Đại biểu Quốc hội: Hoan nghênh Thủy Tiên kêu gọi từ thiện giúp bà con miền Trung
- Dược liệu
- 03:35 - 22/10/2020
“Trong lúc đất nước khó khăn, ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi đóng góp, chia sẻ với người dân vùng lũ lụt là một hành động tốt. Điều đó rất đáng quý”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, vấn đề này "cần phải tính toán".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc quyên góp ủng hộ cho nhân dân thì nên có tổ chức đứng ra điều tiết để tiền, hàng đến tận nơi người cần hỗ trợ và không bị trùng lắp.
“Một cá nhân hoàn toàn có thể kêu gọi được, nhưng một người điều hành 100 tỷ không thể bằng cả tổ chức được”, ông Lợi nêu quan điểm.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trường hợp ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung ai cũng ủng hộ, không ai phản ứng, nhất là trong bối cảnh thiên tai bão lũ đang xảy ra.
“Khi Nhà nước với nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai nên khuyến khích vì nguồn lực Nhà nước có hạn”, ông Vân nói.
Theo ông Vân, khi người dân làm từ thiện không chỉ cho thấy truyền thống “lá lành, đùm lá rách”, “tương thân, tương ái” mà còn khơi dậy truyền thống yêu nước, thương nòi.
“Những tấm gương như vậy có tính chất lan tỏa trong xã hội rất cao”, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh.
Ông Vân nghĩ rằng, “Thủy Tiên và nhóm của mình không đi ban phát một cách bừa bãi. Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ quyên góp vào quỹ đó cho họ. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch”.
Chuyện từ thiện đang là chủ đề được dư luận quan tâm, đặc biệt khi nhiều nghệ sĩ tham gia cứu trợ đồng bào miền Trung, trong đó ca sĩ Thuỷ Tiên đã kêu gọi quyên góp được hơn 100 tỷ đồng.
Điều lưu ý, là Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Ở góc độ pháp luật, theo ông Vân, không nên máy móc chỉ có tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động kêu gọi quyên góp tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà nên quy định cá nhân cũng có quyền.
Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, nên có quy định với thủ tục không rườm rà để họ đăng ký để “ràng buộc trách nhiệm”; cũng như có quy định về phương thức đi từ thiện để bảo đảm an toàn cho chuyến đi.
“Tôi thấy nhóm của Thủy Tiên đi trong vùng lũ lụt rất cần có hỗ trợ về mặt chuyên môn của hoạt động cứu trợ, cứu nạn để hướng dẫn cho họ. Có những lúc rất nguy hiểm”, ông Vân nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, pháp luật cần quy định về công khai minh bạch tài chính, cũng ngăn cấm, ngăn chặn các hành vi lạm dụng việc kêu gọi, quyên góp cứu trợ để trục lợi.
Theo Điều 5 của Nghị định 64, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có:
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Cũng theo Điều 5, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.