty TecaPro đã hướng dẫn các địa phương sử dụng phần mềm theo Quyết định 346. Đặc biệt, theo quy trình này, việc cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT được quy định cụ thể. Nếu người được tìm kiếm không trùng khớp với bộ thông tin định danh (sai 1 trong số các thông tin định danh), thì tiến hành xác minh lại. Việc xác minh có thể thông qua UBND cấp xã hoặc đơn vị SDLĐ.
Nếu không tồn tại người được tìm kiếm hoặc không xác định đúng người trong hộ gia đình, thì cán bộ nhập liệu chuyển sang thực hiện tìm kiếm theo người tham gia khác hộ gia đình. Việc tìm kiếm người tham gia khác hộ gia đình, cần theo các thao tác như: Tìm kiếm theo bộ thông tin định danh trên toàn quốc; tìm kiếm theo chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân trên toàn quốc; tìm kiếm theo mã tỉnh khai sinh, họ và tên, năm sinh trên toàn quốc; tìm kiếm theo họ và tên, năm sinh trên mã tỉnh hoặc hộ khẩu trên toàn quốc.
Sau khi tìm kiếm, nếu trường hợp tìm thấy người trùng bộ thông tin định danh mà xác minh là một người, thì không thực hiện cấp mã số BHXH. Còn nếu xác minh là hai người khác nhau, thì cán bộ nhập liệu cần bổ sung thông tin, chuyển về Trung tâm CNTT để cấp mã số BHXH. Trường hợp tìm thấy và xác minh đúng người tham gia, nhưng không trùng khớp bộ thông tin định danh (sai 1 trong số các thông tin định danh) và chưa đồng bộ với thông tin trên phần mềm TST, thì thực hiện điều chỉnh thông tin cá nhân theo Mẫu 01-BD hoặc Mẫu TK1-TS. Trường hợp đã đồng bộ với phần mềm TST, thì chuyển trả hồ sơ cho UBND xã hoặc đơn vị SDLĐ để xác minh và đề nghị hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người tham gia. Trường hợp không tìm thấy, cán bộ nhập liệu cập nhật thông tin người tham gia chuyển đề nghị Tổ kiểm soát duyệt cấp mã số BHXH.