Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì ở phiên chất vấn “hỏi 1, đáp 3”?
- Tây Y
- 01:26 - 04/06/2018
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này có nhiều điểm mới so với các kỳ trước. Theo đó, mỗi đại biểu có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn này sẽ tăng tính chất vấn lên. Trước đây, mỗi đại biểu có thể nêu 2-3 câu hỏi, sau đó các thành viên Chính phủ sẽ gom vấn đề, theo nhóm rồi trả lời. Điều này sẽ giải quyết được câu chuyện có thể trả lời vấn đề một cách tổng thể nhưng trực tiếp vào từng câu hỏi của đại biểu thì chưa chắc chắn. Còn đây là trả lời đúng vào câu hỏi của đại biểu. Và trả lời 3 câu hỏi một lúc sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Hy vọng, với việc dành trọn 3 ngày cho phiên chất vấn, những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm sẽ được đề cập trực tiếp, sâu sát hơn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Cách thức đổi mới hỏi nhanh, đáp gọn được các đại biểu và cử tri kỳ vọng sẽ tăng số lượng câu hỏi gửi đến các Bộ trưởng, trưởng ngành và đi thẳng vào câu hỏi để trả lời trọng tâm các vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có điều chỉnh ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trả lời chất vấn trực tiếp từng câu hỏi của từng đại biểu chứ không tập trung theo nhóm vấn đề như trước đây. Đối thoại tranh luận trực tiếp giữa đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn sẽ có hiệu quả và chất lượng cao hơn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Tôi quan tâm đến vấn đề phân bổ ngân sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như của địa phương. Trong đó, vấn đề phân bổ ngân sách thực hiện các chương trình liên quan đến vùng đồng bào miền núi dân tộc. Vừa qua đã có nhiều chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này nhưng trên thực tế việc phân bổ ngân sách cho thực hiện các chính sách dân tộc còn hạn chế. Điều này gây trở ngại trong quá trình thực hiện mục tiêu hiệu quả đối với việc thực hiện chính sách dân tộc. Đó là vấn đề các đại biểu miền núi và vùng dân tộc quan tâm tại kỳ họp này. Với cách chất vấn trực diện tại Kỳ họp này, hy vọng những vấn đề tôi quan tâm sẽ được giải đáp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Cách chất vấn này đòi hỏi các Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề, đại biểu hỏi vấn đề gì, Bộ trưởng trả lời vấn đề đó, hy vọng, phiên chất vấn tới sẽ có sức thuyết phục hơn.Tôi kỳ vọng rằng giám sát hiệu quả nhất vẫn là thể hiện tại phiên chất vấn. Như thế này thì tất cả đại biểu đều biết, cử tri, Chính phủ đều biết và phải quan tâm hơn vì người ta đã đặt lên bàn nghị sự. Trước việc chất vấn trực tiếp như này buộc họ phải rốt ráo, không chỉ ở phía đại biểu mà ngay cả các thành viên Chính phủ, đây là cơ hội để các thành viên Chính phủ giãi bày để đại biểu, cử tri hiểu, thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của ngành.