Đại hội Đảng XIII của Đảng: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường
- Tây Y
- 16:17 - 20/01/2021
Bài 1: DẤU ẤN NHIỆM KỲ KHÓA XII
1. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tuy có những thuận lợi nhưng đã gặp không ít khó khăn, thách thức do thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, làm đảo lộn tình hình thế giới với những thiệt hại to lớn về sức khỏe, sinh mạng con người, ảnh hưởng rất nặng nề trên tất cả các lĩnh vực, suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, trong đó có chúng ta. Đến nay chúng ta vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch Covid-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ, chung sức đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt "chống dịch như chống giặc" quyết tâm duy trì phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, năm 2020 đạt 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Nếu lấy năm 2016 là khởi đầu, năm 2017 ổn định, năm 2018 lấy đà để 2 năm 2019, 2020 là những năm bứt phá hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ, thì năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2018 tiếp tục cho thấy đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với toàn bộ 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật là tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra và đạt mức cao nhất của gần một thập kỷ. Nhiều kỷ lục đã xác lập như dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu… Năm 2019 kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 7/12 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Đặc biệt là năm thứ 2 trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% và năm thứ 4 liên tiếp đạt xuất siêu gần 10 tỷ USD.
5 năm (1916 - 2020), quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2750 USD; năng suất lao động được cải thiện rõ rệt, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8% năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống 4% trong giai đoạn 2016 - 2020; tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7 lần, xuất siêu 5 năm liên tiếp. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện. Xã hội ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo 9,88% năm 2016 giảm xuống còn dưới 3% năm 2020. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam… có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt nổi trội.
Quy mô nguồn nhân lực tăng lên, chất lượng cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%; tiềm lực khoa học công nghệ được tăng cường, công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, trên các lĩnh vực giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, có nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.
Với sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
2. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả cụ thể.
Từ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và trước những diễn biến về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, Trong nhiệm kỳ, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành và chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4, chỉ rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái trong cán bộ đảng viên để giúp cho mỗi cán bộ đảng viên tự soi lại mình, tự sửa, tự gột rửa những khuyết điểm, đồng thời làm cơ sở giúp đỡ những cán bộ đảng viên khác, cũng là căn cứ để cấp ủy, tổ chức đảng xem xét xử lý những cán bộ đảng viên suy thoái nghiêm trọng; đồng thời có kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị 05 về việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh với các chuyên đề hàng năm.
Theo đó, những vi phạm cách đây 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn, bây giờ mới phát hiện ra, nếu đến mức phải xử lý kỷ luật thì vẫn phải xử lý theo mức độ vi phạm. Phương châm xử lý được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền". Với tinh thần đó đã có hơn 110 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, hơn 20 tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, hơn 20 ủy viên Trung ương cả đương chức và nguyên chức bị xử lý kỷ luật, trong đó có một số phải chịu hình phạt của pháp luật.
Nhiệm kỳ khóa XII là bước phát triển và có nhiều cải tiến, đột phá, đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ như việc tạo nguồn, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đánh giá và quy trình tuyển chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Công tác đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục cả quá trình công tác một cách toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, kết quả công tác, sức khỏe; đánh giá của cấp trên, cấp dưới, cùng cấp và tự đánh giá của bản thân; đánh giá bằng sản phẩm cụ thể; đánh giá có sự so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá phải công khai theo quy định và thông qua khảo sát; đánh giá người đứng đầu phải gắn với đánh giá tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của điạ phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Quy định 98-QĐ/TU của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ đã quy định rõ trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền, cơ quan cử cán bộ đi luân chuyển, trách nhiệm của đơn vị, địa phương tiếp nhận cán bộ luân chuyển, trách nhiệm cơ quan tham mưu, quản lý và trách nhiệm của cán bộ luân chuyển. Nhờ đó mà tránh được việc "chạy luân chuyển" đảm bảo sự công tâm, khách quan, chính xác nhằm đánh giá đúng, chọn đúng cán bộ.
Quy định 205-QĐ/TU của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền được ban hành trước thềm đại hội Đảng XIII có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp đảm bảo chặt chẽ, khách quan theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: "Công tác chuẩn bị nhân sự phải được tiến hành từng bước, từng việc, thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, bảo đảm thật sự dân chủ, công khai, minh bạch, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp ủy khóa tới".
Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước. Tính chất quan trọng đan xen những yếu tố hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, diễn ra trong quá trình chuyển giao thế hệ cán bộ cấp chiến lược, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Nhiệm kỳ XII của Đảng đã thực hiện những bước đi theo đúng quy trình đã đề ra và đạt kết quả tốt, sẵn sàng bước vào Đại hội XIII.