CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Đắk Nông: Vươn lên từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội

Từ các nội dung ký kết với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Hội Nông dân thường xuyên triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn cho Chi Hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên vay vốn về thủ tục vay vốn, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng kỳ hạn, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng tiết kiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm tránh thất thoát và chiếm dụng vốn. Bằng các biện pháp chỉ đạo tích cực, chủ động và cụ thể, hoạt động ủy thác vốn vay qua Hội Nông dân với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã dần đi vào nề nếp và ngày càng hiệu quả, phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng ủy thác.  

Những hộ được tiếp nhận vốn vay đã tích cực phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Hăng hái thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt vai trò ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thông qua nguồn vốn ủy thác, Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vay vốn, phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình hội viên giải quyết được vấn đề tài chính như: cho con ăn học, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Đặc biệt về hiệu quả kinh tế, thông qua nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ nông dân từ nghèo vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng như: Gia đình anh Nguyễn Văn H., xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông) gặp nhiều khó khăn. Gia đình anh có đất rẫy, nhưng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nên hiệu quả sản xuất thấp.

Gia đình anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuy Đức giải ngân cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo. Anh còn được Hội Nông dân địa phương hướng dẫn, tập huấn chăm sóc cây trồng.

Từ đó, gia đình anh đã đầu tư đúng cách vào hơn 1,5 ha cà phê. Vườn cây phát triển tốt, năng suất cao hơn. Thu nhập của gia đình anh từng bước được cải thiện. “Vụ mùa vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được gần 5 tấn cà phê nhân. Gia đình có kinh phí trang trải con cái học hành và trả lãi, gốc cho ngân hàng”, anh H. cho hay.

Còn gia đình chị Hoàng Thị T., cũng ở xã Đắk Búk So, đang nỗ lực thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Đầu năm 2020, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với số vốn này, chị T. mua dê giống, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Tận dụng nguồn thức ăn tại vườn, từ 6 con dê giống, nay đã phát triển lên 18 con. Mỗi năm, chị xuất bán 2 lứa dê, mang lại nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay từ Ngân hàng chính sách từ chăn nuôi

Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay từ Ngân hàng chính sách từ chăn nuôi

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, đơn vị đang ủy thác nguồn vốn trên 140 tỷ đồng, với 3.600 hội viên vay vốn. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn hiệu quả. Thông qua Hội Nông dân, nhiều hội viên được đáp ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi. Cùng với hỗ trợ vay vốn, Hội Nông dân còn đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.

Theo Hội Nông dân tỉnh, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là “kênh” cực kỳ quan trọng. Thông qua nguồn vốn này, nhiều hội viên thuộc các cấp hội trên địa bàn được đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khâu bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn được các cấp hội giám sát kỹ càng. Nhờ đó, hầu hết hội viên sau khi được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại kinh tế cao.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình hội viên giải quyết được vấn đề tài chính như: cho con ăn học; cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; cải thiện điều kiện sinh hoạt; nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển chăn nuôi, trồng trọt…

Tính đến hết tháng 7/2022, dư nợ ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh qua Hội Nông dân tỉnh đạt 935 tỷ đồng. Tổng số tổ Tiết kiệm và Vay vốn do Hội Nông dân quản lý là 414 tổ, với 18.213 tổ viên còn dư nợ.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh