THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:58

Đại hội Đảng XIII của Đảng: Hiện thực khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường

Bài 2 - NIỀM TIN TỪ THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI CÁC CẤP

1 - Bức tranh kinh tế - xã hội của 63 tỉnh, thành phố đã được vẽ lên sau Đại hội từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc trung ương với đường nét tươi sáng, rực rỡ, đa dạng, từ kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, trồng rừng, công nghiệp chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế biển, chế biến thủy hải sản, công nghiệp cơ khí, công nghệ phần mềm, trung tâm công nghiệp chất lượng cao, thủ công nghiệp làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm tiêu biểu, đặc sản vùng miền, kinh tế vùng đồng bằng, miền núi, trung du; khu vực kinh tế trọng điểm… Tất cả đang triển khai đồng bộ hòa vào dòng chảy nền kinh tế cả nước. Trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025, mỗi đảng bộ tập trung lựa chọn từ 2 - 3 nội dung đột phá để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Đảng bộ TP. Hà Nội - Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học của cả nước xác định 3 khâu đột phá: Ưu tiên hiện đại hóa, phát tiển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc mang đặc trưng của Thủ đô; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức , viên chức; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

Đảng bộ TP. Hồ chí Minh đề ra 3 chương trình đột phá là: Đổi mới quản lý thành phố; phát triển hạ tầng thành phố; phát triển nguồn nhân lực và văn hóa. Một chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực; trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp thế mạnh, trọng yếu và giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế như: Công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, nhựa, cao su; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đại hội Đảng XIII của Đảng: Hiện thực khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường - Ảnh 1.

Thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tiền đề rất quan trọng góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng.

Đảng bộ TP. Đà Nẵng xác định đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Là một tỉnh biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chính trị, chiến lược đặc biệt quan trọng, Đảng bộ Hà Giang xác định 3 đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với trọng tâm là đề xuất xây dựng cao tốc, sân bay, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để thoát nghèo bền vững.

Nêu ra một số tỉnh, thành phố có đặc điểm tiêu biểu đã thấy bức tranh kinh tế xã hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 từ mỗi địa phương đang bứt phá vươn lên cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc. Đặc biệt, các đảng bộ đã phân tích khá sâu sắc thời cơ và thách thức, điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của địa phương để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tế, có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ 2021 - 2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn nhiều. Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển đầy tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số vàng; có không gian phát triển rộng mở với 13 hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu hiện hữu; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng…

Trong bối cảnh đó, mỗi địa phương cùng cả nước bứt phá, vượt lên. Hơn lúc nào hết, 63 tỉnh, thành phố, mỗi người dân và cộng đồng các dân tộc, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần chung ý chí vươn lên, đổi mới sáng tạo. Những đột phá, cải cách của từng địa phương sẽ cùng Nhà nước được gia tốc, kiên trì gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, kịp tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân. Thiết lập một thể chế phù hợp, bền vững, có khả năng giải phóng sức lao động và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của từng địa phương và chung của cả nước. Tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… Nghị quyết của Đại hội 63 đảng bộ tỉnh, thành phố, tiền đề cho các quyết sách của Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng.

Đại hội Đảng XIII của Đảng: Hiện thực khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường - Ảnh 2.

Đường phố rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

2- Đánh giá kết quả Đại hội Đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Điểm nổi bật của các báo cáo chính trị lần này đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; làm sâu sắc, đầy đủ hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Báo cáo kiểm điểm của các cấp ủy đã thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, ý thức cầu thị, thẳng thắn, khiêm tốn, trung thực, trách nhiệm, hạn chế tình trạng nể nang, né tránh; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; cơ bản khắc phục được tình trạng chỉ chủ yếu đề cập ưu điểm, ít dám nói khuyết điểm; và các nội dung còn trùng lặp với báo cáo chính trị. Việc nghiên cứu, thảo luận, tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp trên trực tiếp và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.

Công tác nhân sự được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy quan tâm chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ gắn với việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định Trung ương 4, 6, 7, 8 khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm từng bước đổi mới "đồng bộ, tổng thể, toàn diện, liên tục các khâu trong công tác cán bộ". Các đại hội có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự giới thiệu bầu vào cấp ủy được lựa chọn là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, uy tín, trách nhiệm cao; gương mẫu, quy tụ được sự đoàn kết; không vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, bảo thủ, trì trệ, nói không đi đôi với làm; bản thân và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả việc bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương có kết quả chất lượng rất cao. Tổng số cấp ủy viên khóa mới đã được bầu là 3.330 đồng chí, giảm 6,2% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020, vượt quy định tại Chỉ thị số 35 (giảm 5%). Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt cả về cơ cấu và trình độ. Cấp ủy viên Ban chấp hành là nữ có 523 đồng chí (15,71%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%; 34 đảng bộ đạt từ 15% trở lên, trong đó cao nhất là Tuyên Quang (29,17%). Ủy viên Ban Thường vụ là nữ có 123 đồng chí (12,91%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,37%; 20 đảng bộ đạt từ 15% trở lên, trong đó cao nhất là Bình Phước (40%). Bí thư cấp ủy là nữ có 9 đồng chí (13,85%) (nhiệm kỳ trước là 3 đồng chí).

Cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số có 389 đồng chí (11,68%), cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%, trong đó cao nhất là Cao Bằng (75,5%). Ủy viên Ban Thường vụ là người dân tộc thiểu số có 113 đồng chí (11,86%), cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%; trong đó cao nhất là Cao Bằng (80%). Bí thư cấp ủy là người dân tộc thiểu số có 6 đồng chí (9,23%), cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%.

Cấp ủy viên có trình độ thạc sĩ trở lên là 2.220 đồng chí (28 giáo sư, phó giáo sư), đạt 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,17%. Ủy viên Ban Thường vụ có trình độ thạc sĩ trở lên là 613 (7 giáo sư, phó giáo sư), đạt 64,32%, cao hơn nhiệm kỳ trước 19,23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 51 đồng chí (3 giáo sư, phó giáo sư), đạt 78,46%, cao hơn nhiệm kỳ trước 13,85%. Phó bí thư có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 98 đồng chí (2 giáo sư, phó giáo sư), đạt 69,01%, cao hơn nhiệm kỳ trước 20,59%.

Tuổi bình quân của ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thấp hơn so với nhiệm kỳ trước; cơ bản bảo đảm ba độ tuổi trong cấp ủy; 28 đồng chí bí thư từ 50 tuổi trở xuống (43,08%).

27 đồng chí bí thư không là người địa phương (41,54%), cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%.

Đại hội của 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu được Trung ương phân bổ. Việc bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, bầu đủ, bầu trúng theo đề án nhân sự. Tỉ lệ phiếu bầu trúng cử chức danh chủ chốt là rất cao.

Có được kết quả trên là do bản lĩnh, trí tuệ, khả năng hành động điều hành, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, chặt chẽ, cụ thể, phù hợp và sát thực tế, nội dung rõ ràng, dễ hiểu; sự vào cuộc quyết tâm và đồng lòng của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực lớn, chủ động, tích cực của cấp ủy, thường vụ cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy trong việc chuẩn bị, tổ chức đại hội; sự ủng hộ, tham gia tích cực và cổ động của nhân dân tạo được sự đồng thuận, thống nhất để đại hội thành công.

Nhân sự của 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương là tiền đề để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chuẩn bị thật tốt để trình đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khóa XIII, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện nghị quyết Đại hội. Đây là công việc vô cùng quan trọng thể hiện bản lĩnh chính trị của một Đảng cầm quyền.

Trần Công Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh