Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta mua sắm, du lịch và làm việc trong nhiều năm tới
- Huyệt vị
- 02:03 - 21/03/2020
Những cuộc suy thoái toàn cầu đã châm ngòi cho thái độ "không muốn tiêu xài, không có nhu cầu" mà đã định hình xu hướng tiêu dùng trong nhiều thập kỷ. Cho đến tận ngày nay, thời kỳ siêu lạm phát trong quá khứ vẫn còn là một nỗi ám ảnh đối với những chính sách của nước Đức.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến khu vực này tích trữ lượng ngoại hối lớn nhất thế giới. Gần đây hơn, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cú giáng của nó vào nền dân chủ vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay, với những người lao động phải chịu mức lương thấp đến đáng thương trong thập kỷ sau đó.
Lần này, sự khẩn cấp về vấn đề sức khỏe cộng đồng đã làm rung chuyển nền kinh tế thế giới. Chỉ trong vài tuần, người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đã quen với việc đeo khẩu trang, dự trữ các nhu yếu phẩm, hủy bỏ các cuộc gặp gỡ và họp hành, hủy bỏ kế hoạch du lịch và buộc phải làm việc tại nhà. Ngay cả các quốc gia với tương đối ít trường hợp nhiễm bệnh cũng đang thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa.
Dấu vết của những thói quen như vậy sẽ tồn tại rất lâu ngay cả sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Về phía cung, các nhà sản xuất quốc tế đang buộc phải suy nghĩ lại về nơi nào sẽ mua và sản xuất hàng hóa của họ. Thực ra cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung cũng đã cho thấy những rủi ro khi dựa vào một nhà cung cấp nguyên liệu duy nhất.
Đối với giới văn phòng, họ đã có thêm những sự lựa chọn như làm việc từ xa và các ca làm xen kẽ - mở ra một kỷ nguyên mới khi làm việc tại nhà trở thành một phần không thể thiếu trong lịch trình của mọi người.
Karen Harris, giám đốc điều hành của Bain’s Macro Trends Group tại New York cho biết: "Một khi các chính sách hiệu quả dành cho làm việc tại nhà được thiết lập, họ có thể sẽ gắn bó với việc này lâu dài."
Các trường đại học chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm du lịch sẽ đa dạng hóa cơ sở sinh viên nước ngoài, và các trường học sẽ cần phải được chuẩn bị tốt hơn để tiếp tục giáo dục trực tuyến khi dịch bệnh buộc họ phải đóng cửa.
Ngành du lịch đang chứng kiến sự tác động mạnh mẽ nhất, với các chuyến bay, du lịch trên biển, khách sạn và mạng lưới các doanh nghiệp dựa vào du lịch để kiếm sống đang gặp khó khăn. Mặc dù khách du lịch chắc chắn vẫn luôn háo hức khám phá thế giới và thư giãn trên bãi biển một lần nữa, nhưng có thể sẽ mất một thời gian trước khi ngành công nghiệp này hồi phục.
Virus cũng đã làm thay đổi nhanh chóng tầm nhìn về chính sách kinh tế, và tạo ra các ưu tiên mới. Các ngân hàng trung ương đang trong chế độ khẩn cấp một lần nữa, trong khi các chính phủ đang cật lực tìm kiếm nguồn tiền để chống đỡ các lĩnh vực đang gặp khó khăn. Vấn đề vệ sinh đang trở nên nóng hổi trong các chương trình nghị sự của chính phủ và doanh nghiệp - và thực sự, Singapore đã có kế hoạch đưa ra các tiêu chuẩn làm sạch bắt buộc.
Kazuo Momma, người từng phụ trách chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Nhật Bản cho biết: "Đại dịch này chưa từng có tiền lệ, xét về những sự không chắc chắn và tác động của nó lên kinh tế và xã hội". Ông cho biết, biên giới kiểm soát chặt chẽ hơn, phạm vi bảo vệ rộng lớn và các thay đổi lâu dài đối với mô hình làm việc và đi lại sẽ chỉ là một trong số những thay đổi mang tính vi mô mà sẽ tồn tại lâu sau khi virus chấm dứt.
Tại Trung Quốc, nơi virus bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái, cơ quan lập pháp hàng đầu đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong bối cảnh các nhà khoa học cảnh báo rằng virus chết người corona lây nhiễm từ động vật sang người. Các quy tắc vệ sinh nghiêm ngặt khác dự kiến sẽ thúc đẩy những người tiêu dùng cảnh giác đẩy mạnh việc mua sắm trực tuyến, tương tự như cách dịch SARS năm 2003 thay đổi thói quen mua sắm khi mọi người tránh đi tới các trung tâm thương mại.
Phân tích của Bain & Company cho thấy Trung Quốc sẽ chứng kiến những thay đổi rõ rệt trong vấn đề chăm sóc sức khỏe khi ngày càng có nhiều đợt kiểm tra sơ bộ được thực hiện thông qua các kênh trực tuyến để tránh nguy cơ lây nhiễm trong các phòng chờ đông đúc.
Theo một bài báo mới về tác động kinh tế vĩ mô của virus từ Viện Brookings và Đại học quốc gia Úc, chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe nhằm tránh những chi phí khủng khiếp khi phải đối đầu với các đại dịch.
"Cộng đồng toàn cầu lẽ ra đã đầu tư rất nhiều vào việc phòng ngừa dịch bệnh ở các nước nghèo", ông McKibbin cho biết. Ông cũng là đồng tác giả của một bài báo trước đó mà đã ước tính dịch SARS năm 2003 đã xóa sạch 40 tỷ USD khỏi nền kinh tế thế giới.
Bởi vì không ai biết virus sẽ tiếp tục phát sinh theo chiều hướng nào hoặc những thiệt hại về kinh tế và con người cuối cùng sẽ là bao nhiêu, các nhà kinh tế thận trọng trước những dự đoán cụ thể. Theo Edmund Phelps của Đại học Columbia, có thể sẽ mất một thời gian để những gián đoạn quay trở lại khuôn khổ sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
"Tôi nghĩ rằng hầu hết các doanh nghiệp bình thường và chắc chắn những "gã khổng lồ" ở Mỹ và những nơi khác sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh bình thường", ông nói.
Các nhà kinh tế như Paul Sheard, một thành viên cao cấp tại Đại học Harvard Kennedy, cũng cảnh báo rằng vì không có hai cú sốc kinh tế nào hoàn toàn giống nhau, nên không ai biết chắc chắn "di sản" mà đại dịch này để lại sẽ là gì.
Fabrizio Pagani, cựu cố vấn của Thủ tướng Ý, đã rút ra bài học từ những cú sốc kinh tế trước đây. Ông cho biết: "Cú sốc cung dầu trong thập niên 70 đã dẫn đến những nỗ lực đầu tiên trong việc bảo tồn năng lượng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong khi đó cú sốc cầu theo sau khủng hoảng tài chính là lý do căn bản cho một khung pháp lý mới, khá triệt để trong toàn bộ lĩnh vực tài chính ngân hàng".
Lần này, ông hy vọng mọi thứ, từ học trực tuyến cho đến chiến lược của các ngành công nghiệp đều sẽ thay đổi khi các mô hình kinh doanh hiện tại được tái cấu trúc.
Sự "hội tụ" của ba sự kiện gồm Brexit, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và bây giờ là Covid-19 có thể định hình lại chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, theo Michael Murphree, thuộc Đại học Kinh doanh Nam Carolina, Darla Moore.
Kathryn Judge, một chuyên gia về thị trường tài chính và điều tiết tại Đại học Columbia, nói rằng vụ sụp đổ ngân hàng năm 2008 của Mỹ đã để lại những vết sẹo sâu bằng cách thúc đẩy chia rẽ chính trị và làm giảm khả năng sở hữu nhà. Cuộc khủng hoảng hiện nay, khi các quốc gia trên thế giới thực hiện các bước khẩn cấp để bảo vệ công dân khỏi bị nhiễm virus corona, cũng sẽ có tác động.
"Các cuộc thảo luận gần đầy về cách cải tạo hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ có thể được hưởng lợi từ sự cấp thiết được đổi mới, từ đó cho phép thay đổi cấu trúc".
Làm thế nào để vấn đề này xuất hiện trên sân khấu chính trị mới là chìa khóa. Ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đang thúc đẩy một kế hoạch được xây dựng trên "Đạo luật chăm sóc sức khỏe chi phí thấp" của Barack Obama. Tổng thống Donald Trump, trong khi đó, đang hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus corona đối với nền kinh tế Mỹ, và tìm cách đổ lỗi cho các quốc gia khác khi gọi đó là "virus nước ngoài."
James Boughton, người đã phục vụ trong nhiều thập kỷ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trích dẫn sự sụp đổ ở Hàn Quốc và Indonesia là chất xúc tác cho sự thay đổi, thúc đẩy chính phủ phải hành động.
"Chỉ khi ở trong một cuộc khủng hoảng thực sự, các chính phủ mới có thể tập hợp mọi người lại và khiến họ chấp nhận những cải cách cần thiết nhưng đau đớn, ông Boughton nói. "Mỗi cuộc khủng hoảng cũng đồng thời là một cơ hội."
Tham khảo Bloomberg