THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:12

Đắk Lắk: Lập sở chỉ huy sẵn sàng di dân khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng

Chiều 30/11, ông Nguyễn Thế Thập - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện M’đrắk (Đắk Lắk) cho biết, UBND huyện đã lập sở chỉ huy phòng chống lụt bão, đặt tại xã Cư San để sẵn sàng di dời dân khỏi khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng đang thi công do nước đang dâng cao, có gần 100 cán bộ, chiến sĩ (gồm công an, quân đội, huyện đoàn, công đoàn huyện M’đrắk) đã có mặt tại từng vị trí được phân công để triển khai phương án di dời dân cùng tài sản nếu có ngập lụt.

Lãnh đạo UBND huyện M'đrắk khảo sát mực nước tại lòng hồ dự án thủy lợi (Ảnh báo TP)

Lãnh đạo UBND huyện M'đrắk khảo sát mực nước tại lòng hồ dự án thủy lợi (Ảnh báo TP)

Theo đó: Lượng mưa từ ngày 27 đến ngày 30/11/2021 đo tại các trạm, cao nhất là huyện M’Drắk từ 163,6 - 253,8 mm, huyện Ea Kar từ 151,4  - 165,6 mm, huyện Krông Năng 127,4 mm, huyện Krông Bông 118,8 - 126,6 mm… Mưa lớn đã gây lũ, ngập lụt cục bộ ở các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Năng. 

Tại huyện M’Drắk, mưa to xuất hiện từ ngày 27/10 đến nay, lượng mưa đo được 213,6 mm, riêng tại xã Cư San, lượng mưa hơn 141 mm. Trên địa bàn huyện đã có 1 người chết và 1 người mất tích. Ngoài thiệt hại về người, mưa to khiến nhiều diện tích hoa màu, ao nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ngầm tràn, cầu và nhiều đường giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở, ngập, gây chia cắt. Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện M’Drắk đã chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo tại những nơi nguy hiểm. Đồng thời, bố trí lực lượng tổ chức gác chặn, hỗ trợ người và phương tiện qua lại an toàn.

Đang trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó với thiên tai tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Nguyễn Đức Thảo cho biết, khu vực này nước lũ đang tiếp tục lên. Lực lượng của huyện có 95 người gồm công an, bộ đội, đoàn thanh niên… cùng trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn túc trực thường xuyên, sẵn sàng sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại huyện Ea Kar, hiện nay tại hầu hết các hồ chứa trên địa bàn mực nước đã dâng cao qua tràn xả lũ từ 0,2 - 0,5 m, nước tại các sông, suối dâng cao gây ngập lụt cục bộ tại các xã phía Đông và Đông – Nam. Theo ghi nhận tại địa phương, một số nhà dân đã bị nước ngập vào nền nhà khoảng 20 - 40 cm, nhiều diện tích cây trồng thuộc khu vực trũng bị ngập trong nước, đặc biệt nhiều đoạn đường giao thông bị ngập sâu, xói lở.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar cho biết, mực nước sông Krông Pắc đang tiếp tục lên nhanh, địa phương đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không cho người và phương tiện lưu thông qua lại đoạn cầu Thống Nhất.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn túc trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra; theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến tình hình thời tiết; rà soát các vị trí ngập lụt, đặt các biển cảnh báo nguy hiểm và cử lực lượng trực để hướng dẫn người dân không đi qua các đoạn đường bị ngập. Bên cạnh đó, UBND các xã và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi mực nước tại các hồ chứa, tổ chức vận hành, điều tiết nước kịp thời bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du…

Tại sở chỉ huy phòng chống lụt bão

Tại sở chỉ huy phòng chống lụt bão

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngoài địa bàn huyện Ea Kar và M’Drắk, tình hình mưa lũ cũng diễn biến phức tạp tại các huyện Krông Bông, Krông Năng… khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ gây chia cắt giao thông. Các địa phương đang chủ động ứng phó với mưa lũ và kiểm tra thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.

Để chủ động phòng, chống thiên tai, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị tắc nghẽn và kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn; tổ chức lực lượng để canh gác, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục, đảm bảo giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh