Đại biểu Quốc hội: Thận trọng, tránh nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai
- Tây Y
- 14:41 - 10/01/2022
Sáng nay (10/1), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng
Trong nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, Chính phủ đề nghị sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 75 (tương ứng sửa đổi khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Từ điểm cầu Diên Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đánh giá cao Chính phủ nhận diện vướng mắc, đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở.
Song theo ông, vấn đề ở đây không hề đơn giản mà phải xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc tiêu cực.
Ông cho rằng, nếu thực hiện đấu giá, đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho nhà nước rất lớn. Đại biểu lấy ví dụ nổi bật nhất thời gian qua là đấu giá 1 ha đất Thủ Thiêm mang lại 24.500 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Nếu diện tích này, không đấu thầu, nhà đầu tư nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thử tính 100 triệu đồng/m2 thì chỉ thu được 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của bán đấu giá.
Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu sửa đổi theo dự thảo thì Nhà nước không thu được bao nhiêu, người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu. Chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về nhà đầu tư, chủ dự án. Trong khi, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Theo đại biểu, Nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm giá đất tăng lên thì chênh lệch địa tô “phải thuộc về Nhà nước, thuộc về toàn dân”.
“Nếu sửa đổi luật theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được, lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Với Nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Thành nêu quan điểm.
Thất thoát hay không là do định giá không sát thị trường
Ông cũng đưa ra cảnh báo, với nội dung sửa đổi như dự thảo, chắc chắn dẫn đến phong trào gom đất. Và giá đất sẽ bị đẩy lên cao, hệ lụy phát sinh nhiều và rất lớn.
“Giá đất bị đẩy lên cao thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khó càng khó. Khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ càng tăng, càng nóng nhiều hơn. Bởi nguyên nhân sâu xa dẫn đến khiếu nại tố cáo, khó khăn giải phóng mặt bằng chủ yếu là chênh lệch giá bồi thường với giá trên thực tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.
Từ đó, ông Thành đề nghị, Quốc hội chưa nên sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, đặc biệt có hướng xử lý cho bằng được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan để vừa khắc phục bất cập, bảo đảm khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và người dân.
Đồng tình với đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi sẽ có hậu quả là gây ra tình trạng thất thoát vì khi được công nhận chủ đầu tư và được thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì theo Luật Đất đai, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định là lấy giá đất nhân với hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất).
Ông Cường lấy ví dụ, ở Hà Nội hiện nay hệ số K cao nhất là 2,15; bảng giá đất cao nhất là 168). Như vậy, dù có chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở giữa khu vực Hoàn Kiếm hoặc TP.HCM trên đường Nguyễn Huệ cũng phải trả tiền đất 312 triệu/m, điều này sẽ tạo sự băn khoăn rất lớn về nguồn lực của Nhà nước. Vì vậy việc này phải hết sức cân nhắc. Ông nói, nếu “buộc lòng” sửa đổi phải tính tiền đất theo giá thị trường.
Từ điểm cầu Quảng Nam, đại biểu Phan Thái Bình bấm nút tranh luận. Đồng tình với đại biểu Thành là có chênh lệch địa tô nhưng ông Bình lưu ý, ở đây, nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất hợp pháp. Nếu đất đó phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì họ được chuyển đổi mục đích sử dụng.
“Theo quy định của Luật Đất đai và các quy định về giá, thì giá do cơ quan Nhà nước thẩm quyền quyết định, thất thoát hay không là do định giá không sát với thị trường chứ không phải do sử dụng”, đại biểu đoàn Quảng Nam nói và bày tỏ quan điểm đồng tình với tờ trình của Chính phủ.
Song ông cho rằng, không phải sửa Luật Đầu tư mà sửa Luật Nhà ở và đề nghị, phải định giá đất sát với thị trường. “Thất thoát hay không thất thoát là do cơ quan có thẩm quyền định giá, chứ không phải do lỗi của luật”, đại biểu Phan Thái Bình nhắc lại.