THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:10

Đắk Lắk, nhiều vụ đuối nước thương tâm

Ngày 5/6, lãnh đạo Trường THCS Chu Văn An (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thầy cô và các học sinh đã đến nhà 3 học sinh lớp 6 chết đuối để thăm hỏi, động viên, chia sẻ cùng gia đình.

Sự việc xảy ra vào ngày 4/6, các em M.C.T., N.T.B.H. và T.T.K.A. (nữ sinh lớp 6, trường THCS Chu Văn An) dự lễ tổng kết năm học ở trường. Trên đường về nhà, các em rủ nhau ra khu vực suối Ót (thuộc thôn 5, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) chơi, không may bị trượt chân rơi xuống vùng nước sâu, khiến cả 3 đều tử vong.

Phát hiện vụ việc, người dân đã vớt, đưa thi thể các em lên bờ, giao cho gia đình tổ chức mai táng.

Trước đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7/5, sau khi 3 cha con anh Nguyễn Văn Trường ở buôn Kõ Mông A, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đi cắt cỏ bò về, 2 em Nguyễn Văn N., học lớp 5B và Nguyễn Văn H., học lớp 3B, trường tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin xin cha cho đi câu cá tại ao của 1 hộ dân cùng buôn, cách nhà khoảng 500m.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, em Nguyễn Văn A., học sinh lớp 4C con của anh Nguyễn Văn Trường xin phép cha đến chỗ anh N. và em H. để câu cá. Đến khoảng 19 giờ, chờ mãi không thấy các con về, gia đình anh Trường đi tìm.

Đến khoảng 20 giờ 15 phút cùng ngày, mọi người tá hỏa khi thấy mấy đôi dép của các em trên bờ ao và phát hiện cả 3 em bị đuối nước tử vong.

Theo thống kê của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2018 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 242 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra 11 vụ đuối nước khiến 21 trẻ em tử vong, trong đó có 2 vụ, mỗi vụ có 2 trẻ tử vong, 4 vụ, mỗi vụ có 3 em tử vong…

Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn. Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em, nhưng nguyên nhân chính là do trên địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ được người dân thuê xe múc để dự trữ nước phục vụ tưới tiêu các loại cây công nghiệp vào mùa khô, nhưng không được rào chắn, cắm biển cảnh báo.

Trong khi đó, đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cha mẹ mải mưu sinh không có thời gian quản lý, chăm sóc con cái, thời tiết ở Đắk Lắk đang mùa nắng nóng, trẻ em ở nhà không ai trông coi nên rủ nhau ra ao hồ, sông, suối chơi, bắt ốc, tắm nhưng không có kỹ năng bơi lội… dẫn đến đuối nước thương tâm.

Ảnh minh họa nơi đã xảy ra đuối nước tại tỉnh Đắk Lắk

Ảnh minh họa nơi đã xảy ra đuối nước tại tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Tuyết cho biết: Để phòng, chống đuối nước trẻ em, công tác tuyên truyền cũng như việc dạy các kỹ năng an toàn cho trẻ là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần đặc biệt quan tâm quản lý, giám sát con em mình, nhất là những ngày hè nắng nóng, đồng thời trang bị cho con kiến thức, kỹ năng sống, an toàn trước tai nạn đuối nước.

Đối với các cấp, ngành, các trường học trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn và tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ, nhất là trong những ngày nghỉ hè để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng. 

Trước thực trạng các vụ đuối nước liên tục xảy ra thời gian gần đây, đặc biệt hiện nay các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh