CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:55

Đại gia nuôi bò, đếm tiền mỏi tay

 

Nên cơ nghiệp từ… 1 con trâu

Theo hẹn, tôi đến nhà gặp ông. Vừa tới trước cổng, ông Còn đã hào hứng chỉ đường cống thoát nước trước nhà, rồi nói: “Tụi tôi vừa hoàn thành công trình thoát nước. Mấy bữa nay bà con trong xóm vui lắm vì hết bị ngập nước”.

Ông Nguyễn Văn Còn (sinh năm 1964), là con áp út trong gia đình 6 anh chị em. Từ nhỏ, ông đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì cha ông bị giặc phát hiện làm cách mạng nên bắt giam rồi thủ tiêu, mẹ ông phải một nách nuôi 6 con thơ dại.

“Năm 1973, cuộc sống bên Campuchia quá khó khăn nên mẹ tôi đưa cả gia đình về huyện Tân Biên sinh sống. Hồi đó, khu vực này toàn là rừng với trảng tranh nên bị Mỹ đánh bom thường xuyên” - ông Còn - người thành đại gia nhờ 1 con trâu - mở đầu câu chuyện.

Ông Nguyễn Văn Còn - người thành đại gia nhờ 1 con trâu - trong cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng.

Sau ngày đất nước giải phóng, gia đình ông Còn vẫn thuộc diện nghèo nhất vùng. “Nhìn thấy mẹ quần quật làm ruộng suốt ngày nhưng vẫn thiếu đói, tôi phải tự đi tìm nhà nào có bò để xin được chăn thuê, chỉ mong kiếm cơm qua ngày. Chăn bò mãi cũng không giúp được gì nhiều cho gia đình, năm 13 tuổi tôi theo người lớn vào rừng le phát rẫy lấy đất trồng lúa. Mỗi năm phá 1ha, trồng hết 1 vụ lại chuyển sang phát nơi khác” - ông Còn nhớ lại.

Năm 1977, nhà nước có chính sách bán trâu trả chậm cho những gia đình có công, gia đình nghèo nuôi để phát triển kinh tế và cày ruộng. Mẹ ông Còn được mua thiếu 1 con trâu cái, giá 120.000 đồng. Nhờ đã từng chăn bò thuê nên ông Còn nhanh chóng vận dụng hết kinh nghiệm sẵn có, ra sức chăm bẵm “tài sản” của gia đình và giúp mẹ tập trung trồng đậu, mè (không trồng lúa như trước - PV) trên diện tích 5ha.

Một năm sau trâu mẹ đẻ con, cộng với cánh đồng đậu, mè cho sản lượng khá cao nên mẹ ông Còn quyết định bán luôn 2 con trâu cùng nông sản thu được để trả nợ cho nhà nước, số tiền còn lại dồn vào mua bò về nuôi. Khi giặc Pôn-Pốt tràn sang nước ta đánh phá các tỉnh biên giới Tây Nam, nhà nước đưa đất đai của dân vào tập đoàn, người dân trong vùng lại chuyển sang trồng lúa sống qua ngày.

“Đến năm 1984, nhà nước trả ruộng cho dân, mẹ tôi nhận lại 5ha. Thời đó, nghề làm bánh tráng ở Tây Ninh bắt đầu manh nha phát triển, vậy là gia đình tôi chuyển hướng sang trồng mía để ép đường tán và trồng mì (sắn) bán cho những lò làm bánh tráng. Cùng năm này tôi lấy vợ, vì nghèo nên mẹ chỉ cho vợ chồng tôi được cặp bò cái, xe bò và đôi bông tai. Sau đám cưới, vợ chồng tôi quyết định bán đôi bông tai lấy tiền mua thêm bò mẹ, bò con” - ông Còn tâm sự.

Nhờ “mát tay” nên 4 con bò của ông Còn lớn như thổi, sinh sản đều đặn. Với mơ ước phát triển đàn bò lớn nhất vùng nên khi bò mẹ đẻ ra con đực, ông Còn bán lấy tiền lời tập trung mua bò cái và mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất.

Đến năm 1990, đàn bò nhà ông Còn đã lên tới hơn 200 con. Nhưng lúc đó đồng cỏ bắt đầu khan hiếm, việc phát rừng cũng bị cấm, vì vậy ông Còn hợp đồng với lâm trường trồng rừng sao trên diện tích 20ha để có thêm diện tích trồng cỏ nuôi bò. Trồng xong rừng, thấy vốn bỏ ra quá nhiều, trong khi muốn thu hồi vốn phải mất nhiều thời gian nên ông Còn quay trở lại trồng mía, mì và tiếp tục nuôi bò.

Đếm tiền mỏi tay

Kinh tế ổn định, một hôm mẹ ông Còn nói tại sao không trồng cao su vì đó là “vàng trắng”. Nghe phân tích hợp lý, ông Còn bán bớt bò, mua giống cao su về trồng trên toàn bộ 50ha của gia đình. Ông Còn bảo, thời điểm năm 1991 giá đất rất rẻ, vì thế hễ nghe ai bán đất là vợ chồng ông bán bò mua đất. Thậm chí có lúc không đủ tiền, vợ chồng ông vay nặng lãi để mua rồi chờ thu hoạch nông sản và bò đẻ bán lấy tiền trả nợ. Dần dần số đất cao su vợ chồng ông tích lũy được lên tới 300ha.

Những năm mủ cao su được giá, vợ chồng ông mua thêm 300ha trồng mía. Khi các loại cây công nghiệp lên ngôi, đồng cỏ giảm dần, trong lúc đàn bò không ngừng sinh sôi, năm 1994, ông Còn nghĩ ra cách dùng phương pháp “nuôi rẽ” (chia cho dân nuôi để bò có cỏ ăn – PV).

Theo đó, hộ nào nuôi 4 bò cái, khi bò đẻ sẽ được chia đôi bò con, người nuôi được quyền lựa chọn con khỏe mạnh. Đến năm 2002 thì nhà nhà trồng mía, trồng cao su khiến những cánh đồng cỏ ở Tân Biên thưa dần, người dân trả hết bò cho ông Còn. Lại một lần nữa, ông Còn phải tìm cách giữ đàn bò của mình, ấy là sang huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để mua 260ha đất làm trang trại và trồng cao su.

Ông Nguyễn Văn Còn chỉ đường cống thoát nước do ông cùng một số người dân hỗ trợ địa phương.

Đến nay, sau khi đã cho 4 người con hàng trăm ha đất làm của hồi môn, vợ chồng ông Còn vẫn nắm giữ trên 1.100ha cao su, mía, mì. Với số diện tích này, mỗi năm ông Còn tạo việc làm thường xuyên cho 280 công nhân cạo mủ với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng; nuôi thường xuyên 250 lao động thời vụ trong trang trại mía, mì. Hai năm trở lại đây, mặc dù giá mủ cao su rớt xuống chỉ còn 23.000 đồng/kg mủ khô, nhưng ông Còn vẫn thu lãi khoảng 13 tỷ đồng/năm.

Lúc đã thành đạt, với suy nghĩ mình từng đi lên từ hai bàn tay trắng, có được ngày hôm nay cũng nhờ nhà nước bán thiếu trâu, vì vậy năm 2003, thấy người dân trong ấp phải chôn cất người thân ở khá xa, ông Còn đã hiến cho ấp hơn 1ha để xây nghĩa trang. Năm 2006, ông tiếp tục hiến 12 lô đất cho người dân các xã trong huyện Tân Biên, đồng thời xây thêm 4 căn nhà tình nghĩa tặng người nghèo. Đến nay, số nhà tình nghĩa, tình thương và nhà đại đoàn kết do ông Còn xây tặng người dân đã lên tới 70 căn.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tấn Thành, Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình nói: “Tết năm nào ông Còn cũng tặng hàng trăm phần quà cho người nghèo trên địa bàn xã. Đặc biệt là từ năm 1991, ông Còn đã bỏ ra khoảng 300 triệu đồng làm tuyến đường dài trên 2,8km, rồi bắc cầu qua suối ở bàu Xăng Máu, ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình để giúp người dân bớt cực mỗi khi đi làm rẫy. Thời đó, 300 triệu đồng có thể mua được hơn 100ha đất”.

Tiên phong trả đất để trồng rừng

Khi nhà nước kêu gọi trồng rừng tại Dự án rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc, xã Tân Lộc, huyện Tân Biên, dù đất của gia đình đã được cấp sổ, nhưng trước cái lợi lâu dài, ông Còn đã tiên phong chặt bỏ 78ha cao su đang cạo mủ được 2 năm để trồng rừng sao, dầu và keo.

Thấy ông Còn làm gương, nhiều người có đất trong khu vực dự án cũng chặt bỏ 5-10ha cao su của gia đình được giao khoán để trồng lại rừng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh