THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:22

Mưa lũ gây ngập lụt, thiệt hại cho các tỉnh Nam miền trung, Tây nguyên

Video cứu nạn nhân tại tỉnh Đắk Lắk (Người dân cung cấp)

Theo đó mưa lớn đã tàn phá nặng nề ở tỉnh Bình Định, mưa lũ đã gây ngập lụt trên 1.200 nhà dân, khiến 1 người phụ nữ làm rẫy bị cuốn tử vong, hàng ngàn mét đường giao thông, bờ sông, kênh mương…bị lũ tàn phá.

Tối ngày 29/11, Ban Chỉ hủy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có thông tin về tình hình thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra tại tỉnh này. Mưa lớn, kèm lũ từ thượng nguồn về cũng lúc khiến cho nhiều vùng dân cư hạ du các sông Hà Thanh, Kôn, La Tinh, Lại Giang… bị ngập lụt, chia cắt.

Đến chiều tối cùng ngày, toàn tỉnh Bình Định có trên 1.200 nhà dân các huyện Tuy Phước, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, TP Quy Nhơn bị ngập lụt, chia cắt. Mưa lũ khiến cho gần 20.000 học sinh không thể đến trường. Tại huyện Hoài Ân, mưa lớn kèm theo lũ khiến cho 797 nhà dân các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ bị ngập lụt. Các đập dâng tại xã Đăk Mang bị bồi lấp, trên 1.500m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, nhà trạm bơm Tân Sơn – Ân Hảo Tây bị nứt gãy có nguy cơ sập cùng hơn 1.000m bờ sông, đường giao thông, tường rào nhà dân bị sập đổ, sạt lở.

Người dân xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lội qua con đường bị ngập lụt trở về nhà. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Người dân xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lội qua con đường bị ngập lụt trở về nhà. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Đến ngày 30/11, mưa lũ vẫn gia tăng ở tỉnh Bình Định, lượng mưa phổ biến từ 100 – 200mm, có nơi trên 300mm. Hiện, mực nước lũ trên các sông trong tỉnh dao động mức báo động 2, 3, trên mức báo động 3.

Tại tỉnh Phú Yên: Lũ ở tỉnh Phú Yên đang lên nhanh, gây ngập hàng trăm căn nhà, cô lập nhiều khu dân cư, gây ách tắc hàng loạt tuyến giao thông trọng yếu.

Đến sáng ngày 30/11, trao đổi với PV, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), đã có gần 500 căn nhà ở địa phương này bị ngập nước, nhiều nhất tại các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam. Trong khi đó, lũ ở địa phương này đang lên nhanh, uy hiếp hàng ngàn hộ gia đình, chính quyền các địa phương huyện Đồng Xuân đã chuẩn bị sơ tán gần 1.000 hộ gia đình ở các vùng trũng thấp, ven sông, có nguy cơ sạt lở. “Hiện nhiều xã, khu dân cư ở Đồng Xuân đã bị lũ cô lập. Hai đường tỉnh từ thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An đi Đồng Xuân đều bị tê liệt do nhiều đoạn ngập sâu trong nước, các phương tiện đường bộ không thể qua lại”- ông Chánh thông tin.

Thông tin từ huyện Tuy An cho biết lũ đã gây ngập nhiều khu dân cư tại các xã An Định, An Nghiệp, An Thạch… Nhiều đường giao thông bị lũ chia cắt, gây ách tắc giao thông. Nhiều khu dân cư ở huyện Tây Hòa cũng bị lũ cô lập. Khu vực cầu Bến Nhiễu thuộc xã Hòa Mỹ Tây, cầu Bến Trâu thuộc Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa bị ngập 1,-1,6 m.

Lũ tràn vào các khu dân cư ở huyện Đồng Xuân. Ảnh: MINH KHÔI

Lũ tràn vào các khu dân cư ở huyện Đồng Xuân. Ảnh: MINH KHÔI

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên thông tin lũ tại nhiều địa phương ở tỉnh này đang lên, gây ngập nhiều khu dân cư, chia cắt nhiều tuyến giao thông trọng yếu. Các đường tỉnh 642 đoạn từ cầu sắt La Hai đi qua sông Con bị ngập 1 m, đường tỉnh 642 đoạn cầu Cây Sung thuộc xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân ngập 1,2 m, đường tỉnh 647 đoạn từ ngã ba Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 đi trạm giam Xuân Phước, thuộc xã Xuân Phước bị ngập 0,8m, đường tỉnh 641 đoạn từ thị trấn La Hai đi huyện Tuy An bị ngập 0,8 m. Lũ đã gây sạt lở hơn 200 m mái ta luy bờ kè chống sạt lở sông Ba đoạn qua thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa.

Tại tỉnh Đắk Lắk: Hai ngày qua, 3 người dân huyện M'đrắk gặp nạn khi đi qua suối, bị nước cuốn trôi. Một người may mắn sống sót khi bám được vào bụi cây, 2 người còn lại bị cuốn trôi mất tích và tử vong.

Ngày 29/11, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện M’đrắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã tìm thấy thi thể người phụ nữ rơi xuống suối. Trước đó, vào 9 giờ sáng cùng ngày, bà L.T.P. (57 tuổi, trú thôn 10, xã Cư San) cùng chồng đi qua chiếc cầu gỗ nối xã Cư San với xã Cư Bông (huyện Ea Kar) để cắt cỏ cho đàn gia súc; khi đi qua cầu, bà P. không may bị trượt chân rơi xuống suối. Người chồng không biết bơi nên chạy về gọi người làng đến cứu.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng xã Cư San tổ chức tìm kiếm, đến khoảng 3 giờ 30 phút chiều 29/11, thi thể bà P. đã được tìm thấy. UBND huyện M’đrắk đã cử đại diện đoàn thể đến chia buồn và hỗ trợ gia đình lo hậu sự.

Trước đó trong ngày 28/11, tại huyện M'đrắk cũng xảy ra 2 vụ người dân bị rơi suối. Vụ đầu tiên xảy ra vào buổi sáng, người gặp nạn là chị Sùng Thị Súng (38 tuổi, ở xã Cư Króa). Trên đường đi làm rẫy về, chị Súng đi qua con suối thuộc địa bàn thôn 9 thì bị nước cuốn trôi. Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nhưng đến nay chưa thấy.

Một vụ việc hy hữu khác diễn ra chiều qua nhưng nạn nhân sống sót. Người phụ nữ đi xe máy từ xã Krông Á qua cầu tràn ở buôn Trưng (xã Krông Jing) thì bị nước chảy xiết cuốn trôi xuống suối. Rất may, người phụ nữ này đã bám được vào 1 gốc cây, sau đó được người dân xung quanh tới ứng cứu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kon Tum: Đến ngày 30/11, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở một vài điểm tuyến đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông gây ách tắc giao thông. Tại tuyến đường Trường Sơn Đông có 2 vị trí bị sạt lở nằm ở Km193+000 và Km 203+550 (địa phận xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) với khối lượng đất đá sạt lở hàng nghìn khối, gây tắc đường hoàn toàn. Sau đó, đơn vị quản lý đường là Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Kon Tum đã huy động lực lượng, máy móc để nạo vét, khơi thông. Đến 10 giờ 30 cùng ngày, đoạn bị sạt lở đã được thông xe 1 làn. 

Theo ông Nguyễn Quảng- Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Kon Tum  (đơn vị quản lý tuyến đường) mưa lớn cũng làm sạt lở ta luy dương ở Km1409+040 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) với khối lượng hàng trăm khối đất đá tràn mặt đường, gây tắc giao thông hoàn toàn. Đây là tuyến đường huyết mạch từ Kon Tum xuống Quảng Nam nên đơn vị đã dốc toàn lực để khắc phục. Đến 15 giờ cùng ngày, vẫn chưa thể thông xe.

“Việc khắc phục gặp khó khi trời đang mưa lớn. Đơn vị sẽ cố gắng huy động máy móc, con người thông xe sớm nhất có thể”- ông Quảng nhấn mạnh.

Đơn vị quản lý đường tiến hành khắc phục sạt lở. Ảnh: VP

Đơn vị quản lý đường tiến hành khắc phục sạt lở. Ảnh: VP

Tại tỉnh Ninh Thuận: Trong 2 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to làm cho một số địa phương thấp ở Ninh Thuận bị ngập lụt cục bộ, nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị ngập sâu trong nước.

Tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, hàng trăm nhà dân bị ngập trong nước từ 25-70cm, gây nhiều khó khăn cho giao thông. Một số hộ dân phải dùng máy bơm để hút nước từ trong nhà ra đường.

Còn tại huyện Thuận Nam, mưa lớn khiến hơn 200 ha lúa vụ Đông Xuân vừa mới gieo xạ ở xã Phước Nam bị ngập trong nước. Nước lũ dâng cao, tràn vào nhiều khu vực như: Chợ thôn Văn Lâm 3, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, tràn qua nhiều đoạn đường liên xã, gây không ít khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Ngoài ra, mưa lớn đã làm 439 căn nhà của người dân ở huyện Ninh Hải ngập sâu trong nước, hơn 600 ha lúa và hoa màu bị ngập, nhiều đoạn kênh mương bị sạt lở. Địa phương đã di dời 65 hộ với 138 nhân khẩu ở khu vực thấp trũng đến nơi an toàn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mưa lớn những ngày qua đã làm tăng nhanh lượng nước ở các hồ chứa. Hiện nay, đã có 17/22 hồ chứa lượng nước đã tràn tự do, trong đó, nhiều hồ buộc phải xả lũ với lưu lượng vừa phải nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ đập, an toàn vùng hạ lưu. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đề nghị, chính quyền các địa phương kịp thời thông tin cảnh báo đến tất cả đối tượng bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó, đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo tại các tràn, tuyến đường ngập lụt, khu vực sạt lở

LN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh