Đài Loan sẽ gỡ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam
- Bài thuốc hay
- 21:56 - 10/03/2015
Đây có thể là một phương án để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Đài Loan sau khi Indonesia thông báo sẽ ngừng xuất khẩu lao động không có chuyên môn. Trước đó, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ Việt Nam vào tháng 5/2004 và ngừng nhận người giúp việc Việt Nam từ tháng 1/2005 do tình trạng lao động bỏ trốn nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Lao động Đài Loan Trần Văn Hùng, việc dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam là một trong những phương án của Đài Loan và cũng đang đàm phán với những nước khác về việc tiếp nhận lao động của họ. Bộ trưởng Lao động Đài Loan cũng khẳng định, trong những năm gần đây, sau khi Việt Nam bắt đầu xử phạt nghiêm khắc lao động bỏ trốn, tình hình đã được cải thiện.
Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan
Theo số liệu của Bộ Lao động Đài Loan, tính đến cuối tháng 1/2015, Indonesia là nước xuất khẩu nhiều lao động nhất sang Đài Loan, chiếm 41,6% trong tổng số 556.412 người lao động nước ngoài tại hòn đảo này (231.489 người). Tuy nhiên, vừa qua, Indonesia tuyên bố sẽ giảm dần số lượng lao động là người giúp việc xuất khẩu sang Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Macau cũng như các nước và vùng lãnh thổ khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 2017…
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện Cục và phía Đài Loan đang trao đổi một số nội dung liên quan đến việc gỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam là giúp việc gia đình và lao động thuyền viên tàu cá gần bờ để sớm có thể đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan. Theo đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan sẽ trao đổi với phía bạn những nội dung liên quan, hướng đến cuộc họp cấp Bộ trưởng vào thời gian tới, nếu đàm phán suôn sẻ, lệnh cấm có khả năng được dỡ bỏ sớm. Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu việc tiếp nhận lại lao động giúp việc và lao động thuyền viên tàu cá gần bờ là người Việt Nam được thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu một bộ phận lớn lao động Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Có thể nói, Đài Loan là thị trường gần gũi, thân thiện với người Việt Nam, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, nhưng lại là thị trường có mức lương cơ bản thuộc hàng khá trong các thị trường hiện có (lương cơ bản xấp xỉ 630 USD/tháng). Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ ở cả hai phía, lại gần về vị trí địa lý và đặc biệt dễ thích nghi và hòa nhập đối với lao động của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, năm 2014 có khoảng 60.000 lượt lao động đã đi làm việc tại Đài Loan. Sở dĩ số lượng lao động sang Đài Loan tăng mạnh trong năm qua là do những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan kể từ cuối năm 2011 đến nay, dẫn đến tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài gia tăng hằng năm. Bên cạnh đó là do tình hình cung ứng lao động của các nước khác có lợi cho phía Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp cũng rất nỗ lực trong việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động Đài Loan.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp siết chặt quản lý lao động, tập trung chấn chỉnh doanh nghiệp và kiểm soát chi phí của người lao động sang Đài Loan.
Theo đó, các doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan phải thực hiện thu phí đúng quy định với mức tối đa không quá 4.000 USD/người đối với lao động làm việc ở khu vực nhà máy, chi phí môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng 3 năm và 3.300 USD/người đối với lĩnh vực chăm sóc người bệnh, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 800 USD/người/hợp đồng 3 năm. Nếu doanh nghiệp thu vượt trần tối đa nói trên sẽ bị xử lý nghiêm khắc, trong đó cao nhất là tạm dừng đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan.