THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:53

Đại biểu quốc hội lo nợ công tăng nhanh, đầu tư dàn trải

 

Bao nhiêu dự án thua lỗ, cần xem xét đề nghị xử lý

“Người xưa có câu “nhì thời nhà dột, thứ ba nợ đòi”, tâm lý người dân Việt Nam rất lo nợ và trả nợ càng nhiều thì càng lo”- ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc lại những đánh giá khái quát “truyền thống” trong báo cáo Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách về tình hình nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn đúng”

Đó là, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao; bố trí vốn đầu tư công còn dàn trải, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, hình thức để được ghi vốn rồi điều chỉnh nhiều lần….

Theo ĐB Phương, cách đánh giá này chưa nhìn vào sự thật, chưa nêu được hiệu quả đầu tư thực tế của các dự án, bao nhiêu dự án thua lỗ, cần xem xét đề nghị xử lý...

Ông cũng điểm lại những dự án vốn đầu tư “khủng” như Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên…. làm tiêu tan hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư nhà nước.

“Kiểu báo cáo, thẩm tra như trên chỉ là ‘bắn chỉ thiên’, nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm cá nhân, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn, nhất là chống tham nhũng, lãng phí”, ĐB Phương nói.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân vì sao nợ công tăng cao và cho biết phương án khắc phục, làm an lòng đại biểu và nhân dân. 

Vị đại biểu cũng nêu quan điểm, với những địa phương có số thu lớn, thường xuyên vượt thu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cần chung sức cùng Chính phủ để giải quyết khó khăn với những địa phương khác trong cả nước. Điển hình như Quảng Bình, với tình hình lũ lụt, thiên tai thường xuyên, đời sống sản xuất kinh doanh ngập chìm khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương thì sẽ "phá sản".

Sử dụng ODA - cha chung không ai khóc 

Về thu hút vốn ODA, theo ĐB Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh), trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn thu của Việt Nam chủ yếu dựa phần nhiều vào tài nguyên nước, dầu thô… và nhu cầu chi cao thì không còn cách nào khác là phải nuôi dưỡng, tìm nguồn thu mới và giảm chi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc

 

“Chính phủ cần tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội; để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn, thay vì gửi tiết kiệm, giữ tiền trong két sắt”, ĐB Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.

Ông Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, bên cạnh chương trình khởi nghiệp, phấn đầu 1 triệu doanh nghiệp, cũng cấn khuyến khích thành lập những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia.

Bởi trên thế giới, có những tập đoàn mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn hơn GDP quốc gia. Hơn nữa, chính số doanh nghiệp lớn này sẽ dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, ĐB Quốc lưu ý, thu hút vốn ODA cần tỉnh táo tránh rơi vào bẫy nợ nần, hay thu hút FDI cũng cần chọn lọc, tránh trả giá môi trường sau này. Chính quyền địa phương cũng cần siết chặt kỷ cương, tài chính ngân sách, xoá xin - cho…

Còn đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì bày tỏ lo lắng về việc nếu không chú trọng tăng năng suất LĐ sẽ khó chống lại việc già hóa dân số. Cùng với đó, theo đại biểu Tuấn "tuổi hưu không phù hợp với tuổi thọ, dẫn đến gánh nặng nợ bảo hiểm xã hội", ông Tuấn cho rằng cần tính đến việc tăng tuổi hưu để giải quyết vấn đề này.

Cùng với đó, đại biểu Tuấn cũng cho rằng cơ cấu vay sử dụng nợ công chưa hợp lý. "Việc sử dụng ODA, cha chung không ai khóc. Sử dụng kém hiệu quả, thất thoát nhiều". Do đó, theo đại biểu, rõ ràng phải cơ cấu lại, nợ công nên quan tâm, việc đầu tư nên lựa chọn...

Tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn đúng”. Ông cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần sự đồng thuận trong nhận thức của xã hội, Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, “nợ công giai đoạn 2011 – 2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn nhận định là rất đúng”.

Người đứng đầu ngành Tài chính dẫn lại một loạt con số: năm 2001, nợ công là 36,5%, năm 2005 là 40,8%, năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,2% GDP. Xét về quy mô, nợ công cũng tăng nhanh chóng khi năm 2015, nợ công là 2,68 triệu tỷ đồng gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005, gấp 14,8 lần năm 2001.

“Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011 – 2015 bằng 18,4%, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế (5,91%)”, Bộ trưởng nói và chỉ ra những nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh.

Đó là, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch; trong thực hiện giá trị GDP không đạt dự toán; tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, kể cả tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Trong khi đó, 5 năm qua, phải điều chỉnh chính sách giảm thu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giá dầu thô giảm… Chi an sinh xã hội, giảm nghèo, chi thường xuyên… lại tăng nhanh.

“Chi thường xuyên tăng lên 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước. Trong đó, tăng chi cho con người tác động 7/10 tăng chi thường xuyên”, ông Dũng cho biết.

Giai đoạn này, Chính phủ cũng phải trình Quốc hội tăng tỷ lệ bội chi ở mức cao để tăng nguồn cho đầu tư phát triển. Riêng giai đoạn này, 2011 - 2015, dự toán bội chi là 872.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện là 1.120.000 tỷ đồng.

“Nợ công về tuyệt đối tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng. Nhận định nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn chính xác”, Bộ trưởng Tài chính nêu.

Giải pháp hạn chế tốc độ tăng của nợ công được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách và thời gian tới sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật quản lý nợ công.

Đồng thời, tái cơ cấu lại nợ công bằng cách đẩy mạnh cơ cấu lại tỷ lệ nợ: nợ trong nước hiện là 57% và nợ nước ngoài 43%; cũng như tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công…

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh