Đắk Nông thực hiện đầu tư trọng điểm giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 16:01 - 17/07/2023
Đầu tư cho huyện nghèo và vùng dân tộc thiểu số
Đắk Nông đạt được công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là do chủ trương, đường lối đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các huyện nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Bên cạnh đó, quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện một số hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; ưu tiên các công trình sử dụng nguyên, vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.
Tỉnh đã phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
Lồng ghép nguồn lực xóa đói giảm bền vững
Để huy động nguồn lực xóa đói giảm nghèo, ngoài ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung với các dự án, nội dung thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các huyện nghèo. Cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2020/N-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện chương trình. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định hiện hành về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thông tin truyền thông về giảm nghèo đa chiều; tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, quản lý mô hình, dự án sinh kế. Có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người học nghề thuộc đối tượng của chương trình.
Áp dụng thống nhất các cơ chế, quy trình trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn; đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.
Áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; mở rộng, tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của chương trình,; bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động
Tỉnh Đắk Nông chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.
Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Từ việc triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống 7,97% năm 2022. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,55%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,45%.
Trong năm 2023, phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng nghèo, vùng khó khăn. Xây dựng chuẩn các chương trình, học liệu; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
Điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn. Đắk Nông sẽ hỗ trợ nhà ở cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung của địa phương giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. Tỉnh sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo với phương châm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn…