CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:22

Đại thụ biết “nghe” lời ước

 

Người ta tin rằng khi thì thầm nguyện cầu một điều gì đó vào “tai” của cây thì điều ước sẽ thành hiện thực. 

Theo các nhà khoa học, cây này được vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây dã hương lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larousse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille (Pháp) năm 1932; được Trường Viễn Đông bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam. Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp cây dã hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa...). Theo tính toán, gốc cây dã hương to đến 8 người ôm, còn theo những người làm công tác nghiên cứu thì vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m. Lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Tán cây dã hương xòe phủ kín mái đình Tiên Lục, tạo ra một cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa dã hương thường nở vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ lan.

Đặc biệt hơn, không biết từ bao giờ, nhiều đoàn du khách đến đây đã truyền tai nhau rằng, cây dã hương này có một chiếc “tai” lớn, hễ ai ước điều gì thì cứ ghé vào đó mà thì thầm một cách thành tâm sẽ rất linh nghiệm. Chẳng biết thật hư ra sao nhưng qua câu chuyện với ông Nguyễn Văn Đề, người trông coi khu di tích đình Viễn Sơn và cây dã hương này chúng tôi biết được, các đoàn khách đến thăm cây đều thể hiện sự tôn kính, trang nghiêm. Nhiều khách đã tựa vào thân cây hay có lúc nằm dưới tán lá như để lĩnh hội những “khí thiêng” của đại thụ.  Đặc biệt cũng có người để lại đây những điều ước, họ ghé vào cây mà khấn cầu, sau đó thấy linh nghiệm vì điều ước đó đã hành hiện thực nên đã quay lại làm “lễ tạ”.

 

Cây dã hương nghìn năm tuổi ở Bắc Giang.

Theo tính toán của ông Đề, mỗi tuần có đến 300 lượt khách về chiêm bái, hít “linh khí” cây cổ thụ. Vào mùa hoa nở tháng 4, số lượng người dân đổ về đây tăng lên gấp đôi. Ông Đề chia sẻ: “Không biết mọi người nghe thông tin từ đâu, họ đến đây rồi bảo rằng cây dã hương tỏa “linh khí”. Năm nào cũng vậy, có nhiều đoàn còn liên hệ từ trước, xin phép chúng tôi cho họ được đến gần gốc dã hương chỉ để ngồi thiền. Người thì nằm dài dưới đất, người tựa lưng hay ôm vào gốc cây. Có những đoàn còn thiền bằng cách “trồng cây chuối”. Cứ như thế, họ bất động và thả lỏng cơ thể hàng giờ quanh cây dã hương nghìn tuổi. Chúng tôi ở đây tuyệt đối không tuyên truyền mê tín dị đoan, hoạt động thờ cúng hay thắp hương xung quanh gốc cây dã hương cũng không được phép. Tuy nhiên, người dân đến để ngồi thiền, hay họ thăm quan, chiêm ngưỡng thì chúng tôi hoàn toàn không ngăn cấm”.

Bản thân ông Đề và người dân Tiên Lục luôn có một niềm tin rằng, cây cũng là một sinh vật có linh hồn, hơn nữa đã là cổ thụ ngàn năm, cây chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc nên đáng được trân trọng, nâng niu. Bởi vậy mà mọi người thường gọi là “cụ cây” và luôn quan niệm đó là một “linh vật”, cây còn xanh tốt thì dân làng còn thịnh vượng.

Một điều lạ khó giải thích mà mỗi khi đến đây du khách đều được ông Đề kể say sưa, là các cành lớn của cây dã hương chưa bao giờ gãy vì dông bão, hay mưa to gió lớn, mà cứ tự nhiên đang yên lành lại gãy. Mỗi lần cây dã hương đại thụ gãy một cành là một lần tương ứng với những dịp trọng đại của đất nước.

Ông Đề đưa ra hàng loạt dẫn chứng: Năm 1945, cành dã hương lớn phía đông bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công và Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1954, cành phía tây bên dưới gãy là năm miền Bắc hòa bình. Năm 1964, khi sự kiện vịnh Bắc bộ xảy ra thì một cành dã hương phía nam cũng gãy. Khi đất nước thống nhất vào năm 1975, cành phía tây bên trên gãy... Đặc biệt, đúng 3 giờ 5 chiều 22/10/2005, cành phía nam ở đỉnh ngọn gãy thì 16 ngày sau, ngày 7/11, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Trong quyển sổ ghi chép những sự kiện liên quan đến cây dã hương, người ta ghi sự kiện này là “cành hội nhập”.

 

Du khách đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng cây còn đến để lĩnh hội “khí thiêng” từ cây.

Sở dĩ cây dã hương tồn tại lâu đời như vậy cũng là do ý thức bảo vệ của người dân trong làng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Năm 1978, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một bức tường phía tây nam gốc cây để tránh lở đất và xói mòn. Hiện nay, mỗi ngày đều có người tưới nước, bắt sâu, bọ cho cây. Trải qua hàng ngàn năm, cây dã hương vẫn đứng sừng sững, hiên ngang vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết và cả sự hủy diệt của bom đạn chiến tranh. Làng xóm bị trúng bom đổ nát, thân cây cũng chịu nhiều thương tích với hàng trăm mảnh bom đạn nhưng đến nay nó vẫn xanh tươi. Con người bị chinh phục và kinh ngạc bởi sức sống kiên cường, mãnh liệt của nó. Cây dã hương Tiên Lục là biểu tượng cho vấn đề bảo vệ sinh thái để toàn tỉnh Bắc Giang phấn đấu trở thành một tỉnh “xanh, sạch, đẹp” dựa trên những tiềm năng sẵn có. 

 

“Với người dân xã Tiên Lục, dã hương nghìn tuổi không chỉ là một cây cổ thụ quý hiếm mà nó còn ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Vì thế, mỗi khi có vấn đề gì đó xảy ra với cây dã hương, mọi người lại mất ăn, mất ngủ”, cụ Nguyễn Văn Nhiên, bậc cao niên trong làng cho biết.

NGUYỄN HƯỞNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh