Đắk Lắk: Hạnh phúc trọn vẹn nhờ nguồn vốn ưu đãi
- Dược liệu
- 02:28 - 23/08/2023
- Đà Nẵng: 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ giải quyết kịp thời
- Gần 17.500 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm trong quý I/2023
- Hơn 23.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn
- Huyện CưM'gar (Đắk Lắk): Tuyên truyền cách tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm & vay vốn
Các chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người lao động thuộc người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… tạo điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ nâng cao được tay nghề, rèn luyện tính kỷ luật, tích lũy kinh nghiệm cũng như nâng cao hiểu biết. Khi về nước, có nguồn vốn nhất định để đầu tư vào sản xuất kinh doanh - điều khó có thể thực hiện được nếu họ không đi làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã cho 11 người lao động vay vốn để đi làm việc nước ngoài với số tiền 1.089 triệu đồng. Số dư nợ của chương trình cho vay đi làm việc ở nước ngoài là 1.806 triệu đồng với 23 khách hàng còn dư nợ. Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các chính sách cho vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài đã giúp các hộ gia đình chính sách có điều kiện cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Nguồn vốn cho vay của chương trình được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua tìm hiểu phóng viên gặp lại Y Vươn Êban, tại buôn Sút Mgrư, xã cư Suê, huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk, sau cơn mưa chiều bất chợt của Tây Nguyên, ở ngôi nhà mới khang trang được xây từ số tiền tích góp sau thời gian đi làm việc tại Nhật Bản trở về, nụ cười vẫn luôn trên môi Y Vươn trong suốt cuộc nói chuyện trao đổi cùng nhau. chia sẻ câu chuyện của mình trong niềm vui và hạnh phúc. Em nói: “Đầu năm 2018, em được thông báo trúng tuyển đi làm việc tại Nhật Bản, trước tiên là làm thủ tục học tiếng, học nghề rồi đến giữa năm sẽ bay sang Nhật. Kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, bố mẹ phải bán đi cặp bò để em làm thủ tục và nhập học ở Quy Nhơn. Sau thời gian đào tạo em đã được công ty bên Nhật nhận vào làm việc xây dựng công trình. Nhưng nghĩ đến khoản tiền còn phải lo hoàn tất các thủ tục, số tiền còn nợ trung tâm đào tạo, tiền vé máy bay, …số tiền cả hơn 50 triệu, làm em trăn trở. Trước đó đã bán đi cặp bò rồi, giờ chỉ có bán đất mới có tiền, mà nếu bán đất đi thì bố mẹ và các em ở nhà làm gì, lấy gì mà sống, cả nhà đang sống nhờ có 3 sào đất đó thôi. Em chia sẻ khó khăn với mọi người trong nhà và họ hàng, may mắn được chú Y Khép Êban làm tổ Tiết kiệm vay vốn nói Ngân hàng chính sách xã hội huyện có chương trình cho vay đi xuất khẩu lao động.
Sau khi gặp cán bộ ngân hàng hướng dẫn để làm thủ tục vay vốn, em cảm thấy nhẹ cả người. Sau đó em được duyệt cho vay 50 triệu đồng, với số tiền đó đủ để em sang đến nơi yên tâm làm việc với mong muốn mình phải kiếm được tiền để không những trả nợ mà còn phải xây được nhà mới, tích lũy thêm để sau khi về nước có nguồn tạo dựng kinh tế cho bản thân và gia đình. Chỉ sau nửa năm em đã gửi trả hết số tiền nợ họ hàng và ngân hàng, em không muốn mang nợ, vì cứ nghĩ đến mình còn nợ là em vẫn còn trăn trở lắm nên em nói bố mẹ phải trả nợ trước đã. Trả hết các khoản nợ em như có thêm động lực để làm việc nơi xứ người.”
Trao đổi cùng Y Vươn, Mình như thấy được niềm vui khôn xiết trong ánh mắt và nụ cười của Y Vươn, làm cho Mình cũng vui lây. Y Vươn còn chia sẽ thêm, em mới cưới vợ hồi cuối năm ngoái, vợ em cũng là người yêu của em đã chờ em suốt thời gian em ở nơi xứ người. Vậy là bây giờ ngoài trang trại vườn ao chuồng tạo dựng từ số tiền đi xuất khẩu lao động, em có nhà, có vợ, sắp có con nữa. Hiện tại với em đó là trọn vẹn.
Tại xã Cư Dliê M’nông huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk, có không ít hộ gia đình cũng nhờ được “tiếp sức” kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi để XKLĐ đã ra nước ngoài làm việc, có cuộc sống ổn định. Đơn cử trường hợp anh Y Yin K'đoh (dân tộc Êđê), tháng 11/2020, được giải ngân 90 triệu đồng để sang Nhật Bản làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp chế biến; với thu nhập tốt, anh từng bước chi trả tiền vay và tích lũy cho gia đình.
Xác định chương trình cho vay XKLĐ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho người dân, góp phần giảm nghèo ở địa phương, thời gian qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đã giải quyết kịp thời các thủ tục hỗ trợ người lao động có nhu cầu vay vốn. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị này đã giải ngân hơn 1,5 tỷ đồng cho 16 khách hàng vay vốn XKLĐ tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar Võ Ngọc Hãn cho biết, chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài triển khai tại địa phương nhận được sự đánh giá cao từ người dân có nhu cầu XKLĐ. Hầu hết các khách hàng vay vốn đều có công việc ổn định tại nước ngoài, với mức thu nhập khá. Điều này đã tạo ra tín hiệu tích cực để lan tỏa vốn vay ưu đãi đến với người lao động khó khăn trên địa bàn, tạo “đòn bẩy” giúp người lao động có việc làm, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar tiếp tục vào cuộc, lồng ghép vào các hội nghị của ngành chức năng, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và nắm rõ những thông tin mới về nguồn vốn vay XKLĐ; đồng thời triển khai cho vay kịp thời theo quy định, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay của các lao động đã vay vốn...
Ngày 27/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 39-CTr/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu, triển khai việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động phù hợp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác này trên địa bàn.