THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:01

Đại tá Vũ Văn Ngạch: Người đứng đầu Lữ đoàn cận vệ

Là một nhà báo trẻ nhưng tôi may mắn được biết và được nhiều đàn anh trong làng báo, làng văn yêu mến và cho ngồi hầu chuyện các bác. Nhiều buổi hầu rượu, hầu chè cho các bác, tôi được nghe, được biết nhiều chuyện, nhiều con người của thế hệ trước mà không phải nhà báo nào cũng có diễm phúc như thế. Câu chuyện dưới đây là một thú vị…

Vừa đi làm về đến nhà, cởi bộ quần áo thì chuông điện thoại di động của tôi reo. Số điện thoại của nhà văn Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội, nơi tôi công tác. Tưởng bài viết của mình có vấn đề gì tôi vội vàng nghe máy: “Anh ạ! Bài viết của em có gì không ổn phải không ạ?”. “Không, anh vừa duyệt xong số báo, đi nhà in rồi. Em rảnh thì chạy ra hồ Thuyền Quang uống bia cùng anh với một anh bạn cùng làng hiện đang làm Phó biên tập Tổng Tạp chí Cộng sản. Anh ý nói biết em và đã từng ngồi với em”.

Tới nơi, tôi thật bất ngờ hóa ra anh Vũ Văn Hà, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản lại là người cùng làng, không những thế lại còn là em họ của nhà văn Nguyễn Thành Phong. Hai anh em đang giữ trọng trách quan trọng của hai tờ báo nên câu chuyện của họ xoay quanh công tác báo chí. Nhất là khi có Nghị quyết trung ương 10, khóa XI của Đảng về công tác báo chí.

Hết câu chuyện về báo chí, hai anh em họ lại chuyển sang chuyện về những kỷ niệm, về  gia đình, về làng quê

Dù đã biết anh Hà khá lâu, nhưng khi ngồi nghe anh Phong và anh Hà nói chuyện tôi mới biết anh Hà là con trai của Đại tá Vũ Văn Ngạch, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn cận vệ 144 (thuộc Bộ Tổng tham mưu), Lữ đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước.


Đại tá Vũ Văn Ngạch

Nhắc đến Đại tá Vũ Văn Ngạch, anh Phong nói: “Đến bây giờ mẹ tôi vẫn luôn nhắc đến với sự kính trọng và biết ơn chú Ngạch. Mẹ tôi kể, cái thời nạn đói năm 1945, khi đó để cứu đói, ở làng có đợt phát chẩn. Mỗi người chỉ được một nắm cơm nắm “chim chim”, mẹ tôi cũng được chia. Khi bà vừa cầm được nắm cơm, chưa kịp ăn thì bị người khác giật mất. Thấy thế chú Ngạch đã đuổi theo và dành lại nắm cơm cho mẹ. Đến bây giờ, mẹ anh vẫn bảo, nếu không có chú Ngạch giành lại miếng cơm hôm đó, chắc mẹ đã bị chết đói rồi”.

Chất nghĩa hiệp đó gần như là máu và chất của người Đô Lương. Cái tính cách đó cũng dễ hiểu vì người Đô Lương đi ra ngoài làm ăn từ rất sớm. Bởi, đây là một xã hoàn toàn thuần nông, ruộng đã ít lại bị nhiễm phèn chua nên ngoài trồng lúa không thể trồng được cây trồng gì khác thay thế. Trước cách mạng, nếu có được chia ruộng công điền thì chỉ đàn ông, thanh niên mới được chia. Đàn bà, con trẻ không có ruộng nên sau khi được chia ruộng thì để cho vợ con làm. Còn đàn ông, thanh niên đi ra các tỉnh buôn bán, làm thuê. Đến tháng 5 hàng năm thì họ về xã lãnh thẻ thân, mỗi lần như vậy phải nộp 25 đồng Đông Dương, rồi lại đi làm.

“Đàn ông Đô Lương tính nóng, không chịu áp bức. Chính vì vậy, khi cán bộ cách mạng về làng vận động tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến để cứu nước thì nhiều thanh niên đã theo cách mạng ngay” - Ông Vũ Văn Tường  (năm nay 90 tuổi) nguyên Chủ tịch xã Đô Lương thời kỳ 1965 – 1977 và là em trai của Đại tá Vũ Văn Ngạch cho biết.

Nhớ về người anh của mình, cụ Tường cho biết: Ông bà cụ thân sinh của ông sinh hạ được ba người con, ông Ngạch là con cả. Nhà nghèo nhưng các cụ thân sinh của ông vẫn cố cho các con được ăn học. Ông Ngạch được học hết lớp 6. Sau khi học hết lớp 6, ông Ngạch đã cùng thanh niên làng, trong đó có cha của nhà văn Nguyễn Thanh Phong, đi ra Hải Phòng buôn bán, kiếm việc và làm kem để bán.

“Tôi nhớ vào một buổi tối cuối năm 1944, có anh Rạng là đảng viên (anh Rạng chính là đồng chí Đinh Linh, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thái Bình) đến nhà tôi vận động anh Ngạch đi tham gia giết giặc Nhật. Anh Ngạch cùng một số thanh niên trong xã đã tham gia. Sáng hôm sau, anh Ngạch về nói là thành công rồi và kể đêm hôm đó các anh  đã giết được một thằng Nhật tại Cống Vĩnh, thôn Thọ Vực, xã Hoa Nam và vận động quần chúng phá kho thóc để chia cho nhân dân” - Ông Tường nhớ lại.

Sau sự kiện đó, ông Ngạch xuống Thái Bình tham gia quân đội, cho đến năm 1954 khi hòa bình lập lại ở miền Bắc ông mới trở về thăm nhà. Khi ông trở về, thì người vợ mà bố mẹ ông đã cưới trước khi ông tham gia quân đội, do không biết tin tức gì của ông đã bỏ đi lấy chồng khác. Sau này, người vợ cũ của ông và chồng đã trở thành con nuôi của hai cụ thân sinh ra ông.

Sau lần trở về đó, ông lại đi biền biệt hết chiến trường này, đến chiến trường kia, kinh qua giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội.

Nhớ về người cha của mình, PGS.TS Vũ Văn Hà kể: “Ông là một người rất trách nhiệm, yêu thương cấp dưới và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên. Đặc biệt, làm ở một đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt nên ông tuyệt đối giữ bí mật về nhiệm vụ của mình”.

“Mình nhớ, năm đó mình lên 10 tuổi. Vào những ngày đầu tháng 9/1969, cụ đi làm về, nhìn thấy cụ rất buồn. Hỏi vì sao thì cụ chỉ nói là người không được khỏe. Đến khi, chuẩn bị Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo tin Bác Hồ mất, bữa tối hôm đó cụ mới thông báo là Bác Hồ đã mất. Sau khi thông báo xong, cụ khóc và bỏ luôn bữa cơm” - Anh Hà kể.

Là người chỉ huy một mực yêu quý quân lính như anh em trong nhà, sẵn sàng nhận mọi lỗi của anh em về trách nhiệm của mình nên Đại tá Vũ Văn Ngạch được nhiều cán bộ, chiến sỹ yêu quý như anh cả. Đến nay, dù ông đã mất nhiều năm, nhưng hàng năm vẫn có cán bộ, chiến sỹ đến nhà thắp hương cho ông trong ngày giỗ.

Với những bôn ba thời thơ ấu, ra Hải Phòng làm kem để bán, Đại tá Vũ Văn Ngạch có lẽ là người đầu tiên có ý tưởng cấp tiến “quân đội làm kinh tế”. Khi đó vào những năm 70 của thế kỷ trước, một đơn vị thuộc Lữ đoàn do ông chỉ huy đóng quân tại Ba Vì. Để cải thiện cho những bữa ăn của anh em trong đơn vị, ông đã cho ngăn một đoạn suối để anh em nuôi cá theo đề xuất của đơn vị này. Thương anh em lính vất vả, ông đã xuất xăng dầu và cho xe xúc về ngăn một đoạn suối để làm hồ nuôi cá nhằm cải thiện đời sống cho bộ đội. Nhưng rồi, chính tình thương đó của ông, ông đã bị rầy rà. Khi bị cấp trên nhắc nhở, ông nói: “Tất cả việc làm đó là trách nhiệm của tôi, tôi chịu trách nhiệm. Anh em khác không có lỗi gì”.

Hay khi sang giải phóng Campuchia, vào tiếp quản biệt thự của Quốc vương Sihanúc. Khi bước lên bậc thềm có một một viên gạch bị kênh, ông Ngạch đã nhắc anh em kiếm xi măng làm vữa để chèn lại viên gạch đó. Nhưng hồi ấy vừa giải phóng, đâu dễ kiếm xi măng.  Mấy ngày sau, ông thấy viên gạch đã bị mất và ông mới biết viên gạch đó bằng bạc. Ông đã ân hận và suy nghĩ rất nhiều và ý giải, giá như hôm đó bằng mọi cách, ông bắt gắn lại thì viên gạch đó đã không bị mất.

Rồi câu chuyện về một người phụ tá của ông khi sang Campuchia, đã nổi máu tham đã thu gom rất nhiều vàng bạc để mang về nước. Khi bị phát hiện, thì ông Ngạch lại đứng ra nhận trách nhiệm lỗi về mình do “chưa quán triệt đầy đủ tinh thần đến với anh em”, tránh cho người này bị truy tố ra tòa sau khi đã kiểm điểm kiểm thảo đến nơi đến chốn.

Tuy là người có tư tưởng cấp tiến trong việc “quân đội làm kinh tế” nhưng Đại tá Vũ Văn Ngạch lại là một con người liêm khiết, không bao giờ nghĩ cho bản thân mà luôn nghĩ cho sự nghiệp chung, lo cho anh em nhiều hơn lo cho mình và gia đình. Anh Hà kể: “Khi vào tiếp quản thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, với cương vị như ông, đơn vị bố trí hẳn một biệt thự gần sân bay Tân Sơn Nhất. Thời đó, nhiều lãnh đạo các cơ quan ở ngoài này vào, sau khi được bố trí như vậy đã ở hẳn trong những ngôi biệt thự khang trang. Nhưng ông nhất định không nhận”.

Rồi đầu những năm 1980, đơn vị có phân cho ông Ngạch một mảnh đất rộng 120 mét vuông ở mặt đường Hoàng Quốc Việt để làm nhà ở nhưng ông kiên quyết không nhận mà đề nghị đơn vị phân cho ông một căn nhà cấp 4 trong khu vực nhà kho cũ ở đơn vị. Khi vợ con thắc mắc là tại sao bố không nhận thì ông giải thích: “Nhận đất mặt đường thì mình lấy đâu tiền để xây, trả nhẽ về quê xin ít cọc tre dựng lên một túp lề như thế thì là làm làm xấu mặt đường. Trong khi nhận ngôi nhà cấp 4 thì mình có nhà để ở luôn”. Khi biết trong đơn vị có nhiều trường hợp sau khi nhận đất đã bán đi một nửa để lấy xây dựng, vợ con thắc mắc thì ông chỉ trả lời: “Bố không thể làm được như người ta”.

Là người đứng đầu một đơn vị quan trọng , chắc chắn ông cũng có tầm ảnh hưởng nhất định để giúp các con, các cháu một cơ hội công ăn việc làm. Nhưng với Đại tá Vũ Văn Ngạch, ông luôn nghiêm khắc  và chỉ định hướng cho con cháu.

Anh Phong  kể: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Lúc này mình đã có một số bài thơ, bài báo đăng trên các báo ở Hà Nội và trung ương. Lúc đó, báo Quân đội nhân dân muốn tuyển hẳn mình sau một thời gian tập sự nhưng tiêu chuẩn yêu cầu là phải nhập ngũ và là quân nhân. Mình đã tìm đến chú Ngạch để mong nhận được giúp đỡ nhưng ông thẳng thắn bảo: “Cháu hãy tự đi trên đôi chân của cháu”. Thế là mình thôi. Khi ông trả lời như vậy mình không hề thấy buồn mà càng khâm phục tính cách và con người ông. Cũng chính vì như thế nên mình có quyết tâm hơn trong công việc và thành công như ngày hôm nay”.

Không chỉ với cháu, ngay với người con trai của mình là PGS.TS Vũ Văn Hà, Đại tá Vũ Văn Ngạch cũng chỉ là người định hướng cho anh về công việc. Thời kỳ học phổ thông, anh Hà học rất giỏi về các môn tự nhiên, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh Hà định thi vào khoa Lý, Đại học Tổng hợp nhưng bố anh đã khuyên anh nên thi vào ngành Chính trị học. Bởi theo ông ngành Chính trị học là một ngành học mà từ đó các đường lối về phát triển đất nước sẽ ra đời. Do vậy, nếu học ngành Chính trị học sẽ có cơ hội giúp dân, giúp nước nhiều hơn.

Đúng như định hướng của người cha, anh Hà đã thi vào ngành Chính trị học và hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, là một đầu mối trọng yếu của Đảng trong nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn, là nơi phản biện và đề xuất những ý kiến nhằm góp phần xây dựng đường lối của Đảng để lãnh đạo và phát triển đất nước. Vai trò đó càng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi đất nước hội nhập sâu, rộng hơn trên trường quốc tế.

Hà Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh