Đại biểu Quốc hội: Thống nhất với đề xuất của Chính phủ chưa tăng lương cơ sở năm 2021
- Tây Y
- 21:48 - 03/11/2020
Ba ngày thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi bắt đầu từ 8h hôm nay 3 đến 5/11.
Chia sẻ sâu sắc nhất với những thiệt hại về người và của đối với đồng bào các tỉnh miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhấn mạnh, năm 2020 là khoảng thời gian mà cả nhân loại, trong đó đặc biệt là nước ta trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Trước những khó khăn như thế, ông Quốc Hận cho rằng, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, năm 2020 nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng tương đối đồng bộ các mục tiêu, nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
Tuy nhiên, khó khăn do Covid-19, bão lũ gây ra vẫn còn đó, về kiến nghị của Chính phủ, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách, ông khẳng định: "Tôi bày tỏ sự thống nhất".
Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, Chính phủ cũng cần cân nhắc, trong đại dịch thì hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí và các tầng lớp nhân dân đã hết lòng ủng hộ từ vật chất đến tinh thần để chia sẻ khó khăn với người lao động và đất nước.
Theo ông Quốc Hận, đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp, hành động hết sức nhân văn "lá lành đùm lá rách".
"Tuy nhiên, trong nhóm ủng hộ vật chất trên có những công chức, cán bộ hưu trí có mức thu nhập hết sức ít ỏi, chỉ vài triệu đồng/tháng, trong đó đặc biệt là cán bộ hưu đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nay tuổi già sức yếu không còn khả năng lao động, sản xuất để trang trải cuộc sống mà chỉ dựa hoàn toàn vào số lương hưu ít ỏi, nên việc kéo dài thời gian tăng mức lương cơ sở sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các đối tượng này", đại biểu tỉnh Cà Mau nói.
Vì thế, ông đề xuất trong thời gian chưa tăng lương, Chính phủ cần có giải pháp kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo giá cả phù hợp, và có chính sách hỗ trợ hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng cho đến khi tăng lương "để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống", ông Quốc Hận nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng cho rằng, về tài chính ngân sách nhà nước năm 2020, nước ta đối diện với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và một số ngành dịch vụ khác.
Tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tình hình mưa lũ thất thường gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản, con người và các công trình công cộng ở nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung.
Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ hụt thu ngân sách nhà nước, vì thế, bên cạnh các đề xuất khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hải hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chưa tăng lương cơ sở năm 2021 để dành nguồn lực ưu tiên khắc phục thiên tai, khắc phục sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Trước đó, chiều ngày 20/10, Quốc hội nghe báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021 - 2025
Một trong những đề nghị của Chính phủ là chưa điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước năm 2021 khó khăn, Chính phủ đề nghị, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung dành nguồn lực phòng chống, dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản đồng ý với đề nghị này của Chính phủ.
"Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn", Chủ nhiệm ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.
Việc điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình được tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu từ 1/7/2020. Tuy nhiên, tại kỳ họp 9, Chính phủ đã đề nghị chưa tăng lương cơ sở từ 1/7/2020.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 và giao Chính phủ "căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở".
Như vậy, nếu đề nghị chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 được Quốc hội thông qua, tiền lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ tiếp tục hoãn.